Đằng sau chiêu trò của Trung Quốc ở biển Đông
TP - Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng khủng hoảng COVID-19 để thúc đẩy tham vọng “đường lưỡi bò” trên biển Đông; trên thực tế nước này đã thực hiện chiến lược “cắt lát salami” từ lâu, nhưng vùng biển quan trọng này đâu dễ “nuốt” đến thế, hãng tin Quartz (trụ sở ở Mỹ, do Nhật Bản sở hữu) đưa tin ngày 9/5/20.
Một trong những vũ khí lớn nhất của Trung Quốc ở trên biển đơn giản chỉ là sự kiên nhẫn. Hồi giữa thập niên 90, Trung Quốc trấn an các nước láng giềng rằng, cấu trúc mà họ xây dựng trên đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa chỉ là nơi tránh trú bão của ngư dân.
Đến năm 2018, Trung Quốc đã hoàn thành việc biến đá Vành Khăn thành đảo nhân tạo và quân sự hóa nơi đây với tên lửa hành trình chống hạm dù hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa khu vực Trường Sa.
Tháng trước, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập 2 quận mới để quản lý Trường Sa và Hoàng Sa, đặt tên cho 80 cấu trúc địa lý ở hai quần đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo những người đồng cấp ở Đông Nam Á rằng, Trung Quốc đã chuyển sang lợi dụng việc các nước tập trung đối phó đại dịch do coronavirus mới gây ra để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”.
Báo Mỹ Washington Post dẫn lời giới quan sát nhận định, để tiếp tục dằn mặt các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông, Trung Quốc có thể coi việc củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” quan trọng hơn việc tạm dừng để tập trung xử lý đại dịch hoặc cải thiện quan hệ với các nước.
Ngoài ra, Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều vấn đề “nóng” trong nước như chia rẽ, đấu đá nội bộ, thương mại lao dốc, đời sống người dân khó khăn…, nên phải “chuyển lửa ra bên ngoài” (khiêu khích, gây hấn trên biển Đông) để đánh lạc hướng dư luận. Các động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông hoặc liên quan COVID-19 bị cộng đồng quốc tế chỉ trích hoặc nghi ngờ.
Phản ứng ở Philippines
Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines gần đây tung ra video nhạc “Iisang Dagat” (Một biển) với nội dung ca ngợi những người trên tuyến đầu chống COVID-19, nhưng lại thổi bùng cảm xúc giận dữ của nhiều người Philippines. Video bắt đầu bằng cảnh hai ngư dân trên chiếc thuyền nhỏ ở vịnh Manila. Hình ảnh này cộng với tựa đề bài hát khiến nhiều người Philippines nghĩ rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tìm cách hạ thấp tính nghiêm trọng của tranh chấp trên biển Đông. Video nhanh chóng nhận được 212.000 lượt “dislike” (không thích), trong khi chỉ có 3.700 lượt “like” (thích).
Một bài xã luận trên báo Inquirer của Philippines tổng kết phản ứng của nhiều người xem video: “Bài hát thể hiện sự nhiệt thành đối với tình hữu nghị, đoàn kết và thúc đẩy quan hệ Philippines- Trung Quốc bay lên trên sự coi thường trơ trẽn và bao vây hung hăng của Trung Quốc đối với các quyền chủ quyền của Philippines trên biển Tây Philippines (tức biển Đông)”.
Trên thực tế, 2 ngày trước khi bài hát được phát hành, Philippines gửi tới Trung Quốc hai công hàm phản đối 2 hành động của nước này trên biển Đông. Đó là tàu Hải quân Trung Quốc chĩa radar vào tàu Hải quân Philippines trong vùng biển của Philippines và Trung Quốc thành lập cái gọi là quận “Nam Sa” và quận “Tây Sa” trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Nhiều người Philippines cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để làm suy yếu các quyền của Philippines trên biển. Sự hỗ trợ chống COVID-19 của Trung Quốc giờ không chỉ bị nghi ngờ mà còn bị coi thường, ông Mong Palatino, cựu nghị sĩ Philippines, vừa viết trong bài đăng trên tạp chí The Diplomat.
BÌNH GIANG - THÁI AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét