Lời kêu cứu từ đất khát - Kỳ cuối: Nông dân Việt tiết kiệm nước ngay vùng sông nước
Biến đổi khí hậu và hạn hán đang ngày càng khắc nghiệt, trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu người.
Trong khi nhiều người vẫn chỉ than trời mà chưa biết tiết kiệm nước, không ít người đã có ý thức và giải pháp trữ nước, tiết kiệm nước hiệu quả. Những câu chuyện thiết thực và là bài học kinh nghiệm ở ngay vùng sông nước như miền Tây Nam Bộ.
Tích trữ nước mưa cho đồng ruộng
Suốt ba tháng qua, thời sự hạn hán, thiếu nước ngọt và bị xâm nhập mặn nóng rực khắp nơi, đặc biệt là vựa lúa miền Tây Nam Bộ, nhưng hình như vẫn chưa đến mức làm bận tâm người nông dân Hai Phong ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An.
Ông Hai Phong, 57 tuổi, vẫn canh tác vườn tược, chăn nuôi bình thường. Thậm chí, ông còn thu lợi nhuận nhiều hơn khi nông sản bán được giá trong mùa nắng hạn.
Bí quyết của ông Hai Phong là gì? Ông kể: "Tôi đọc báo thấy các xứ sở sa mạc toàn cát sỏi và khô cằn như Israel còn có giải pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả với lượng nước tối thiểu, xứ mình dù hạn hán thế nào vẫn nhiều nước và xanh tươi hơn họ mà".
Ông Hai Phong chia sẻ mình vừa lên mạng tìm tòi, nghiên cứu các mô hình tiết kiệm nước, vừa vận dụng kinh nghiệm cả đời gắn bó ruộng vừa để thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả.
Việc đầu tiên với thửa ruộng trồng lúa, ông cẩn thận đắp lại các bờ bao, bịt kín các hang cua, lỗ rò làm tiêu thoát nước ra ngoài. Đặc biệt những đoạn bờ bao nào bị sạt lở thấp xuống, ông đắp cao thêm để trữ được nước trong ruộng nhiều hơn.
Ông nói: "Miền Tây hai mùa mưa nắng rõ rệt. Sáu tháng mưa thì nước tràn ngập ruộng đồng, nông dân cứ thói quen thuận thiên trồng lúa nhờ ơn mưa móc của ông trời mà không hề có ý thức trữ nước cho mùa nắng hạn, thật lãng phí. Tôi bịt lỗ rò, đắp bờ cao hơn, tức là trữ được nước mưa trong ruộng nhiều hơn những người không chịu làm như vậy mà cứ để tràn ra ngoài".
Ông Hai Phong kể, xứ mình cứ sang tháng 11 âm lịch là ngớt mưa, tháng 12 bước vào mùa nắng và qua Tết Nguyên đán là ruộng vườn dần khô cằn. Thời gian này, việc canh tác nông nghiệp gặp khó khăn. Ruộng vườn nào gần nguồn sông rạch có nước thì bơm lên. Ai ở xa nguồn nước thì rất khó và tốn kém hơn.
"Cách trữ nước mùa mưa ở ruộng của tôi giải quyết được phần nào tình trạng này. Trong khi ruộng bà con không trữ nước thì qua Tết đã khô hạn ngay, ruộng nhà tôi vẫn giữ được độ ẩm nước thêm cả tháng nữa. Họ phải chịu đựng khô hạn 3-4 tháng, thì tôi chỉ chịu đựng tối đa là 2 tháng. Tính ra tôi giảm hẳn khó khăn trong việc tìm nguồn nước và cũng đỡ chi phí điện, dầu cho máy bơm. Cây cối mình trồng cũng tươi tốt hơn".
Ông Hai Phong nhấn mạnh ý thức và giải pháp trữ nước mưa trên ruộng đồng vốn lênh láng ở miền Tây suốt 5-6 tháng trong năm. Đây là "của trời cho", đừng để lãng phí theo thói quen và điệp khúc khó khăn vì thiếu nước trong mùa nắng cứ luẩn quẩn lặp đi lặp lại.
Ngoài cách ông Hai Phong trữ nước ruộng, nhiều nông dân cũng có giải pháp khác cho mục đích này, thậm chí họ còn sinh lợi nhiều hơn.
Chẳng hạn nhiều nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An... đã tăng cường giữ chân nước ruộng để xen canh lúa, sen, cá đồng cho lợi nhuận khá cao.
Nhiều người đào ao, vũng để trồng sen, nuôi cá ngay trong ruộng và trữ nước sử dụng cho mùa nắng. Ngoài đào ao, nhiều người còn đào kênh bao quanh ruộng, trữ được rất nhiều nước sử dụng cho mùa vụ khô hạn và thêm nguồn lợi cá đồng vốn rất có giá...
Lão nông Nguyễn Văn Hoàng ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, nói cụ thể: "Các cách trữ nước cho ruộng dễ làm, không tốn kém, mà cũng nhanh chóng sinh lợi.
Mùa hạn dữ dội năm này cũng có một số ao vũng, kênh đào trữ nước ruộng bị khô cạn, nhưng khi họ bị thì những ruộng đồng không làm mô hình này đã khô hạn trước từ lâu rồi và chịu thiệt hại hơn nhiều".
Rõ ràng mô hình trữ nước ruộng, thâm canh thêm thủy sản đã cho hiệu quả. Tùy địa hình và đặc điểm đất, một số vùng có thể không bảo đảm đủ nước ao vũng, kênh đào suốt mùa nắng nhưng cũng góp phần giảm bớt sự khô hạn kéo dài.
Nhiều giải pháp tiết kiệm nước khả thi, hiệu quả
Bên cạnh trữ nước ruộng, nhiều nông dân ở vùng sông nước miền Tây hiện nay cũng có những giải pháp canh tác nông nghiệp tiết kiệm nước khả thi và hiệu quả trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Ông Hai Phong ngoài làm ruộng lúa, còn làm thêm vườn và tự tìm ra cách tiết kiệm nước mà ai cũng có thể thực hiện được.
"Đơn giản như gốc cây trồng cũng có thể tiết kiệm rất nhiều nước nếu chịu thay đổi một chút xíu thói quen. Lâu nay nhiều người trồng cây không chịu be bờ gốc để giữ lại nước tưới vào gốc cây, mà cứ làm đất dưới gốc phẳng trơn cho nước tưới chảy tràn ra ngoài.
Thậm chí một số người còn vun thêm đất, phân vào gốc cây như đắp mô làm cho nước càng chảy ra ngoài nhiều hơn. Những chi tiết nhỏ vậy chứ làm hao nước hoặc tiết kiệm được rất nhiều nước", ông Hai Phong cho biết.
Người nông dân này ví dụ cụ thể, nếu để đất dưới gốc cây phẳng, ông phải tưới cả chục lít nước, thậm chí nhiều hơn mới đủ vì phải hơn một nửa đã chảy tràn ra ngoài rất lãng phí. Trong khi ông chịu khó dùng cuốc be bờ nhỏ vòng tròn quanh gốc thì chỉ tưới 4-5 lít nước đã đủ. Mùa nắng hạn khắc nghiệt đang diễn ra, nhiều nhà vườn khác bị suy kiệt, nhưng vườn xoài, chanh, ổi của ông vẫn xanh tươi vì đủ nước tưới. Chịu khó be bờ giữ nước quanh gốc thì lượng nước người ta tưới được một cây thì ông đủ để tưới cả ba cây.
Theo ông, thật ra hầu hết người làm vườn đều thừa hiểu cách giữ nước để tiết kiệm nước tưới quá đơn giản này, nhưng họ vẫn không chịu làm, mà cứ theo thói quen. Vài cây cảnh trước nhà thì họ be bờ, kể cả xây bồn bón phân, giữ nước cho cây cẩn thận. Nhưng hàng trăm, hàng ngàn gốc chanh, gốc xoài, gốc ổi cần rất nhiều nước thì họ lại không làm vì... thói quen lâu nay cứ thế.
Thực tế, còn có nhiều cách để giảm được lượng nước tưới mà vẫn bảo đảm đủ nhu cầu cho cây phát triển.
Trong khi những nhà vườn lớn, đủ tài chính đầu tư hệ thống ống dẫn tưới nhỏ giọt rất tiết kiệm nước thì người thiếu vốn có thể thêm chút công lao động để be bờ giữ nước cho gốc cây cũng là giải pháp nhanh chóng mà hầu như ai làm cũng được.
Ngoài ra, thay đổi một chút thói quen cũng góp thêm phần tiết kiệm nước hiệu quả như rải rơm, lá mục dày ở gốc cây để giảm bay hơi nước tưới.
Cách đơn giản giữ độ ẩm này có thể giúp nhà vườn chỉ cần tưới cách nhật, thậm chí hai lần tưới mỗi tuần là đủ, trong khi nếu để đất trống trải dưới gốc cây thì cần phải có nhiều nước để tưới mỗi ngày.
"Đơn giản như thay đổi giờ tưới trong ngày cũng là một giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả. Nếu chủ vườn tưới buổi chiều sau 16h thì chỉ cần lượng nước tưới ít hơn là tưới sớm, vì tưới sớm dưới ánh nắng nóng mặt trời sẽ làm nước bốc hơi nhanh.
Còn tưới vào lúc gần tối, đất sẽ giữ được nước lâu hơn và cây sẽ hút được nhiều hơn" - anh Nguyễn Văn Tư, một chủ vườn ở xã Hưng Điền An, huyện Vĩnh Hưng, Long An, góp thêm kinh nghiệm.
Cũng như nhiều người khác, anh nông dân tuổi 40 này khẳng định có nhiều giải pháp khả thi và không tốn kém để tiết kiệm nước canh tác nông nghiệp trong thời biến đổi khí hậu này.
Trong ngành nông lâm Việt Nam, giáo sư Lâm Công Định là người đã tiên phong nghiên cứu, áp dụng trồng cây nơi khô hạn khắc nghiệt để ngăn chặn nạn cát biển xâm thực sâu vào bên trong. Ngoài chọn lựa giống cây trồng chịu khô hạn, kỹ thuật của ông là rải những lớp lá khô mục dưới hố đào để giữ độ ẩm cho gốc cây trồng rất hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét