Người miền Tây tranh thủ trữ nước ngọt
Độ mặn trên các nhánh sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... đã giảm trong những ngày qua, là cơ hội cho người dân các tỉnh giáp biển Bến Tre, Tiền Giang tranh thủ trữ nước ngọt.
Trời nhá nhem tối, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Tiết, huyện Chợ Lách (Bến Tre) liền xách máy bơm ra sát mé sông Hàm Luông để chuẩn bị bơm nước ngọt lên ao chứa.
Nước ngọt xuất hiện, tranh thủ bơm châm
Khoảng hơn hai tháng qua, ao chứa nước của gia đình bà Tiết luôn trong tình trạng cạn trơ đáy bởi nước sông bị mặn, không thể dùng để tưới cho cây giống. Nhà có truyền thống sản xuất cây giống nên bà Tiết hiểu được tầm quan trọng của nước tưới cho những mầm xanh đầu tiên.
"Cây lâu năm thì có thể dùng nước có độ mặn chút đỉnh để tưới. Còn cây giống thì tuyệt đối phải là nước ngọt. Trước khi bơm vào ao chứa, tui thử mấy lần mới dám bơm", bà Tiết cho biết thêm.
Sau khi dùng máy đo độ mặn trong nước sông, bà Tiết cùng chồng lội một quãng ra gần giữa sông đặt ống để bơm nước vào ao chứa được lót bạt kỹ càng.
Dọc theo các tuyến đường tại huyện Chợ Lách, nhiều hộ dân cũng tranh thủ lúc triều cạn để bơm nước ngọt vào ao chứa, túi đựng nước chuyên dụng, lu kiệu...
Ông Trần Hữu Nghị, phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết sau khi Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đưa ra khuyến cáo về việc nước ngọt sẽ xuất hiện tại nhiều khu vực trên sông Hàm Luông, ngành nông nghiệp huyện đã nhanh chóng thông báo cho người dân tận dụng thời gian này tranh thủ lấy nước ngọt vào mương vườn, ao chứa... để trữ.
Theo ông Nghị, tại một số xã nằm ở khu vực lằn ranh mặn - ngọt như Long Thới, Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành... thì thời điểm xuất hiện nước ngọt chỉ có khi triều cường xuống thấp.
"Do đó người dân phải tranh thủ bơm châm (bơm khi nước ngọt xuất hiện và ngừng bơm khi mặn tăng trở lại lúc triều cường lên) để có nước ngọt sử dụng. Bởi khi triều cường lên, nước mặn tại các khu vực trên lại bị đẩy từ phía biển vào", ông Nghị cho biết.
Tại Bến Tre, ngoài khu vực huyện Chợ Lách chuyên sản xuất cây giống và trồng các loại trái cây đặc sản cần khối lượng nước ngọt lớn để tưới, thì huyện Châu Thành có diện tích sầu riêng rất lớn nên người dân đều phải ngày đêm canh để trữ nước ngọt.
Mặn có xu hướng giảm dần
Trong khi đó, ở tỉnh Tiền Giang hệ thống cống dọc theo sông Tiền như cống Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, cống Phú Phong... cũng đã được mở sau hơn hai tháng đóng ngăn mặn.
Hiện nước ngọt từ sông Tiền đã theo các tuyến kênh chảy vào vùng cây ăn trái của tỉnh tại các huyện Châu Thành, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mặn đã đạt đỉnh trong tháng 3 và hiện nay đang có xu hướng giảm dần. Có khả năng độ mặn 1/1.000 sẽ xâm nhập theo sông Tiền đến khu vực TP Mỹ Tho, cách cửa sông hơn 40km và không ảnh hưởng đến khu vực vàm Nguyễn Tấn Thành trở về thượng lưu. Do đó, các cống ngăn mặn từ cống Nguyễn Tấn Thành trở về thượng nguồn sông Tiền hiện đã được mở từ đầu tháng 5.
Theo ghi nhận ngày 6-5, các tuyến kênh nội đồng thuộc huyện Châu Thành, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy... đã có nước ngọt chảy về.
Ông Phan Văn Bình (63 tuổi, ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) cho biết mấy tháng qua các tuyến kênh xung quanh vườn dừa hơn 8 công của ông đã khô cạn, không còn nước tưới.
"Mấy ngày trước mở cống Nguyễn Tấn Thành, nên nước đã tràn vào mương vườn, bây giờ có thể tưới thoải mái. Tui cũng tranh thủ bơm trữ thêm vào túi chứa để phòng hờ mặn tăng trở lại, Nhà nước đóng cống còn có nước để xài", ông Bình nói.
Khi nước ngọt ngoài sông Tiền xuất hiện, hệ thống cống dọc theo bờ sông mở để nước chảy vào phía trong nội đồng thì cũng là lúc những máy bơm chuyền tại các tuyến kênh được ngơi nghỉ. Chỉ riêng xã Long Hưng (huyện Châu Thành) đã triển khai 20 điểm bơm chuyền nước để người dân sử dụng tưới cây trong thời gian cống ngăn mặn đóng.
Còn về phía hạ nguồn sông Tiền cùng các nhánh sông khác của sông Mekong, độ mặn vẫn cao nên những nơi nào có cống ngăn mặn thì vẫn còn đóng để bảo vệ vườn cây trái phía trong nội đồng.
Những nơi chưa có cống, nước mặn vẫn còn bao phủ thì người dân vẫn tiếp tục chống chọi bằng cách chở nước từ nơi khác về để sử dụng. Riêng cống Xuân Hòa (một trong các cống phục vụ vùng ngọt hóa Gò Công), các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã có dự báo nước ngọt sẽ xuất hiện trên sông Tiền và lên phương án lấy nước ngọt ổn định phục vụ sản xuất từ ngày 20-5.
Kiên Giang: mặn vẫn rình rập
Ngày 6-5, ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho hay dự báo mùa mưa chính thức bắt đầu giữa tháng 5 nhưng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Nắng nóng kéo dài, hạn mặn vẫn có khả năng xảy ra.
Để phòng chống hạn mặn, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Công ty TNHH khai thác thủy lợi miền Nam vận hành đóng cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Xẻo Rô để ngăn mặn, trữ ngọt. Địa phương thường xuyên kiểm tra cống và sớm phát hiện các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ông Toàn cho biết thêm sở khuyến cáo người dân cần phải đo nồng độ mặn trước khi sử dụng nước ngọt cho sản xuất hoặc sinh hoạt. Địa phương trong vùng bị ảnh hưởng hạn mặn cũng đắp mới và gia cố 27/58 đập đất để giúp người dân ở các huyện An Minh, An Biên bảo vệ lúa mùa, lúa đông xuân 2023 - 2024.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét