Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Vác balô tiền đi mua đất

Vác balô tiền đi mua đất
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150625/vac-balo-tien-di-mua-dat/766566.html; đăng ngày 25/06/15,mục Kinh tế .
Phú Quốc đang có đợt sốt đất cao nhất trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có những lô đất chỉ trong vài tháng đã qua 5-7 đời chủ và giá cũng vọt lên 3-4 lần...
Công trường xây dựng mọc lên khắp nơi trên đảo Phú Quốc - Ảnh: Đình Dân
Đảo Phú Quốc những ngày này đang như một đại công trường với các siêu dự án rầm rộ thi công, đi kèm theo đó là giá nhà đất tăng từng ngày. Có những lô đất chỉ trong vài tháng đã qua 5-7 đời chủ và giá cũng vọt lên 3-4 lần..
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại nhiều nơi ở Phú Quốc, cũng như xác nhận của cơ quan quản lý về đất đai đều cho thấy đây là đợt sốt đất cao nhất trong vòng 10 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vừa đặt chân đến Phú Quốc, chúng tôi đã được các “cò” đất kéo về những điểm “nóng” của thị trường nhà đất tại đây như: bãi Ông Lang (xã Cửa Dương), bãi Trường (xã Dương Tơ), Gành Dầu, Bà Kèo... Tại các khu vực này giá đất đang tăng chóng mặt mỗi ngày.
Có một công đất ban đầu trả 500 triệu, khách này vừa đi khách khác tới môi giới hét 550 triệu đồng, cứ thế khách sau đến giá cứ bị môi giới đẩy lên cao ngất ngưởng
Ông Lê Quang Minh (trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc)
Giá lên vùn vụt
Ở Phú Quốc người dân bán đất theo công, một công tương ứng 1.000m2.
Tại bãi Ông Lang, ông Nguyễn Văn Trãi - một “cò” đất - dẫn chúng tôi đi xem từng lô đất đang rao bán tại đây. Không lô nào giá dưới 2 tỉ đồng, trung bình mỗi lô đất có giá 20-40 tỉ đồng, thậm chí có lô sát biển chào giá tới 200 tỉ đồng.
Vốn là một chủ đầu tư bất động sản trong đất liền ra mua đất, nay thấy thị trường Phú Quốc quá sôi động, ông Trãi kiêm luôn việc làm “cò” cho các chủ đất là Việt kiều và người nước ngoài đang sở hữu các lô đất ở bãi biển.
Ban đầu ông Trãi chỉ một loạt khu đất nông nghiệp chủ yếu là vườn cây lâu năm nhưng giá thấp nhất cũng khoảng 2 tỉ đồng/công. Càng đi về phía biển, các lô đất có giá càng cao. Trong đó, 5 công đất (5.000m2) ngay sát bờ biển (tên địa phương là Eo Xoài) được chào bán với giá 200 tỉ đồng. Khi người mua tỏ ý nghi ngờ tính pháp lý của các lô đất, ông Trãi lập tức mở cốp xe lôi ra một mớ bản vẽ sơ đồ vị trí và cam kết chúng tôi khỏi phải lo.
“Trước khi đặt tiền mua, các anh cứ mang sơ đồ bản vẽ vị trí lô đất lên Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc để kiểm tra xem có vướng quy hoạch không, được xây dựng bao nhiêu tầng. Nếu thấy ổn mới chồng tiền tiến hành giao dịch chính thức” - ông Trãi cam kết.
Thấy khách còn đắn đo, “cò” Trãi bồi thêm: “Bây giờ mấy anh hỏi giá mà không mua ngay, chỉ 1-2 ngày sau quay lại giá đã cao hơn nhiều rồi. Hai năm trước tôi mua một lô đất 2,1 tỉ đồng, giờ có người trả 17 tỉ tôi còn chưa bán”. Theo lời ông Trãi, ông hiện đang là chủ sáu lô đất ở nhiều vị trí đắc địa trên đảo Phú Quốc, với giá trị các lô đất được đẩy lên gấp 5-7 lần so với thời điểm hơn một năm trước.
Vòng xuống khu Gành Dầu (phía bắc đảo) xe chưa kịp dừng, các “cò” đất đã bủa vây khách từ xa đến. Khi có hai khách từ Hà Nội ngỏ ý muốn mua đất để đầu tư, “cò” Hưng bám riết rồi dẫn khách đến khu đất rộng 3.800m2 của một Việt kiều, có giá 45 tỉ đồng. Tại đây, đi sâu vào phía đất liền là lô đất 2.700m2, có sổ đỏ đã sang tay ba chủ trong vòng một năm qua, giá cũng được đẩy lên xấp xỉ 
30 tỉ đồng.
Bà Nga (trú ở Hà Nội), chủ một miếng đất ở khu này, cho hay: “Giá đất Phú Quốc thay đổi từng ngày, mua chừng 10 ngày là có lời tiền tỉ ngay. Tôi mua một miếng đất ở TP.HCM mấy năm qua không lên được bao nhiêu, nay bán đi mua ở Phú Quốc giờ giá đã lên gấp năm lần”.
Theo hồ sơ chuyển nhượng, miếng đất của bà Nga trước đây được một người dân địa phương bán cho Việt kiều Đức với giá 
1 tỉ đồng/công. Sau đó ông này bán cho một nhà đầu tư ở TP.HCM giá 2,2 tỉ đồng/công, nay bà Nga mua với giá 4 tỉ đồng/công
Giá đất ở Phú Quốc "ăn theo" các dự án nghìn tỉ đang được rầm rộ triển khai tại đây - Ảnh: Đình Dân
Những “đại gia” balô tiền mặt
Tại một số quán cà phê sang trọng trên các trục đường chính của thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) như Bưu Điện, Bảo An... những ngày này dễ bắt gặp cảnh tượng các “đại gia” xách balô tiền mặt hàng chục tỉ đồng đi mua đất. Còn lực lượng “cò” đất tay xách nách ôm hàng đống bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mua bán đất giờ đây đang trở thành chủ đề chính của người dân và khách thập phương đến đảo ngọc này. Nhiều nhóm “cò” đã hình thành và thỏa thuận ngầm với nhau để đẩy giá đất tại đây lên.
Chủ một quán cà phê trên đường 30-4 (thị trấn Dương Đông) cũng là một người môi giới bất động sản cho hay: “Khách đến quán toàn “cò” đất và giới đầu cơ. Nhiều khách đến từ Hà Nội, họ mang cả balô tiền, sẵn sàng chồng tiền mặt bạc tỉ ngay giữa lô đất họ chấm”.
Tại khu vực ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ có một “làng” khu du lịch để bảng rất to trước cổng “Làng Phú Sơn - Hà Nội”. Người dân địa phương cho biết những ngôi nhà nghỉ dưỡng nằm san sát và một số khách sạn đang mọc lên phần lớn của người sống ở Hà Nội vào mua đất xây lên. Khách du lịch tập trung tại đây cũng đa số là người Hà Nội nên người dân hay gọi nơi đây là “làng Hà Nội”.
Mới đây khi UBND huyện Phú Quốc đấu giá một lô đất công 3.000m2, cả hội đồng đấu giá bật ngửa khi giá tăng chóng mặt. Thời điểm năm 2013 lô đất này đưa ra giá sàn 11 triệu đồng/m2 nhưng không có ai mua, đến khi đưa ra đấu giá lần hai khách hàng giành nhau mua, giá đội lên 31-32 triệu đồng/m2. Hơn 30 lô đất mỗi lô 110m2 bán được với giá trên 2,9 tỉ đồng/lô.
Chủ một doanh nghiệp bất động sản chuyên về đất nền tại TP.HCM cho biết Phú Quốc giờ như miếng bánh nhỏ rất ngon không chỉ giới đầu tư, đầu cơ trong nước tranh giành mà cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài cũng vào cuộc.
“Ba, bốn năm trước giới đầu tư TP.HCM vào nhiều, công ty chúng tôi cũng mua gần 30ha ở bãi Trường và An Thới, sau đó bán một lô 8ha. Đến nay còn lô hơn 20ha tại An Thới, giá đã vọt lên gấp 4-5 lần rồi” - vị này nói.
Nguy cơ vỡ bong bóng
Theo ông Đoàn Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Quốc, từ tháng 6-2014 đến nay giá đất chuyển nhượng nhiều khu vực tăng rất mạnh. Đến nay nhiều khu vực đã tăng 4-5 lần so với 12 tháng trước.
“Thu thuế từ bất động sản vì vậy tăng đột biến gấp hơn năm lần, từ 1,5 tỉ đồng/tháng lên hơn 10,5 tỉ đồng/tháng. Kê khai thuế liên quan đến nhà đất tăng đến mức chúng tôi không thể ngờ được, đến nay bộ phận nhân viên thuế gần như quá tải. Nhiều hôm nhân viên phải làm việc đến 9g tối vẫn chưa giải quyết xong hồ sơ” - ông Đức thông tin.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, tại Chi cục Thuế huyện Phú Quốc có gần 4.500 hồ sơ kê khai thuế liên quan đến nhà đất (bình quân mỗi tháng 750 hồ sơ), trong đó 80% là kê khai chuyển nhượng, mua bán.
Nếu căn cứ bảng giá đất của UBND huyện Phú Quốc, khu vực đắt đỏ nhất như đường Trần Hưng Đạo, 30-4, Nguyễn Trung Trực... chỉ 8 triệu đồng/m2 nhưng thực tế hiện nay giá đất bị đẩy lên trên 
15-20 triệu đồng/m2.
Theo ông Đức, giá đất tăng chóng mặt kể từ khi Phú Quốc có quyết định của Chính phủ là đặc khu kinh tế (vào tháng 6-2014). Đến tháng 10-2014 Phú Quốc lên đô thị loại 2. Tiếp đó là các dự án lớn như Vingroup đưa vào hoạt động ở bãi Dài, các trục đường lớn đưa vào hoạt động, sân bay quốc tế Phú Quốc mở đường bay thẳng đến các thành phố lớn... người dân các vùng miền đổ về càng tạo thêm sốt đất cho Phú Quốc.
“Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau. Thị trường đã lên đỉnh điểm, nguy cơ vỡ bong bóng rất cao”- ông Đức cảnh báo.
Bán đất gửi tiền ngân hàng
Đất sốt nên nhiều người bỏ công việc thường ngày chuyển qua làm “cò” đất. Vốn dĩ làm nghề rẫy nhưng do giá đất lên nên anh Cảnh (ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, gần làng Phú Sơn - Hà Nội) quyết định chuyển nghề dẫn khách mua đất ở khu vực này. Một số người khác thấy giá đất lên cũng quyết định bán rẫy lấy tiền gửi ngân hàng.
Tại Văn phòng công chứng số 1 trên đường 30-4, khu phố 1, thị trấn Dương Đông, chúng tôi tiếp xúc với gia đình anh H. - ngụ ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương - đang đi ký giấy tờ để bán đất.
Mẹ ruột anh H. cho hay gia đình quê gốc ở tỉnh Quảng Bình, di cư ra đảo Phú Quốc hơn 15 năm nay. Hai vợ chồng già gần 80 tuổi có sáu người con, sống cảnh nghèo túng mãi nên đành mang sáu công đất đi bán với giá 1,4 tỉ đồng/công.
“Bán đất rồi vợ chồng tui chia tiền cho mấy đứa nó. Chúng tôi già yếu rồi cũng chỉ cần giữ lại một ít gửi ngân hàng để ăn dần” - mẹ anh H. bày tỏ. Cũng tại đây, ngoài gia đình anh H. chúng tôi còn chứng kiến nhiều nông dân ăn mặc lam lũ đến chờ làm thủ tục bán đất.
Chi cục Thuế huyện Phú Quốc quá tải với hồ sơ khai thuế nhà đất. Trong ảnh: nhân viên bộ phận chuyên trách hồ sơ thuế nhà đất Chi cục Thuế huyện Phú Quốc với đống hồ sơ cao ngút - Ảnh: Đình Dân
Sốt đất lần thứ hai
Theo ông Lê Quang Minh - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Phú Quốc, thời điểm diễn ra cơn sốt đất lần thứ nhất là do giới đầu cơ bung tiền mua đất đón đầu quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, khi đó cơ sở hạ tầng trên đảo gần như chưa có gì. Các dự án thu hút đầu tư được giao cấp đất chủ yếu để “xí phần” chờ cơ hội. Mặt khác, phần lớn giới đầu cơ đất lại phải vay tiền ngân hàng nên chỉ một thời gian ngắn bong bóng bất động sản xì hơi, thị trường chuyển nhượng đất đai Phú Quốc tạm lắng suốt gần 10 năm sau.
Còn cơn sốt đất lần này dự báo kéo dài bởi Phú Quốc nay đã gần như lột xác, có hạ tầng cơ bản hoàn thiện với đường trục nam - bắc đảo rộng sáu làn xe, đường vòng quanh đảo, hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, điện lưới quốc gia..
“Tôi có hỏi một phụ nữ từ Hà Nội ra Phú Quốc mua đất là tiền ở đâu nhiều tới mức bỏ ra vài chục tỉ đồng như vậy, thì người này trả lời mình bán đất ở Hà Nội mua đất Phú Quốc và hi vọng có lãi to” - ông Minh kể lại.
Ông Minh cũng xác nhận có những mảnh đất được chuyển nhượng lòng vòng qua rất nhiều chủ trong thời gian ngắn. Theo ông Minh, hiện tại mỗi ngày văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải chứng nhận giao dịch cho khoảng 60 hồ sơ, đây là con số kỷ lục chưa từng thấy ở Phú Quốc.
Và tính đến thời điểm này, mới chỉ ghi nhận dân đảo Phú Quốc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, rồi những người này tiếp tục chuyển nhượng nhiều lần, chưa thấy dân Phú Quốc mua lại bất kỳ mảnh đất nào.
“Họ bỏ ra cả chục tỉ đồng mua một mảnh đất nông nghiệp rồi thuê người trồng tràm, xà cừ... bỏ đó, mua đi bán lại lòng vòng, không thấy bất kỳ ai đầu tư kinh doanh hay trồng trọt, chăn nuôi gì. Điều này cho thấy đất đai ở Phú Quốc đang bị đầu cơ đẩy giá” - ông Minh nói.
Đình Dân - Khoa Nam - Duy Khánh

Không có nhận xét nào: