Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 1: Ngóng mưa ở 'thung lũng chết' Ninh Sơn
Mỗi năm cứ gần đến hè, khi ve gọi đàn và hoa phượng nở rực là mùa mưa lại giăng về hồi sinh ruộng đồng, cây cỏ, làm dịu mát bầu không khí oi bức suốt 6 tháng nắng hạn.
Những kỷ niệm giao mùa gần gũi, dễ thương về các cơn mưa đợi chờ cuối tháng 5, dù đôi khi nó cũng đem lại một số bất tiện cho cuộc sống, nhất là ở các thành phố hay bị ngập đường...
Vào thập niên 1910, trong quá trình xây dựng thiết lộ Tour Cham (Tháp Chàm) - Đà Lạt, người Pháp đã nếm trải những khắc nghiệt chết người đến từ phong thổ khi đặt những thanh ray qua chặng Tân Mỹ - Sông Pha. Họ gọi đây là "thung lũng chết".
Còn người già thì nói rằng đây là xứ "chó ăn đá, gà ăn sỏi".
Thung lũng chết từ thăm thẳm ký ức
Từ đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, huyện Ninh Sơn nằm gọn trong một "lòng chảo" núi non trùng vây. Sau màn mây mờ ảo là một thung lũng cằn khô, xứ thiếu mưa thừa nắng.
Đi xuống, đủ xa để gió biển Phan Rang không thể thổi đến. Đi lên, nền bán sơn địa chẳng đủ độ cao để nhận khí lạnh từ miền cao nguyên Lang Bian tràn về.
Thế đất lưỡng nan như những phận người gắn bó với nó.
Chướng khí nặng nề là nỗi ám ảnh truyền đời. Nỗi ám ảnh đó có lẽ khởi sinh từ những mùa hè trên mấy mảnh sách sử tản mát mà tôi tình cờ sao lục được.
Đó là mùa hè năm 1893, bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin đã từng dừng chân và đổ máu ở vùng đất hung hiểm này.
Trong ghi chép về chuyến khảo sát cao nguyên Lâm Viên của ông Yersin có thuật lại hai tai nạn liên hoàn khiến ông suýt mất mạng khi trên đường từ Lâm Viên xuống biển Phan Rang, ngang qua "thung lũng sông Đa Nhim".
Tại đây, ông đã chạm trán một toán tù vượt ngục. Cuộc đụng độ với nhóm phiến loạn khoảng 30 người diễn ra trong đêm giữa thung lũng hoang dã mịt mùng. Yersin bị những vết chém khá nặng, được đưa về Phan Rang bằng võng. Trên đường đi, ông lại suýt bị một đàn voi rừng giày chết.
"Thung lũng sông Đa Nhim" đã để lại những trang kịch tính nhất trong cuốn sổ ghi chép nhật ký hành trình tại Đông Dương của nhà thám hiểm Alexandre Yersin.
Một mùa hè khác mang ý nghĩa kiến tạo và hồi sinh "thung lũng chết", đó là "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Trước bom đạn chiến tranh khốc liệt ở vùng giáp vĩ tuyến 17, người Công giáo Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên tản cư về phương Nam.
Họ dừng chân ở trại tạm cư tại Đà Nẵng trong vài tháng. Từ đây, linh mục Đỗ Bá Ái và Trần Văn Đoàn đã đứng ra tổ chức đưa họ đến một vùng "đất hứa", lại chính là vùng đất mà trước đó hơn nửa thế kỷ, người Pháp gọi là "thung lũng chết".
Chuyến di dân vào mùa hè năm 1973 như có âm vang từ chuyện Moses trong thánh điển Cựu ước về sau vẫn được người già quê tôi nhắc lại khi kể với con cháu về lai lịch cộng đồng. Nhưng không ai giải thích được thấu đáo vì sao những người đã sống sót qua mưa bom bão đạn lại không chọn một "đất hứa" nào khác, mà lại "hạ trại" dung thân ở nơi sơn địa nắng nung, khô cằn này?
Những thằng nhỏ dãi dầu sỏi đá
Gia đình tôi không có mặt trong chuyến di dân năm 1973, mà nhập cư vào vùng "chảo lửa" Ninh Sơn từ những năm đầu Đổi mới. Một lần nữa, tôi không thể cắt nghĩa được vì sao cha mẹ mình lại chọn một vùng đất khắc nghiệt như vậy để vun trồng tương lai cho con cái. (Con người trở thành một phần của nơi chốn, và nơi chốn trở thành một bối cảnh nào đó trong cuộc đời con người, liệu chỉ có thể lý giải được bằng từ định mệnh?!).
Ở đây, mùa khô bắt đầu từ tháng chạp kéo dài qua Tết Đoan ngọ hằng năm. Bọn học sinh sẽ cảm nhận rõ độ "bạo tàn" của phong thổ quê nhà từ khi còn cắp sách tới trường. Mỗi ngày, chúng chứng kiến mặt đường tỏa hơi nóng ràn rụa.
Hơi nóng là thứ hung hãn, hữu hình, xâm chiếm, xuyên thấu con người, biến con người trở nên khắc khổ đồng dạng: lưng áo luôn đẫm ướt, sống mũi lấm tấm, thái dương luôn lấm tấm nhễ nhãi...
Trong cái nóng chang chang, hầm hập như muốn vắt kiệt nhục thể loài người đó, ven những bờ rẫy cằn, bầy bò gí sát mõm xuống đất cố cạp lấy những rễ cỏ siết chặt vào đất như một lời nguyền.
Xa về phía Đồng Mé, Tháp Chàm, buổi sáng người ta tung rơm lên những đồi xương rồng và châm lửa đốt để phủi đi lớp gai nhọn. Không đợi lửa nguội, lũ cừu trắng tràn lên tranh nhau những tai xương rồng còn bám tro bỏng.
Trên vách đá dựng, mấy con dê chấp chới vươn cổ tìm những chùm lá xanh ít ỏi sót lại. Và dưới lòng ruộng nứt nẻ, bầy trẻ da đen bóng, ăn mặc nhếch nhác rách rưới lùa vịt băng đồng tìm mấy ao nước đọng. Biển ở rất gần mà rất xa.
Đợi mưa!
Nhưng núi rừng mùa khô cây phơi xương lại là mùa đất trời giấu ở đó quá nhiều bí mật lạ lùng: những chùm trái trâm chín tím rịm ven bờ sông, những chùm chòi mòi đỏ ngọt lịm treo vách đá, những cây dẻ hạt nhỏ béo ngậy, những tổ ong ruồi mùa khô dòng mật vàng chuyển màu hổ phách nếm một giọt là râm ran tận dạ dày, những chùm keo quắn chín đỏ nứt hạt gọi mời...
Sau giờ học, chúng tôi say sưa lùng kiếm quà tặng từ những cánh rừng khô. Dưới cái nắng khét tóc, bọn trẻ mày mò học kỹ năng sinh tồn từ việc làm bẫy giông cát, lặn bắt tôm càng sông hay dùng rổ đãi chắt chắt (hến)...
Suối khô. Đôi bờ sông Ông thu hẹp, mở trơ lòng lớp lớp đá cuội.
Trên rẫy, người lớn dựng chòi canh. Chỉ một tàn thuốc vô tình có thể biến một mùa mía thành tro tàn. Người đi buôn Thượng (mua bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào Raglai ở Bác Ái, Ma Nới) thì đạp xe rạc cẳng nhưng những con dân xứ Raglai cũng đang bơ phờ vì hạn, bạc mặt vì đói (đâu có lãng mạn "chỉ có một mùa yêu nhau" như nhạc ông Trần Tiến) để mà có cái đổi chác, bán mua?
Thế hệ tôi còn nếm trải những mùa khô thiếu nước.
Ở vùng thung lũng này, đất đá chứa hàm lượng vôi cao, nước sinh hoạt phải lấy từ suối. Ngay sau khi lập xứ, mỗi thôn đã được xây một thủy đài trữ nước sinh hoạt.
Đến những năm sau Đổi mới, dân số tăng lên, thủy đài như cái phễu đồ chơi vô dụng giữa trời. Lũ chúng tôi học đến lớp 4 đã biết đạp xe, móc hai thùng nước sau baga xe đạp đi mua nước về cho gia đình dùng.
Nước suối được người ta chở về đựng trong chiếc thùng lớn đặt trước bãi chợ cho dân chen chúc mua lại. Khắp ngõ xóm, dưới trời nắng gắt, cứ thấy bọn nhỏ ốm o vẹo xẹo đạp xe đôi thùng nước. Những đứa đi xe chưa vững, té ngã gãy tay trặc cẳng như cơm bữa.
Cạnh bãi chợ bán nước, người ta bán cỏ. Cỏ được cắt từ những vùng rẫy ở chân núi Sông Pha, Tầm Ngân chở về đây cứu đói cho bầy bò vào mùa hạn khi chúng không còn tự gặm được gì thêm từ lớp đất cằn trơ sỏi và bụi.
Tháng 6. Những lớp mây nặng kéo về phủ kín bầu trời "thung lũng chết". Bao giờ những cơn dông cũng như người ưa cục cằn, phẫn nộ.
Trời đất hục hặc, dai dẳng như vậy hàng tháng, thì mới tới một chiều, rặng núi phía đông mù giăng trắng xóa. Người nông dân vuốt mồ hôi cào nốt những bụi cỏ, dây gai khô dồn về một góc rẫy rồi chống cào đứng nhìn trời đất vần vũ.
Tựa người đàn bà đã trải qua cơn chuyển dạ khó khăn nhọc nhằn sinh tử. Phút vượt cạn rồi cũng đến. Những hột nước ban đầu còn nóng như dòng lệ òa vỡ từ những đám mây sầm sì trên đầu. Ai nấy đều mừng vui.
Mưa! Mưa! Mưa về rồi!
"Không học thì lớn lên đi chăn bò cho người ta!", người lớn răn đe những đứa trẻ chểnh mảng việc học hành như tôi. Nhìn cái cảnh một đứa bé còi cọc, da bóng như gỗ mun, tay cầm roi đi sau đít bầy bò trơ xương trong cánh rừng lá cháy, chúng tôi tự biết mình phải làm*** gì.
------------------
Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa. Lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên cũng vào đầu mùa mưa 35 năm trước. Một ngày cuối tháng 4-1989, chiếc xe khách Huế-Buôn Ma Thuột thả nhóm sinh viên thực tập xuống thị trấn Buôn Hồ...
Kỳ tới: Cơn mưa sinh sôi Tây Nguyên bao la
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét