Xót xa tiền tỉ của dân đắp chiếu
Những ngày này, rảo qua một số dự án bất động sản ở những địa phương từng được quảng cáo "là nơi đáng sống", mọi người đều thảng thốt kêu xót xa: hoang lạnh, lãng phí, chẳng khác gì dự án nghìn tỉ đắp chiếu.
Nói đến dự án đắp chiếu, người ta thường nghĩ đến các dự án "dần xây" bằng vốn nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước.
Chưa đủ, cả xã hội đang phải chứng kiến những "dự án" vốn của cá nhân, nhiều gia đình cũng lâm cảnh đắp chiếu và luôn bổ sung thêm những nạn nhân mới.
Nhiều người trong chúng ta đều có những dự án nhỏ của riêng mình. Ước mơ có nhà để ở, nhiều người dồn tiền tích lũy để mua, đó là "dự án an cư" của cá nhân. Góp vốn mua bất động sản, đó là "dự án lướt sóng" của nhiều người.
Các dự án nhỏ này được gửi gắm, ăn theo các doanh nghiệp dự án đã không thể hoàn thành như mong muốn, để lại những khu bất động sản hoang tàn, vắng lặng. Đây là những nạn nhân mới nhất của tình trạng dự án đắp chiếu.
Và còn nhiều dự án đắp chiếu khác mà mọi người chưa nhìn thấy, đó là những căn hộ, đất trong dự án còn nằm trên giấy, dù tiền đã trao một phần nhưng mãi chưa thấy chủ đầu tư triển khai.
Cũng phải kể ra những dự án đã giao nhà, căn hộ nhưng không có sổ hồng. Đó cũng là một kiểu đắp chiếu nhan nhản ở nhiều nơi trong đô thị, chỉ khác là người dân có thể khai thác tài sản của mình trong khi chờ sổ hồng.
Khó có thể tính toán được giá trị của những dự án của người dân đang chịu cảnh đắp chiếu này. Nhưng hệ lụy của nó đều như nhau. Hàng trăm ngàn tỉ bỏ ra nhưng không ra sản phẩm hoàn chỉnh (nhà - căn hộ có sổ đầy đủ) nên không thể quay vòng.
Những dự án bỏ hoang, các hợp đồng góp vốn không triển khai trở thành tài sản đắp chiếu, không thể tạo ra vòng quay tiền mới, giá trị mới. Mà trong kinh tế, dòng tiền, vòng quay vốn rất quan trọng.
Ông A bỏ vốn vào dự án X, nhận được nhà có cả sổ, có thể thế chấp, bán, lấy tiền làm việc khác, tiền lại tạo ra tiền, dự án vừa xong mở ra dự án mới. Nhờ sự tuần hoàn này mà tạo ra công ăn việc làm, chu kỳ làm ăn mới.
Còn dự án đắp chiếu, nhà không có sổ, ông A chẳng thể vay thêm tiền làm ăn, bán càng khó... Đó là một trong những lý do khiến thời gian qua sức mua của thị trường, thu nhập của một bộ phận người dân liên quan đang đi xuống.
Khi nào mới xóa dần cảnh dự án đắp chiếu của dân? Người dân cũng đã từng kỳ vọng vào chủ trương gỡ khó cho thị trường bất động sản. Gỡ khó cho doanh nghiệp dự án chính là giải phóng tình trạng đắp chiếu dự án của người dân. Nhưng kết quả đến nay còn khoảng cách rất xa với kỳ vọng.
Đã đến lúc phải rà lại xem các liều thuốc đã kê có đủ mạnh để rã băng và đánh thức lại các dự án đắp chiếu.
Thậm chí phải có cơ chế, chính sách đặc thù mới có thể hoàn chỉnh pháp lý cho các dự án dở dang này. Còn không, số dự án đắp chiếu không chỉ dừng ở đó mà sẽ còn lộ ra, tăng thêm theo bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Mà dự án đắp chiếu tăng thêm càng làm động lực tăng trưởng kinh tế hụt hơi, trong khi chúng ta đang chắt chiu từng cơ hội cho phát triển, cho tăng trưởng kinh tế.
Dự án bất động sản đắp chiếu không chỉ là doanh nghiệp, chủ đầu tư mà hàng vạn người dân cũng gặp khó. Ngày tháng qua đi, thiệt hại xã hội càng khó đong đếm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét