Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Đi tìm đàm phán trên thế mạnh

Đi tìm đàm phán trên thế mạnh

(Copy từ  http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20151029/di-tim-dam-phan-tren-the-manh/992182.html ; đã đăng ngày 29/10/15)
TT – Nổ lực tạo “sự đã rồi” của Trung Quốc qua kế hoạch “đảo hóa” trên biển Đông đã gặp cú phản đòn cứng rắn nhất từ trước đến nay.

Sau một thời gian dài đồn đoán, hải quân Mỹ đã đưa tàu chiến tiếp cận sát Trường Sa, xung quanh thực thể địa lý Subi. Lãnh nhiệm vụ này là tàu khu trục USS Lassen, thuộc lớp Arleigh Burke.

Từ năm 2009, cách tiếp cận “xác quyết nhưng phi quân sự” mà Bắc Kinh theo đuổi cố gắng che giấu xu hướng “quân sự hóa” tại các khu vực tranh chấp.

Những “nhát cắt nhỏ” và rải đều nhiều hướng khác nhau như tàu cá, giàn khoan, tàu hải giám… khiến đối thủ xót, nhưng không bị sốc và đau đớn kéo dài. Sự xuất hiện của 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc làm thay đổi các đánh giá về ý định.

Trên phương diện hậu cần, tiếp vận và tăng cường khả năng chống xâm nhập/chống tiếm cận (A2/AD), các đảo nhân tạo thiếp lập một cuộc chơi mới.

Xu hướng sử dụng đảo này làm các căn cứ trung chuyển, tiếp liệu hay bàn đạp về quân sự là một “tuyên chiến” bán chính thức của Bắc Kinh về khả năng tập hợp, điều phối và sử dụng lực lượng không quân-hải quân tại tranh chấp biển Đông.

Nhiệm vụ của USS Lassen sẽ đóng vai trò như một “phép thử” với các các thực thể địa lý đang được xây mà Trung Quốc gọi là “đảo” tại khu vực Trường Sa của Việt Nam. Thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông không phải là mục tiêu của Mỹ.

Thiết lập một cuộc chơi theo cách Mỹ đã chơi trong suốt sau thế chiến thứ Hai, hay gần đây nhất là sau chiến tranh Lạnh, mới là ý định. Ý định này được lồng ghép qua bức tranh chiến lược quan hệ cạnh tranh quyền lực.

Một là không để khả năng các đảo nhân tạo này làm cơ sở cho việc triển khai sức mạnh quân sự theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Mặc dù Trung Quốc nhiều lần thông báo về việc dừng việc “cải tạo” hay “quân sự hóa”, quá trình này vẫn tiếp diễn, với nhiều hình thức khác, và tăng dần về mức độ.

Ngay tại Subi, hình ảnh vệ tinh mới nhất vào tháng 9-2015 cho thấy một phi đạo với chiều rộng 30 mét và dài 3.300 mét đang được hoàn thành.

Sự hình thành của phi đạo này cho phép Subi trở thành thực thể thứ ba trên khu vực biển Đông có sân bay sau đảo Phú Lâm và Chữ Thập, cho phép các máy bay tiếp tế và chiến đấu như Su-27/30 hay máy bay ném bom JH-7 có thể cất và hạ cánh.

Hai là việc tạo chủ quyền từ một bãi cạn nửa chìm nửa nổi được đắp cát thành hình hải của một hòn đảo thì không có ý nghĩa gì về mặt luật pháp quốc tế, cả về yêu sách chủ quyền, lẫn đòi hỏi về những quyền tài phán khác.

Với chiều dài khoảng 3,7 hải lý, trục ngắn hơn cỡ 2,7 hải lý, bản chất địa lý của Subi là một bãi cạn, mà đánh giá của nhiều tác giả và nhiều nguồn độc lập khác nhau cho rằng nên được phân loại vào dạng nửa nổi nửa chìm.

Theo Công Ước Luật Biển 1982, Subi không được hưởng quy chế lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế. Và vì thế Mỹ có quyền thực hiện quyền tự do hàng hải của mình (đi qua vô hại) tại các vùng biển xung quanh mà không cần có sự xin phép.

Trong thế mạnh khi cán cân quân sự còn chênh lệch, và tính toán được những bất ổn trong nội trị Trung Quốc, đây là thời điểm Mỹ nghĩ rằng có thể “đưa” Trung Quốc vào lại luật chơi.

Sức mạnh quân sự không phải là để tạo nên một cuộc xung đột. Vì người Mỹ hiểu rõ hơn cả cái giá phải trả của chiến tranh, đặc biệt với một cường quốc đang lên.

Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau về chính trị khiến một cuộc chiến, dù ngắn ngày, đối với cả hai là quá đắt. Thời điểm nội trị của nước Mỹ cũng không cho phép những “phiêu lưu” quân sự khác bên ngoài.

Vì thế đây không phải là một cuộc động binh để dành chiến thắng. Mà là dùng quân sự để tìm tư thế đám phán trên thế mạnh.

Tìm kiếm đàm phán trên tư thế mạnh cần một số bước kế tiếp nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là tạo thế răn đe quân sự vừa đủ cho đối phương nóng mặt, mở các kênh ngoại giao để giữ nhiệt vừa đủ nóng nhưng không bốc cháy và thúc đẩy các kênh “thông tin” đồng loạt ra sân.

Mục tiêu của người Mỹ trong ngắn hạn là cho Trung Quốc biết Mỹ đang làm gì và muốn gì. Mục tiêu này đã hoàn thành ngay thời điểm tàu USS Lassen xuất kích.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (giám đốc Trung tâm , nghiên cứu quốc tế Đại học KHXH&NV, TP.HCM)


Không có nhận xét nào: