Những thi thể bị ném xuống biển trong đêm
TPO - “Không ai biết có bao nhiêu người đã chết. Có thể là 50 người hoặc hơn”, bà Khadiza Begum nhớ lại.
Người phụ nữ 50 tuổi này là một trong 396 người Hồi giáo Rohingya cố tìm cách sang Malaysia nhưng cuối cùng phải trở về Bangladesh sau khi con tàu chở họ bị mắc kẹt trên biển suốt 2 tháng.
Bà ước tính số người chết dựa trên số lượng đám tang mà con trai bà, một tu sĩ Hồi giáo, tham dự trên con tàu.
Những kẻ buôn người không đưa được họ đến đích mong muốn.
Bà Khadiza đi khỏi Myanmar vì tình trạng bạo lực giữa lực lượng nổi dậy và quân đội. Nước láng giềng Bangladesh cho họ nơi trú ẩn, lập ra trại tị nạn lớn nhất thế giới cho những người Hồi giáo Rohingya.
Khoảng 1 triệu người Rohingya đang trú trong khu tị nạn Cox's Bazar của Bangladesh. Một số người trong đó, như bà Khadiza, mơ ước cuộc sống tốt đẹp hơn ở Malaysia, quốc gia nằm phía bên kia của Vịnh Bengal. Nhưng giấc mơ của bà Khadiza trở thành cơn ác mộng.
Bà nhớ lại cách những kẻ buôn người trên tàu cố che giấu cái chết của những người xấu số trên con tàu chật kín người.
“Họ sẽ chạy cả hai động cơ để không ai nghe thấy âm thanh nước bắn lên khi các thi thể bị ném xuống”, bà kể.
Bà nói rằng các thi thể thường bị ném xuống biển trong đêm. “Tôi biết chắc có ít nhất 14 -15 phụ nữ chết”.
Cái chết của một phụ nữ ngồi gần khiến đến giờ bà Khadiza vẫn bị ám ảnh. Bị mất nước nghiêm trọng, người phụ nữ đó ban đầu bị mất phương hướng, sau đó hành động kỳ lạ. “Tôi vẫn ám ảnh vì cái chết của bà ấy, vì bà ấy chết ngay trước mắt chúng tôi”, bà Khadiza kể.
Người phụ nữ đó đi cùng 4 người con. Chỉ con gái lớn 16 tuổi được thông báo rằng mẹ đã chết.
“Mấy đứa còn lại không biết gì, cứ khóc mãi”, bà Khadiza cho biết.
“Thi thể được ném xuống biển ngay lập tức”, bà Khadiza kể.
Khadiza cũng có 4 người con. Bà và các con trở thành vô gia cư từ năm 2017, sau khi chồng và một con trai bà thiệt mạng trong đợt bạo lực ở bang Rakhine, Myanmar.
Khadiza cũng có 4 người con. Bà và các con trở thành vô gia cư từ năm 2017, sau khi chồng và một con trai bà thiệt mạng trong đợt bạo lực ở bang Rakhine, Myanmar.
Tình hình căng thẳng buộc bà phải chạy sang Bangladesh và ở trong trại tị nạn Cox's Bazar cùng các con.
Sau khi gả chồng cho con gái lớn, bà mơ ước con trai và con gái còn lại của bà có cuộc sống tốt hơn. “Cuộc sống của chúng tôi quá khó khăn. Tôi không thấy tương lai nào ở trại tị nạn”, bà nói.
Những chuyện bà nghe được về người Royingya vượt biển thành công sang Malaysia thôi thúc bà bán nữ trang để góp đủ 750 USD trả cho những kẻ buôn người để chúng cho bà và hai con lên tàu.
Vào một đêm tháng Hai năm nay, bà nhận được cuộc gọi mà bà đang chờ đợi. Bà giữ kín ý định của mình nên chỉ nói với hàng xóm rằng bà sẽ đi xa để chữa bệnh.
Trong đêm tối, bà khoá cửa rồi dẫn hai con đi cùng.
Một người đàn ông gặp họ gần trạm xe buýt, hướng dẫn họ đi đến một trang trại nơi bà gặp vài trăm người nữa. Nhóm người này được đưa lên tàu rồi rời Vịnh Bengal.
“Tôi đã lên kế hoạch nhiều tháng. Tôi muốn một cuộc sống tốt hơn. Tôi mơ ước cuộc sống tốt hơn ở một quốc gia mới”, bà nói với BBC.
Sau 2 ngày, bà và những người khác được chuyển sang tàu to hơn, đông người hơn.
Bà Khadiza nói rằng bà thậm chí còn không có chỗ duỗi chân. “Ở đó có những gia đình đi cùng con họ. Tôi nghĩ phải đến hơn 500 người”, bà kể.
Những thuỷ thủ ở khoang trên, phụ nữ ở khoang giữa, còn đàn ông ở khoang dưới cùng. Thuỷ thủ đoàn là người Myanmar.
Trên tàu không có đủ đồ dùng cơ bản như nước và đồ vệ sinh. Khadiza cho biết bà chỉ rửa ráy 2 lần trong 2 tháng, ngay trước mặt những người khác, bằng nước lấy từ dưới biển. Nhà vệ sinh là 2 ván gỗ, ở giữa có một cái lỗ.
“Vài ngày sau khi chúng tôi bắt đầu hành trình đến Malaysia, một cậu bé rơi qua cái lỗ ấy xuống biển, và không được cứu”, bà Khadiza kể.
Đó là trường hợp tử vong đầu tiên trong nhiều cái chết mà bà chứng kiến.
Nhưng không thuyền nào xuất hiện.
Đại dịch COVID-19 khiến Malaysia siết chặt kiểm soát an ninh. Lực lượng bảo vệ bờ biển tuần tra thường xuyên hơn, khiến người di cư khó lọt qua.
Thuyền trưởng nói với những người tị nạn rằng họ không thể vào bờ. Hy vọng của bà Khadiza tan biến vì đại dịch. Tàu phải quay đầu, nhưng họ đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm và nước.
Ở chiều đi, nhóm người tị nạn được phát cơm, đôi khi là đậu lăng, hai lần mỗi ngày, cùng với một cốc nước. Rồi sau đó, họ được ăn mỗi ngày một bữa, rồi hai ngày một bữa, chỉ có cơm không.
Thiếu nước ngọt khiến nhiều người không chịu được.
Khadiza kể rằng trong cảnh tuyệt vọng, một số nước uống cả nước biển. Họ lấy quần áo nhúng xuống biển rồi vắt vào miệng.
Vài ngày sau, từ bờ biển Thái Lan, một thuyền nhỏ do nhóm buôn người sắp xếp đã cung cấp cho tàu của họ những đồ dùng thiết yếu. Nhưng khi chờ có cơ hội khác vào Malaysia, tàu của họ bị hải quân Myanmar chặn. Thuyền trưởng và 3 thuỷ thủ bị bắt, nhưng sau đó được thả.
Lần thứ hai và lần cuối cùng họ cố gắng vào Malaysia cũng kết thúc thất bại. Điều rõ ràng nhất với họ là con tàu chẳng thể đi đến đâu.
Họ lênh đênh trên biển, không có hy vọng được vào bờ. “Mọi người trở nên tuyệt vọng. Chúng tôi luôn hỏi nhau rằng chúng tôi có thể sống sót trong bao lâu”, Khadiza kể.
Sau đó, một nhóm trong số người tị nạn cầu cứu thuyền trưởng hãy cho họ vào bờ ở bất kỳ đâu, dù ở Myanmar hay Bangladesh. Nhưng thuyền trưởng từ chối vì cho rằng quá mạo hiểm. Họ có thể bị bắt và tịch thu tàu.
Khi con tàu trôi vô định trên Vịnh Bengal, những chuyện tố cáo thuỷ thủ đoàn cưỡng hiếp và tra tấn bắt đầu nổi lên.
“Mọi việc bắt đầu mất kiểm soát. Tôi nghe thấy chuyện một thuỷ thủ bị tấn công đến chết rồi ném xác xuống biển”, Khadiza nói.
Có 10 thuỷ thủ người Myanmar giám sát gần 400 người tị nạn. “Họ nhận ra họ không thể chống lại và thắng được”, bà kể.
Thuỷ thủ đoàn đòi thêm tiền để thuê thuyền nhỏ đưa họ vào bờ. Những người trên tàu phải nộp thêm 1.200 USD nữa.
Vài ngày sau, một thuyền nhỏ tiếp cận họ. Ngay lập tức, thuyền trưởng và hầu hết thuỷ thủ đoàn bỏ chạy.
Những trên tàu lái con tàu về phía Bangladesh, với sự giúp đỡ của 2 thuỷ thủ còn lại.
“Tôi rất vui khi cuối cùng cùng nhìn thấy bờ sau 2 tháng”, bà Khadiza nhớ lại.
Họ quay lại Bangladesh. Người dân địa phương đã báo lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh khi thấy họ trông quá thê thảm.
Sau 2 tháng cách ly, Khadiza quay lại trại tị nạn, nhưng nơi ở của bà đã bị gia đình khác chiếm mất.
Giờ thì bà đang cùng con gái và con trai sống ở một nơi chật chội.
“Tôi đã mất tất cả cho giấc mơ của mình. Đừng bao giờ phạm sai lầm như tôi”, bà nói.
BÌNH GIANG
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét