Toan tính tàu hải cảnh Trung Quốc: Cố ý để bị nhận diện trên Biển Đông
https://vietnamnet.vn/... đăng ngày 14/10/2019 06:00.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc khi hoạt động tại ba bãi cạn ở Biển Đông (mà các nước khác tuyên bố chủ quyền) đã ‘tự nguyện’ phát đi tín hiệu nhận diện.
Theo Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ, “rõ ràng Trung Quốc muốn các đối tác trong khu vực biết tàu của họ hiện diện trong kế hoạch chi tiết nhằm khẳng định và mở rộng quyền kiểm soát trên biển”.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Một báo cáo của AMTI cho biết, họ đã xác định được 14 tàu hải cảnh của Trung Quốc phát đi tín hiệu nhận diện tự động (AIS) khi hoạt động ở các bãi cạn Luconia, Cỏ Mây và Scarborough.
Các tàu thương mại có trọng tải trên 300 tấn được yêu cầu phát di tín hiệu AIS để tránh va chạm. Trong khi đó, tàu quân sự và thực thi pháp luật có quyền quyết định thời gian và địa điểm làm như vậy. Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á nhấn mạnh, rất nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang hoạt động ở các vùng khác trên Biển Đông chỉ phát tín hiệu nhận diện khi ra vào cảng.
Nhưng các tàu hải cảnh hoạt động ở ba bãi cạn nói trên dường như cố tình để bị nhận diện. Một tàu ở bãi Luconia phát tín hiệu AIS 258 trong 365 ngày qua, tàu ở bãi Cỏ Mây phát trong 215 ngày còn tàu ở Scarborough là 162 ngày.
Báo cáo của AMTI nhấn mạnh: “Sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc rất dai dẳng, và Trung Quốc rõ ràng muốn các nước trong khu vực biết rõ sự hiện diện này. Bắc Kinh rất quan tâm đến Luconia, Cỏ Mây và Scarborough. Dường như Trung Quốc tin rằng, nếu họ có thể duy trì sự hiện diện của các tàu hải cảnh đủ lâu, thì những nước duyên hải trong khu vực cuối cùng sẽ chấp thuận thực tế là việc tàu Trung Quốc thường xuyên kiểm soát ở các bãi cạn này.
Và nếu chiến lược này thành công tại bãi cạn Luconia và Cỏ Mây (như Trung Quốc đã làm ở Scarborough) thì nó sẽ đóng vai trò là một kế hoạch hoàn hảo để Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát sang các bãi ngầm, bãi cạn khác”.
Xua đuổi và đe dọa
Thông qua việc triển khai các tàu hải cảnh, Trung Quốc có thể tạo ra sự hiện diện rõ ràng ở các khu vực mà họ yêu sách chủ quyền nhưng lại không có cơ sở thường trú.
Tại bãi Luciona tháng 9 và 10 năm ngoái, hải quân Malaysia phát hiện ra tàu hải cảnh 3306 hoạt động ít nhất trong 2 ngày. Ở bãi Cỏ Mây tháng 5 năm nay, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn các tàu tiếp tế của Philippines.
Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: China Geological Survey |
Các tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra ba bãi cạn không trang bị vũ khí hạng nặng, mang theo vòi rồng và vũ khí hạng nhẹ, nhưng chúng lớn hơn nhiều các tàu thực thi luật pháp và thậm chí là tàu hải quân của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.
“Điều này khiến tàu hải cảnh Trung Quốc trở nên lý tưởng trong triển khai hoạt động linh hoạt, có thể dính líu đến các vụ va chạm, và nếu cần thiết có thể xua đuổi các tàu khác mà không cần sử dụng vũ khí gây chết người”, báo cáo của AMTI nêu rõ.
Gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông gia tăng. Đầu tháng 7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 vào hoạt động ở bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Nam Biển Đông.
Một đội tàu hải cảnh được huy động hộ tống Hải Dương 8 - nghĩa là nhấn mạnh thực tế các tàu hải cảnh đã tiếp cận các cơ sở cầu cảng mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc chương trình An ninh hàng hải ở Trường S Rajaratnam tại Singapore cho rằng, việc cố tình để các tàu hải cảnh được nhận diện là cách minh chứng cho việc kiểm soát quyền tài phán.
“Thực tế là các con tàu hải cảnh ngoài khơi, công khai phát tín hiệu AIS có thể đe dọa đến nhiều nhân tố phi quốc gia - đặc biệt là ngư dân ở những nước thường hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, đe dọa và xua đuổi ngư dân”, ông nói.
Thái An(Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét