http://daidoanket.vn/... đăng ngày 16/05/2020 08:13.
Thản nhiên… làm sai
Cách đây gần 10 năm, khoảng năm 2012, lần đầu tiên một cán bộ cỡ Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội khi ấy - ông Trần Trọng Dực phát biểu công khai tại một hội nghị: “Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu”. Mức giá mà ông Dực đề cập là để “chạy” vào công chức. 8 năm sau, từ câu chuyện mất tiền để “chạy” công chức đến phiên toà xét xử công chức ngành giáo dục nhận tiền để tham gia vào việc gian lận thi cử ở Hoà Bình mà ở đấy bị cáo bảo rằng mọi người đều “gù” mình không thể “thẳng lưng” được dường như không có khoảng cách.
Còn nhớ rằng sau phát biểu của ông Trần Trọng Dực, dư luận thì râm ran cho là con số ông đưa ra lạc hậu, bởi vì số tiền thực tế vẫn được đồn thổi cho một suất công chức lớn hơn, thậm chí đến chân giáo viên miền núi cũng mất tiền, còn các ngành chức năng “động lòng” làm một cuộc thanh tra, và kết quả là không phát hiện được những trường hợp nào đáng kể như lời ông Dực nói.
Chúng ta không biết được thực hư rằng đến thời điểm này thì còn có chuyện “chạy” công chức hay không? Và mức giá là bao nhiêu? Tuy nhiên, cho đến tận năm 2020 này, Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) vẫn cho thấy những con số đáng kinh ngạc: 45% người dân đồng ý và 18% đồng ý một phần với nhận định phải có sự lót tay để chạy vào làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Thế là phần lớn trong chúng ta mặc nhiên coi việc phải “chạy” để vào nhà nước là chuyện đương nhiên. Những câu nói kiểu “thời buổi này nó thế” hoặc “người ta làm thế cả mình không làm thì không được việc” trở thành cửa miệng.
Sở dĩ, khi đề cập đến câu nói trước toà của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó phòng Khảo thí): “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, tôi lại muốn liên hệ đến “mức giá” để “chạy” công chức là bởi vì muốn nhìn sâu hơn bản chất của việc sẵn sàng làm sai. Cũng trong phiên toà này, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai rằng họ bị cấp trên yêu cầu làm sai và trong số những người cùng làm sai có những người cấp cao hơn, nghĩa là “lo gì, đã có người chống lưng”.
Điều gì khiến người ta thay vì thực hiện bổn phận và chức trách của công chức cho đúng thì lại tham gia vào việc làm sai? Có ai đó lý giải là công chức lương thấp. Việc này cũng chỉ có thể bào chữa một chút nào đó thôi. Ngay từ đầu khi chấp nhận “chạy” vào công chức người ta đã biết mức lương hiện nay là bao nhiêu cơ mà. Nhưng người ta vẫn chấp nhận và thậm chí là tha thiết được “chạy” để trở thành công chức trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Điều gì chờ đợi họ ở đấy? Có vẻ như là mặc nhiên, từ trong quan niệm người ta đã cho rằng ở một số vị trí nào đó có những bổng lộc “béo bở” chờ đợi họ. Cho nên, nếu đã thấy “thời buổi này nó thế” nghĩa là phải có “lót tay” để trở thành “người nhà nước” thì cũng sẽ dẫn đến một hành vi đương nhiên tiếp theo: Chấp nhận làm sai. Xung quanh người ta thế cả, thậm chí có cả sếp cao hơn làm sai, thì mình cũng làm. Làm sai vì để nhận hối lộ hoặc cũng có thể làm sai vì không dám làm trái ý sếp, sợ mất việc làm mà đã phải cạy cục “chạy” vào.
Đến đây, phải xin mở ngoặc nói thêm là không phải tất cả công chức đều mất tiền để “chạy”. Cũng như không phải tất cả công chức đều chấp nhận làm sai. Nhưng trong số rất nhiều câu chuyện vẫn ngấm ngầm được coi là đương nhiên ngoài vỉa hè thỉnh thoảng khi có chuyện vỡ lở như việc gian lận thi cử ở một số địa phương vừa qua thì người ta bỗng thấy những đồn thổi bên ngoài không phải là vô căn cứ.
Nhìn những người từng là thầy cô giáo, từng là cán bộ ngành giáo dục ra toà vì sẵn sàng gian lận điểm thi thật là đau xót. Tôi không muốn làm cái việc đi xét nét thêm về câu nói của họ trước toà. Mà qua những hành vi những lời nói ấy nhìn thấy một sự thật khác, đau xót hơn: Không ít người coi việc làm sai là chuyện đương nhiên để tồn tại trong hệ thống cơ quan nhà nước. Bởi vì xung quanh người ta thế cả. Khác đi là lạc lõng.
Ngay từ đầu để tham gia vào bộ máy không ít người đã chấp nhận “chạy” và dẫn đến tư tưởng “thu hồi vốn”. Đấy là cái chỗ liên quan giữa câu chuyện “công chức 100 triệu đồng” 8 năm về trước và việc thản nhiên làm sai vì xung quanh đều thế, vì đã có sếp chống lưng ở phiên toà hôm nay. Vừa mới cách đây không lâu, giữa những ngày căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19, có những công chức trong một cơ quan cũng cùng nhau đồng lòng trong việc nâng giá thiết bị y tế. Việc sẵn lòng “lót tay” để có một chỗ trong bộ máy đến chỗ đồng lòng cùng làm sai, tham nhũng, tiêu cực, xách nhiễu phiền hà nhân dân dường như không có nhiều khoảng cách.
Cẩm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét