Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở bủa vây - Bài 2: Có nên làm kè chạy theo sạt lở?
Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tốn hàng nghìn tỷ đồng thi công hệ thống bờ kè chống sạt lở, nhưng các vụ sạt lở vẫn tiếp tục tăng. Cùng với đó, tình trạng kè bị sụp đổ đã xảy ra tại nhiều nơi. Vậy có nên tiếp tục xây kè “chạy theo” sạt lở?
Ưu tiên di dời, tái định cư
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ cho rằng, việc nhập cát từ các nơi khác và sử dụng cát nhân tạo (đá núi, bê tông tháo dỡ công trình xay nhỏ) thay thế cát cần phải tính đến, cho dù chi phí cao hơn. Ngoài ra, trong công nghệ vật liệu xây dựng, phải tính đến giảm khối lượng sử dụng cát và xi măng như làm các tòa nhà, cầu bằng thép chịu lực, sử dụng vách nhôm, kính, nhựa tổng hợp... để hạn chế việc khai thác cát sông.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL, ứng phó với sạt lở bằng biện pháp công trình có thể bảo vệ được một số nơi trong một thời gian nhưng lại có nhiều nhược điểm. Vì vậy, theo tôi, chỉ nên làm ở những nơi xung yếu như thành phố, khu đông dân cư chưa thể di dời chứ không nên làm tràn lan.
Nói về nguyên nhân, ông Thiện cho biết, thứ nhất, dòng sông đang bị mất cân bằng nghiêm trọng do đó có nhiều yếu tố bất định, biến động nhưng việc thiết kế công trình không thể tính hết sự biến động, vì tính hết thì chi phí đội lên rất cao. Đó là chưa kể rủi ro thiết kế sai, thi công kém chất lượng. Thực tế cho thấy có những công trình sụp đổ nhiều lần, sụp đổ ngay lúc thi công và có những nơi sạt lở nhiều hơn. Thứ hai, công trình rất đắt đỏ, chúng ta sẽ không thể có đủ tiền đề “chạy theo” sạt lở bằng phương pháp này. Thứ ba, khi dòng sông chọn một nơi nào đó để gây sạt lở thì nơi đó là hợp lý nhất đối với dòng sông. Chúng ta can thiệp bằng công trình là chúng ta đang “cãi nhau” với dòng sông. Dòng sông sẽ tấn công vào công trình, và nếu công trình vững chắc (và rất đắt tiền) thì nó sẽ tìm nơi khác tấn công, gây sạt lở.
Cùng với đó, công trình nào cũng có tuổi thọ chứ không thể vĩnh cửu. Chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ tăng dần theo tuổi công trình. Khi xây dựng công trình thì phải tính tới kinh phí duy tu bảo dưỡng trong tương lai chứ không chỉ đủ tiền xây xong một lần rồi thôi. Càng nhiều công trình thì gánh nặng ngân sách cho duy tu bảo dưỡng về sau càng nhiều. Đáng nói nhất ở đây là công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả. Có nơi sau khi có công trình, người dân thấy an tâm nên dốc hết tiền ra xây lại nhà, sau đó sạt lở tiếp thì mất sạch” - ông Thiện phân tích.
Cũng theo ông Thiện, biện pháp mềm chống sạt lở như trồng bần ven sông thì phù hợp sinh thái, ít tốn kém, nhưng chỉ khả thi ở những nơi còn bồi hoặc ít sạt lở. Ở những nơi sạt lở mạnh thì không còn khả thi nữa.
“Như đã nói, chúng ta khó có thể làm gì để sạt lở có thể giảm hoặc dừng lại trong tương lai gần. Do đó, để hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân, theo tôi cần ưu tiên biện pháp thứ ba: Di dời hạ tầng, đường xá, và tái định cư người dân khỏi những vùng nguy cơ cao” – vị chuyên gia này chia sẻ.
Việc di dời hạ tầng và tái định cư người dân sớm, trước sạt lở sẽ ít thiệt hại hơn sau khi sạt lở đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, việc tái định cư phải kèm hỗ trợ ổn định sinh kế cho người dân ở nơi ở mới để bà con có thể yên tâm an cư lạc nghiệp.
Song song với các nhóm giải pháp nói trên, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc cảnh báo sớm là vấn đề cần được quan tâm thực hiện để tránh thiệt hại tài sản, tính mạng cho người dân. Bởi hiện nay, vẫn còn nhiều vụ sạt lở mà trước đó chân bờ đã bị rỗng từ lâu thế nhưng người dân sống ở trên không hề hay biết.
“Với đặc điểm sạt lở bờ sông là dòng nước âm thầm bào mòn chân bờ, tạo “hàm ếch” rỗng bên dưới thì việc cảnh báo sớm chính là việc dò tìm các hàm ếch mới xuất hiện. Việc cảnh báo này không khó và ít tốn kém vì chúng ta hầu như đã biết rõ những đoạn sông nào nguy cơ cao. Chỉ cần dùng thiết bị quét lòng sông tại những nơi nguy cơ cao này hàng tuần, hàng tháng vào giữa đến cuối mùa khô để phát hiện kịp thời những hàm ếch và thông báo cho người dân di dời thì sẽ tránh được nhiều thiệt hại” - ông Thiện lý giải thêm.
Cần tính đến nguồn vật liệu thay thế cát
Cũng theo các chuyên gia, cát chắc chắn sẽ không về ĐBSCL nữa và càng khai thác cát thì lại càng làm tình trạng sạt lở ở ĐBSCL tăng thêm. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình lớn như cầu đường, khu phức hợp các tòa nhà lớn, đê sông… có nhu cầu cát xây dựng và san lấp rất lớn. Cho nên, cần sớm tìm ra các nguồn vật liệu thay thế.
“Nguồn cát biển ở Sóc Trăng và Trà Vinh rất lớn. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng có bước thăm dò, thử nghiệm và sẽ có kết luận chính thức về chất lượng sử dụng theo tiêu chuẩn. Như vậy, cơ quan chức năng cần sớm có câu trả lời là có thể sử dụng nguồn cát biển này thay thế hay không?
Bên cạnh đó, cần xem xét đến các vật liệu thay thế khác như tro xỉ, nguồn sỏi, đất, kể cả trong vùng ĐBSCL hay khu vực Nam Trung Bộ. Hiện nay, chưa thấy thông tin chính thức nào về việc sử dụng lượng tro xỉ nhiệt điện than hiện có. Các cơ quan chức năng cần tính toán” - TS Trần Hữu Hiệp – Chuyên gia Kinh tế chia sẻ.
Nói về giải pháp thi công, ông Hiệp cho rằng cần xem xét, nghiên cứu đến phương án làm công trình cầu vượt, đường vượt trên cao để tiết kiệm được nguồn cát. “Ví dụ như nhiều năm trước khi làm tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương người ta làm cầu vượt, đường vượt rất dài thay cho việc san lấp. Các nhà khoa học phải tính toán được cách làm này có đội chi phí lên nhiều không. Nếu đó là giải pháp thi công thay thế được thì sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu cát san lấp” - TS Trần Hữu Hiệp nói.
Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ cho rằng, việc nhập cát từ các nơi khác và sử dụng cát nhân tạo (đá núi, bê tông tháo dỡ công trình xay nhỏ) thay thế cát cần phải tính đến, cho dù chi phí cao hơn. Ngoài ra, trong công nghệ vật liệu xây dựng, phải tính đến giảm khối lượng sử dụng cát và xi măng như làm các tòa nhà, cầu bằng thép chịu lực, sử dụng vách nhôm, kính, nhựa tổng hợp… Đồng thời, cần cương quyết không phê duyệt các dự án sân goft dùng cát san lấp (trung bình khoảng 1 triệu – 1,5 triệu m3 cát cho một sân goft 18 lỗ), rất lãng phí.
“Các địa phương phải có bản đồ nguy cơ sạt lở. Việc quản lý sông rạch cần chặt chẽ hơn, không bố trí khu định cư mới gần bờ sông, từng bước giải toả các công trình và nhà cửa ven sông để hạn chế sạt lở. Các vùng có nguy cơ sạt lở phải hạn chế tốc độ tàu thuyền và cắm bảng cảnh báo.
Ngành Thủy lợi cần nghiên cứu chỉnh trị sông để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các vùng ven biển phải chọn lựa ưu tiên giải pháp trồng rừng ngập mặn, trồng cây giữ đất trước khi tìm kiếm các giải pháp công trình chống sạt lở hay ngăn ngừa hiện tượng sạt lở lan truyền. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho vụ 3, mở nước đón lũ nhận phù sa, thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu, tăng nguy cơ sạt lở” - PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay đoạn thí điểm đã hoàn thành lớp đắp bằng cát biển, đang thi công lớp đá dăm láng nhựa. Dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành đến lớp mặt và có thể thông tuyến đoạn thí điểm. Theo Bộ Giao thông vận tải, kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy cát biển có các chỉ tiêu cơ lý, hóa học cơ bản đáp ứng yêu cầu; đang tiếp tục theo dõi, đánh giá về chỉ tiêu môi trường, dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc sử dụng cát biển cho các dự án trong khu vực ĐBSCL.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét