Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 2: Cơn mưa sinh sôi Tây Nguyên bao la

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 23/05/2024 12:19

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 2: Cơn mưa sinh sôi Tây Nguyên bao la

Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa. Lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên cũng vào đầu mùa mưa 35 năm trước.

Bầu trời như thấp xuống và mây đen vần vũ là hình ảnh mùa mưa Tây Nguyên - Ảnh: M.TỰ

Bầu trời như thấp xuống và mây đen vần vũ là hình ảnh mùa mưa Tây Nguyên - Ảnh: M.TỰ

Nhớ Tây Nguyên là nhớ mưa

Một ngày cuối tháng 4-1989, chiếc xe khách Huế - Buôn Ma Thuột thả nhóm sinh viên thực tập chúng tôi xuống thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Cảm nhận đầu tiên về Tây Nguyên là gió, bạt ngàn gió.

Những cơn gió hào phóng thổi tung bụi đất bazan, nhuộm đỏ cả thị trấn vùng cao. "Các bạn vô đây đúng thời điểm chuyển mùa. Bây giờ là cuối mùa khô nên gió mới nhiều như vậy. Vài hôm nữa thôi, các bạn sẽ biết mưa Tây Nguyên là gì" - anh Trần Chi, bấy giờ là phóng viên Đài phát thanh huyện Krông Năng, hướng dẫn chúng tôi "nhập môn" Tây Nguyên.

Và mùa mưa đã đến đúng như mô tả trong các sách viết về khí hậu Tây Nguyên: mùa mưa ở đây bắt đầu vào đầu tháng 5 dương lịch, kéo dài đến tháng 10.

Trời trưa đang nắng vàng bỗng nhiên tối sầm lại, mây đen phủ kín bốn bề, sấm sét đùng đùng và mưa tuôn ào ạt. Nơi chúng tôi ở là một xóm được gọi tên là "Tập đoàn 3" thuộc xã Phú Xuân - vùng kinh tế mới của người Huế, thuộc huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Bao quanh những xóm nhà dân là rẫy cà phê và bao quanh rẫy là rừng.

Lúc này cả làng xóm, nương rẫy, rừng cây đều chìm dưới màn mưa trắng xóa. Khoảng nửa giờ sau thì bắt đầu nghe tiếng ầm ào vẳng lại từ rừng cây. Anh chủ nhà cho biết phía đó là sông Krông H'Năng: "Lũ rừng về nhanh lắm. Giờ này ai vô rừng chưa kịp về thì phải ở yên trong đó".

Mưa hết đợt này lại đến đợt khác, kéo dài đến cuối buổi chiều. Sau cơn mưa, tôi đi ra đường và cảm thấy hai bàn chân mình trở nên nặng trĩu. Dưới đôi dép nhựa là một tảng đất dính chặt, càng đi tảng đất càng dày thêm, không thể đi được nữa.

Người dẫn đường bày tôi cách xử lý đôi dép lúc này đã trở thành như đôi giày với hai cái đế bazan nặng trịch, bằng cách dùng con dao để gọt cái đế ấy đi.

Nhưng tốt nhất là nên xách đôi dép lên và đi bộ để cảm nhận cho hết cái chất màu mỡ của đất bazan. Bazan đã nhuộm đỏ hai bàn tay nhòe nhoẹt đất của tôi. Hai ống quần cũng bê bết đất đỏ. Chiếc áo cũng nhuộm những vệt đỏ.

Tôi nhìn những người đồng bào đi rẫy về, cả người họ như bức tượng nắn bằng khối đất đỏ. Ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ như vậy, nên về sau tôi cứ nhớ Tây Nguyên là nhớ cơn mưa của vùng đất hoang dã ấy.

Mùa mưa Tây Nguyên là mùa sinh sôi, mùa hàm răng đẻ ra nụ cười, hạt mưa đẻ ra dòng thác, nương rẫy đẻ ra ngô ra lúa và mây trời đẻ ra những cánh chim kơ tia. Xin cho em như cơn mưa Tây Nguyên!
Trích tản văn của Hồ Huy

Những cơn mưa bao vây Đam Rông

Sau chuyến đi thực tập đó, tôi đã chọn Tây Nguyên làm nơi khởi nghiệp nghề báo. Mùa mưa năm 1991, tôi trở lại Tây Nguyên và ở lại với Lâm Đồng - vùng đất có độ cao 1.000 - 1.500m (cao nhất Tây Nguyên).

Tuổi trẻ phơi phới háo hức với miền đất mới, tôi đã đi khắp vùng đất Nam Tây Nguyên, từ sông Krông Nô đến tận sông Đồng Nai, suốt từ mùa mưa này sang mùa mưa khác. Và mùa mưa 1993, một mùa mưa không thể quên với một vùng đất vốn nổi tiếng là khắc nghiệt: thung lũng Đam Rông.

Đam Rông, còn gọi là Đầm Ròn, là một vùng thung lũng nằm dưới chân dãy núi cao Bidoup - núi Bà và dãy Chư Yang Sin, phía tây bắc tỉnh Lâm Đồng, giáp với Đắk Lắk. Ai đến công tác Lâm Đồng những năm thập niên 1980 - 1990 đều biết đến "tiếng tăm" khắc nghiệt của Đam Rông.

Trong thung lũng khá rộng này có đến ba xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ Mrông - bấy giờ thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Những buôn của người M'nông nằm thưa thớt dưới thung lũng Đam Rông, hầu như cách biệt hẳn bên ngoài.

Ngày ấy Đam Rông có trường, có trạm (y tế) nhưng không có điện, và đường là một lối đi mới mở theo con đường mòn xuyên rừng. Từ huyện lỵ Lạc Dương (xã Lác), muốn đi vào vùng đất này phải theo đường đất đó vào Lán Tranh, Đưng Knớ, xuyên qua những khu rừng rậm với những con dốc cao đến 45 độ.

Đó cũng là con đường thông tin liên lạc duy nhất nối Đam Rông với huyện Lạc Dương bằng đôi chân của những nhân viên thông tin chạy bằng mô tô Minsk hay Simson, vì "ốc đảo" này không có điện thoại.

Người dân M'nông ở đây làm rẫy và một ít lúa nước nên lương thực không đủ, quanh năm phải sống nhờ "rau rừng, đọt mây". Mùa khô, chỉ có xe tải đặc chủng mới có thể chạy được trên con đường rừng đó để tranh thủ chở lương thực vào Đam Rông. Và khi mùa mưa đến, con đường đất đã chìm dưới những cơn mưa rừng dữ dội.

Mùa mưa năm 1993, Đam Rông đói. Mưa kéo dài mấy tháng trời nên con đường đi vào Đam Rông đã bị lũ rừng cắt đứt. Xe không thể chở lương thực vào để cứu đói cho đồng bào. Đã có người chết vì ăn lá rừng lâu ngày kiệt sức.

Báo Tuổi Trẻ đăng phóng sự "Đam Rông mùa đói". Chính quyền huyện Lạc Dương đã quyết định bằng mọi cách phải đưa cho được lương thực vào Đam Rông. Là phóng viên địa phương, tôi được lên chiếc xe tải của quân đội với những bánh xe quấn đầy dây xích để vượt qua con đường đất trơn như mỡ.

Gặp dốc dựng đứng, xe phải dùng tời để kéo lên đỉnh dốc. Lại có những con dốc, đợi cho cơn mưa rừng giội hết lớp bùn nhão trên mặt đường, xe mới dám chạy cho bớt phần nguy hiểm.

Ai đã sống qua mùa mưa Tây Nguyên mới hiểu được nỗi gian khổ đi vào vùng sâu, khi mà đường sá không phải như bây giờ. Mưa xuống thì khổ ải như thế, nhưng nếu thiếu mưa thì sự sống Tây Nguyên còn gian nan, khắc nghiệt hơn.

Mưa xuống tạo nên những thác nước hùng vĩ và đầy sức sống mạnh mẽ của Tây Nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH

Mưa xuống tạo nên những thác nước hùng vĩ và đầy sức sống mạnh mẽ của Tây Nguyên - Ảnh: TIẾN THÀNH

Mùa mưa - mùa sinh sôi

Những cơn mưa đầu mùa Tây Nguyên bao giờ cũng ào ạt, dữ dội. Những ngày Biển Đông có bão tố, trước khi mưa gió tràn vào miền Trung thì trước đó vài ngày Tây Nguyên đã mưa đầm đìa, kéo dài cả đêm.

Đến giữa mùa mưa, khoảng tháng 7-8 thì mưa không còn ào ạt nữa mà chậm rãi hơn, có khi dầm dề như "mưa Huế". Đến khoảng đầu tháng 11 thì mưa dứt hẳn và mùa khô bắt đầu bằng những cơn gió hanh hao thổi về.

Mùa khô kéo dài đến hết tháng 4. Ở các vùng thấp thì trời nóng và khô, vùng cao thì lạnh và khô. Cao điểm là tháng 3-4, không phải là mùa khô nữa, mà là mùa hạn hán. Cây cối khô khốc, trơ cành trụi lá, cỏ dại cũng úa vàng, sông suối ao hồ cạn trơ đáy, đường sá mù mịt bụi đất đỏ.

Cả đất trời Tây Nguyên và hàng triệu con người đều mong chờ mưa xuống. Chỉ có những cơn mưa của đất trời mới đủ nước để hồi sinh cho muôn loài khô khát, hồi sinh cho cả những công trình thủy lợi đã cạn kiệt.

Sau một đêm mưa, sáng ra đã nhìn thấy một cảnh vật khác hẳn. Cà phê, sầu riêng hôm qua còn ủ rủ, giờ đã bừng tỉnh cả rừng cây. Tiếng người cười nói nghe rộn ràng hơn.

Sau vài ngày mưa, bãi cỏ úa khô đã xanh tươi trở lại. Bầy dê vốn giỏi chịu khô hạn, lầm lì suốt mùa khô thì sáng nay kêu vang ngoài rẫy. Sau một tháng mưa, cả Tây Nguyên nhuộm một màu xanh. Xanh từ nương rẫy vào tận rừng núi, từ buôn làng ra đến phố phường.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy mùa khô cả Tây Nguyên là một màu vàng úa, thì mùa mưa là một màu xanh tươi.

Vì vậy, người ta mới gọi mùa mưa Tây Nguyên là mùa sinh sôi. Chính những cơn mưa hào sảng của đất trời đã sinh ra vùng đất Tây Nguyên bao la, trù phú.

Theo đánh giá của chuyên gia, tài nguyên nước ở Tây Nguyên khá phong phú. Tổng lượng nước mưa trong năm của Tây Nguyên đạt trên 84,8 tỉ m3. Tổng lượng dòng chảy nước mặt đạt hơn 49 tỉ m3/năm; lượng nước ngầm tích chứa dưới đất đạt hơn 170 tỉ m3; dòng ngầm chảy ra sông 6,6 tỉ m3 nước.

Nguồn: Hội Địa chất thủy văn Việt Nam

--------------

Nhiều người thuộc đồng dao "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp". Nhưng tuổi thơ của tôi xứ gió Lào Quảng Trị khao khát mùa mưa về bởi một lý do chắc ít nơi có: dập lửa.

Kỳ tới: Những mùa mưa "khắc tinh" thần hỏa

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 1: Ngóng mưa ởNhững mùa mưa đợi chờ - Kỳ 1: Ngóng mưa ở 'thung lũng chết' Ninh Sơn

Mỗi năm cứ gần đến hè, khi ve gọi đàn và hoa phượng nở rực là mùa mưa lại giăng về hồi sinh ruộng đồng, cây cỏ, làm dịu mát bầu không khí oi bức suốt 6 tháng nắng hạn.


MINH TỰ

Không có nhận xét nào: