Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 4: Mưa Sài Gòn bao mùa thương nhớ
Mưa Sài Gòn không dai dẳng cả tuần như mưa Huế, không tê buốt như mưa Hà Nội. Sài Gòn có khi mưa mà mồ hôi vẫn rịn trên da, vã trên trán. Mưa ấm...
"Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt" là lời bài thơ Tháng sáu trời mưa của nhà thơ Nguyên Sa đã được các nhạc sĩ phổ nhạc mấy lần. Bài thơ làm năm 1959, sau ba năm ông và vợ từ Pháp về ở Sài Gòn.
1. Thời tiết Sài Gòn như các tỉnh miền Đông, miền Tây, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mưa trong bài thơ của Nguyên Sa là mưa Sài Gòn vào tháng 6 "trời mưa không ngớt" sau tháng 5 - mưa đầu mùa chưa đều.
Chưa đều không có nghĩa là không có những cơn mưa như trút nước, dài cả tiếng, ngập lụt đường sá. Cuối năm học Trường Nguyễn Thượng Hiền niên khóa 1978-1979, lớp 11C2 chúng tôi kéo nhau đạp xe đi chơi chùa Hội Sơn, lội tắm sông Đồng Nai vào cuối tháng 5-1979.
Cả ngày nắng, đạp xe về khi trời chập tối. Từ ngã tư Thủ Đức về Tân Bình mưa xối xả cả tiếng, vuốt mặt không kịp. Qua cầu Sài Gòn, cả đoàn xe học trò gồng mình đạp lên cầu về hướng Hàng Xanh, trong gió ngược tây nam. Vừa đạp vừa trửng giỡn, chọc phá nhau, cười rúc rích trong mưa. Một kỷ niệm thời áo trắng không bao giờ quên của những đứa học trò thời khốn khó...
"...Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận"
Nhà thơ Nguyên Sa viết vậy. Ai người Sài Gòn, từng ở Sài Gòn, sau mấy tháng mùa khô hẳn đều có tâm trạng này. Thương một Sài Gòn nắng chói chang bao nhiêu, người ta cũng yêu một Sài Gòn mưa tầm tã lẫn "mưa rồi chợt nắng", nắng rồi lại mưa, có khi cả chục lần trong ngày. Áo mưa chưa kịp khô đã phải khoác vô lại.
Mưa đầu mùa Sài Gòn có khi là "mưa bóng mây": một cơn mưa bất chợt, thoáng qua khi trời vẫn nắng. Mưa Sài Gòn không dai dẳng cả tuần như mưa Huế. Không tê buốt như mưa Hà Nội. Sài Gòn có khi mưa mà mồ hôi vẫn rịn trên da, vã trên trán. Mưa ấm.
2. Người ta bảo Sài Gòn thường "nắng sáng mưa chiều". Nhưng mưa và người Sài Gòn có khác gì nhau, chút đỏng đảnh như nhau, sẵn sàng rơi bất kể lúc nào: "Mưa, mùa mưa Sài Gòn mưa - Mưa sáng, mưa trưa, mưa chiều và mưa đêm - Mưa đêm từng giọt bước ai trên đường - Mưa mai từng sợi tóc mây mây hồng" (Mưa mùa hạ - Trịnh Công Sơn).
Sẽ không ai kể hết những áng văn, vần thơ, điệu nhạc... về mưa Sài Gòn. Những giọt mưa rơi trên hoa và rưng trong mắt. Vậy nên có mưa tiểu thơ, có mưa cần lao và cũng có cả mưa xóm trọ vẫn ngời lên nét tiểu thơ dù man mác, thấm thía buồn.
Đó là cái riêng lẫn cái chung của mưa Sài Gòn để nó không giống những cơn mưa khác ở nơi này nơi kia. Đang hối hả, nhộn nhịp bỗng gió lộng lên trên những con đường có hàng cây xưa. Và "mưa lá me", "mưa sao dầu"... đổ xuống. Chị hàng rong vội khoác lên người tấm áo mưa, quây mảnh nhựa che gánh hàng; anh công chức vội tấp xe vô một vỉa hè có mái hiên; đứa học trò chạy tung tóe trong mưa, áo quần ướt sũng...
Nhịp đời bỗng chựng lại, lắng lại, để có kẻ thẫn thờ: "Nếu xưa trời không mưa - Đường vắng đâu cần tôi đưa - Chẳng lẽ chung một lối về - Mà nỡ quay mặt bước đi..." (Tôi đưa em sang sông - Y Vũ).
Để sau "ánh sáng kinh kỳ tràn lan", nhạc phẩm Phố buồn của nhạc sĩ Phạm Duy nói về "Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em - Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên...". Nhiều lối ngõ, hẻm hóc Sài Gòn - Gia Định xưa là đường đất. Mưa xuống, lấm lem áo trắng học trò.
Để có người trong các xóm trọ chật hẹp, hẻm hóc quanh quẹo bỗng nhớ quay quắt, nhớ thẫn thờ giọt mưa ở xứ mình miền Trung, miền Tây... Rời quê lên Sài Gòn mưu sinh, mưa Sài Gòn đã thành giọt mưa quê nhà, trong Nỗi buồn gác trọ của hai nhạc sĩ Mạnh Phát - Hoài Linh từ gần giữa thập niên 1960: "Phố nhỏ đường mưa trơn lối về - Dâng sầu nhân thế đọng trên mi - Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ - Nỗi niềm đầy lại vơi - Mỗi mùa tiễn đưa một người...".
Nhạc phẩm này gắn liền và tha thiết, não nùng cùng giọng hát của ca sĩ Phương Dung. Cánh "nhạn trắng Gò Công" thuở thiếu nữ có một thời gian ngắn ở trọ trong hẻm 158 trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai), cách nhà tôi trăm thước.
Do sát rạch Nhiêu Lộc, cứ mưa là nước rạch tràn vô con hẻm có xóm Nhà lá, xóm Bánh đa..., có khi ngập đến ngang bụng. Đêm mưa đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc thuở ấy, đèn đuốc chập choạng, nghe Phương Dung ca Nỗi buồn gác trọ đố ai cầm lòng.
Đó là nỗi lòng trong mưa Sài Gòn của bao kẻ xa xứ tìm đến chốn phồn hoa, phận đời bấp bênh: "Đường về đêm nay vắng tanh - Dạt dào hạt mưa rớt nhanh - Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi - Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh" (Kiếp nghèo - Lam Phương).
3. Nỗi lòng ấy vẫn hiển hiện hôm nay, trong vô vàn dãy trọ nằm khuất sau đường lớn, trong hẻm nhỏ. Để một ngày nào đó, bao nhiêu người xóm trọ ngày xưa ấy đã nên danh thành phận, họ vẫn không quên, nhớ đến nhũn lòng thuở ngập ngừng đến Sài Gòn xa lạ, phút chốc đã thành quen, đã thành máu thịt "chưa xa đã nhớ". Nhớ nắng và nhớ mưa Sài Gòn...
Vậy thì nói chi đến những kẻ đã sanh ra nơi đây, sống ở nơi này từ thuở tắm mưa. Thuở ấy, cứ mưa là từ những hẻm nhỏ xóm lao động, nhà tranh vùng ngoại ô... không hẹn mà gặp không biết cơ man là trẻ con.
Đất đô thành vốn chật chội, bó hẹp. Mưa là dịp đám trẻ có thể sống tung tóe với tuổi thơ mình. Mưa lớn, nước kinh rạch dâng. Đám trẻ tìm đến các cây cầu bắc qua kinh Tàu Hủ, rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè như cầu sắt Đa Kao (nay là cầu Bùi Hữu Nghĩa), cầu Thị Nghè, cầu Ông Tạ... để nhảy ào xuống, té nước nhau, ngập tràn hạnh phúc tuổi thơ.
Có lẽ không bao giờ những người Sài Gòn lớn tuổi hôm nay, dù còn ở Sài Gòn, ở Việt Nam hay đã biền biệt xứ xa, quên được những buổi tắm mưa trắng trời ngập đất này.
Thuở ấy, cứ mây trời đen kịt là đám trẻ con đứa nào cũng đã rạo rực lắm rồi. Mưa. Trẻ con khắp nơi ở vùng Ông Tạ của tôi túa ra đường, đi đẩu đi đâu thế nào thì đích đến vẫn chỉ là rạch Nhiêu Lộc.
Không hiểu chúng ở đâu ra mà đông quá thể. Đứa chị bế đứa em, thằng lớn cõng thằng bé. Có đứa bị cõng, bị bế hãi nước, gào khóc lạc đi trong tiếng mưa. Kệ, "càng khóc to phổi càng khỏe" (!), đứa cõng, đứa bế bảo vậy và vẫn cứ chạy nhảy, lội mưa, té nước nhau, văng vãi nhà hai bên. Mưa gió thế kia, không lội phí hoài. Tung tóe, ướt át một trời tuổi thơ...
...Năm 2018, có một dự án mang tên "Sài Gòn có mưa" của nhà thiết kế đồ họa Maxk Nguyễn cùng một nhóm bạn trẻ, với nhiều góc cạnh bình yên nhưng dễ yêu của những người trẻ trong mưa Sài Gòn: những đứa trẻ tắm mưa hay đội mưa mua cá viên chiên, ngắm mưa qua khung cửa sổ; che chung, khoác cho nhau chiếc áo mưa... và cả sự bình thản của chú xích lô trên đường mưu sinh.
Tôi không rõ những bạn trẻ của dự án này ở đâu, nhưng Sài Gòn có phải của riêng ai. Khi những bạn trẻ ấy rung động với vô vàn góc cạnh đáng yêu của mưa Sài Gòn là Sài Gòn đã ướt đẫm trong lòng họ, nhẹ nhàng thơm mát như hương ngọc lan sau mưa Sài Gòn trong sân nhà ai trên đường Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng, Bà Huyện Thanh Quan...
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè...
(Chiều trên phá Tam Giang - thơ Tô Thùy Yên)
*********
Mưa thì ở đâu trên trái đất này đều có. Nhưng sao mưa ở xứ Huế lại được truyền tụng nhiều như thế. Thi ca nhạc họa và cả địa lý, lịch sử cũng đã tốn không ít giấy mực để nói về một loại mưa gọi là "mưa Huế".
Kỳ tới: Chỉ một cơn mưa Huế là thành mùa đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét