Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Bộ Y tế kêu gọi: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm giúp ngăn ngừa bệnh tật

Bộ Y tế kêu gọi: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm giúp ngăn ngừa bệnh tật
Thái Bình - https://suckhoedoisong.vn/... đăng ngày 29/05/2020 16:18.
Suckhoedoisong.vn - Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19

 

Ngày 29/5/20, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 với chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá" với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố, Tổ chức Y tế Thế giới và đông đảo sinh viên Trường đại học Y tế Công cộng.

Hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá

Tại lễ mít tinh, các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, các căn bệnh, như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Điều đáng nói là có đến hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.

Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (ngày 1/5/2013), tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới nước ta giảm khoảng 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay                      Ảnh Lê Hảo

Tại lễ mittinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ngày thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá" nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc hút thuốc lá, phơi nhiễm với khói thuốc lá; đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

Các cơ quan, đơn vị cũng đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động và treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị; tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.

Theo kết quả điều tra của một số địa phương năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã giảm. 12 tỉnh có tỉ lệ hút thuốc giảm và thấp hơn so năm 2015, như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hoà Bình, Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu tham dự lễ mittinh cùng chuẩn bị đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5

Ảnh Lê Hảo

Số liệu tổng hợp từ báo cáo 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của các bộ, ngành, địa phương cho thấy trên 90% lãnh đạo bộ và lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định về nơi làm việc không khói thuốc. 90% cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và người lao động các cơ quan, ban ngành từ tinh, huyện, xã được tiếp cận thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới vẫn rất cao với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Gần đây, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, thường gọi là “thuốc lá điện tử", “thuốc lá làm nóng". Các sản phẩm này cũng gây hại đến sức khỏe như thuốc lá điếu thông thưởng. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện đang được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới nhắm tới giới trẻ, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác ảnh hưởng xấu đến lối sống, hành vi cua giới trẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm này. Thuế và giá các sản phẩm thuốc lá còn thấp, sản phẩm thuốc lá còn dễ tiếp cận, vì vậy trong thời gian tới chúng ta còn cần nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết thêm, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phát biểu tại lễ mittinh                      Ảnh Lê Hảo

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (như thuốc điếu sử dụng tẩu), thuốc lá kiểu mới, các chiến dịch quảng cáo hiện đang "tấn công" vào thanh niên, như giới thiệu nhiều thiết kế "sành điệu", sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ những rủi ro với sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này cũng có nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe con người, rất khó kiểm soát.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá.

“Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay và góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi.

 

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5, Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phát động Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.

Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tác hại của thuốc lá, khuyến khích phát triển lối sống lành mạnh, có ý thức xây dựng môi trường không khói thuốc trong cộng đồng. Tại Việt Nam, Chiến dịch được tiến hành với một chuỗi các hoạt động lớn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông bắt đầu từ ngày 25/5/2020.

Thái Bình

Không có nhận xét nào: