Campuchia phản hồi về yêu cầu chia sẻ thông tin chi tiết dự án kênh đào Phù Nam Techo
Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nhấn mạnh nước này "không lơ là trách nhiệm chia sẻ thông tin chi tiết về dự án kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam, cả chính thức và không chính thức".
Trong một cuộc họp ngày 7-5, Phó thủ tướng Sun Chanthol đã dẫn Hiệp định Mekong năm 1995 quy định rằng các hoạt động ảnh hưởng đến các nhánh của con sông phải được "thông báo" cho ủy ban liên hợp của Ủy hội sông Mekong (MRC), theo báo Khmer Times.
Video: Campuchia nói gì trước yêu cầu chia sẻ thông tin dự án kênh đào Phù Nam Techo?
Ông Sun Chanthol khẳng định Campuchia đã thực hiện trách nhiệm này bằng thông báo về kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) cho ủy ban vào ngày 8-8-2023.
"Campuchia có nghĩa vụ thông báo cho ủy ban hỗn hợp biết trước khi tiến hành xây dựng và không bắt buộc phải tham vấn trước hoặc phải có thỏa thuận cụ thể từ các nước thành viên MRC" - Phó thủ tướng Campuchia nói, giải thích rằng kênh đào Phù Nam Techo chỉ sử dụng sông Bassac vốn chỉ là nhánh của sông Mekong.
Ông Sun Chanthol nhắc lại lập trường của Campuchia rằng nước này không lơ là trách nhiệm chia sẻ thông tin chi tiết về dự án Phù Nam Techo cho Việt Nam, cả chính thức và không chính thức. "Nếu các anh cần thông tin đó, vui lòng yêu cầu MRC cung cấp thông tin", ông nhấn mạnh.
Tiếp đó, giải thích về lo ngại kênh đào Phù Nam Techo làm giảm lưu lượng sông Mekong, Phó thủ tướng Campuchia nói rằng dự án chỉ cần 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông. Ông khẳng định kênh đào Phù Nam Techo thậm chí còn góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam.
"Chúng tôi hướng tới một dự án không chỉ mang lại lợi ích cho Campuchia mà còn cho các nước láng giềng của chúng tôi" - ông nói.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Campuchia cũng nhấn mạnh dự án kênh đào Phù Nam Techo có sự tham gia của nhiều tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ban thư ký Ủy hội sông Mekong và Công ty TNHH Tư vấn vận tải Đường thủy CCCC, một công ty con của Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).
Trước đó, ngày 5-5, trả lời câu hỏi về việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp..." - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Thời gian qua, các lãnh đạo Campuchia khẳng định quyết tâm xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, cho rằng dự án sẽ có lợi cho toàn dân. Nước này cũng bác bỏ các lo ngại liên quan đến con kênh, cho biết người dân ủng hộ mạnh mẽ dự án.
Dự án Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỉ USD
Trong thông báo vào tháng 8-2023 cho MRC về ý định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy.
Thông báo đề cập đến kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, sâu 5,4m, rộng 80-100m, có sức tải tàu 1.000 DWT, sẽ nối thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kep ven biển. Con kênh sẽ có 3 âu thuyền để duy trì mực nước cho tàu bè qua lại và 11 cây cầu bắc qua kênh. Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến 1,7 tỉ USD và kênh Phù Nam Techo sẽ hoạt động từ năm 2028.
BÌNH LUẬN HAY15
- Vũ TrungTa không thể cản họ làm điều này được vì đó là lợi ích của quốc gia họ. Nhưng ta bị ảnh hưởng là chắc chắn, còn mức độ ảnh hưởng ra sao thì khi họ làm xong mới biết chính xác. Tóm lại giờ ta phải lo nhà ta, tìm ra phương án để khắc phục những ảnh hưởng. Phải trong thế chủ động đừng để bị động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét