'Nữ điệp viên' ở Tây Nguyên
https://tuoitre.vn/... đăng ngày 06/10/2019 12:39.
TTO - Nếu như câu chuyện không có nút thắt bất ngờ là đơn tố cáo được tung ra mới đây, không biết Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) sẽ còn... tiến xa đến đâu trong cơ quan trọng yếu hàng đầu của tỉnh được xem là thủ phủ Tây Nguyên.
Để không có sự nhầm lẫn, xin thưa ngay từ đầu là không có điệp viên nào ở đây, mà đó chỉ là biệt danh nhiều bạn đọc "tặng" cho bà Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi, trưởng phòng quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, vừa có đơn xin nghỉ việc), bởi câu chuyện đội lốt lý lịch của nữ cán bộ này na ná chuyện phim tình báo phương Tây.
Ly kỳ suốt 20 năm, bà Thảo với cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên chị gái bà Thảo, đang làm điều dưỡng ở Lâm Đồng) đã qua trót lọt các "cửa ải" của từng nấc thang công tác. Cái tên Ái Sa cùng bà vào cơ quan thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk, để tốt nghiệp đại học (10 năm trước), kết nạp Đảng, rồi được bổ nhiệm ngay làm phó phòng (6 năm trước), làm trưởng phòng (3 năm trở lại đây).
Đó là một sự trơn tru bất thường đến mức khó tin là có thật, bởi ai cũng biết qua mỗi "cửa ải" như vậy ở các cơ quan trực thuộc tỉnh ủy đều có một quy trình rà soát, kiểm tra, tuyển chọn... rất gắt gao.
Nếu như câu chuyện không có nút thắt bất ngờ là đơn tố cáo được tung ra mới đây, không biết Ái Sa (giả) sẽ còn... tiến xa đến đâu trong cơ quan trọng yếu hàng đầu của tỉnh được xem là thủ phủ Tây Nguyên.
Hơn ai hết, chắc ông Nguyễn Thượng Hải - chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đương nhiệm - là người hiểu rõ nhất các quy trình, quy định trong việc bổ nhiệm cán bộ ở các cơ quan trực thuộc tỉnh ủy, đặc biệt là ở văn phòng tỉnh ủy, cơ quan đầu não của tỉnh, nơi có nhiều hoạt động cơ mật.
Bởi lẽ trước khi giữ chức vụ hiện tại (từ đầu tháng 10-2019), ông Hải là phó ban thường trực Ban tổ chức Tỉnh ủy, nơi công tác bảo vệ chính trị nội bộ có cả một phòng chuyên trách, mà ở đó lý lịch nhân sự lãnh đạo các cơ quan được soi như "soi dưới kính hiển vi". Rõ ràng quy trình công tác cán bộ không có lỗ hổng, mà lỗ hổng nếu có chỉ ở những người thực hiện.
Vì thế, chắc cũng hơn ai hết, ông Hải biết việc để lọt lý lịch của bà Thảo trong chừng ấy năm là một sai sót không thể chấp nhận. Nhất là việc thẩm tra lý lịch để kết nạp Đảng, để bổ nhiệm bà Thảo làm trưởng phòng đều không phát hiện tên họ thật của bà này, trong khi bà Thảo xuất thân ở ngay tỉnh kế bên, chứ không phải đến từ miền đất nào quá xa xôi.
Những nữ điệp viên thường dùng rất nhiều diệu kế mới có thể bảo vệ nổi lý lịch mình đội lốt. Không phải là điệp viên, vậy bà Thảo đã dùng kế gì để vượt qua cả một quy trình nghiêm ngặt là điều mà dư luận không thể hiểu nổi và đang cần câu trả lời cụ thể của các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk, chứ không thể chỉ là thừa nhận "có sai sót" chung chung, như ông Hải nói với báo chí hôm 4-10.
Hai năm trước, dư luận rất bất bình trước câu chuyện Trần Vũ Quỳnh Anh (được xem là "hot girl xứ Thanh") được bổ nhiệm "thần tốc" làm trưởng phòng tại Sở Xây dựng Thanh Hóa. Ông Ngô Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh, được cho là "nâng đỡ không trong sáng" bà này - đã bị Ban Bí thư kỷ luật ở mức cách tất cả chức vụ trong Đảng. Từ việc kỷ luật nghiêm khắc ông Tuấn, dư luận đang cho rằng những ai chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm bà Thảo cũng cần được xử lý thích đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét