Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Thần mai' lưu giữ phước khí đất chín rồng hơn ba thế kỷ

'Thần mai' lưu giữ phước khí đất chín rồng hơn ba thế kỷ
Copy từ http://m.nguoiduatin.vn/than-mai-luu-giu-phuoc-khi-dat-chin-rong-hon-ba-the-ky-a67688.html, đăng khoảng 1 năm trước ngày 18/02/14 .
Đã hơn 300 năm, người dân đất chín rồng ăn Tết bên hương sắc thanh tao của Bạch mai cổ thụ duy nhất còn sống sót tại đình Phú Tự, xã Phú Hưng, Bến Tre. Ngần ấy năm "trơ gan cùng tuế nguyệt" cũng bấy nhiêu lần "thần mai" nở hoa báo hiệu xuân sang, mang điềm lành bung tỏa theo hương lan xa khắp vùng.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Ngỡ ngàng, chìm đắm trong hương sắc Bạch mai cổ thụ, chúng tôi đứng giữa sân đình Phú Tự cảm nhận mùi thơm thanh nhã của loài hoa quý trong sự yên ắng của vùng ngoại ô mà nghĩ về bản ngã của con người. Nhất chi mai kia là vật của đất trời, sừng sững độc lập, hồn nhiên, như hữu sự mà vô sự giữa bao bộn bề của trần tục. Từ cổ chí kim, con người vốn sợ hãi những cái hư thực, không đối chứng mà chẳng mảy may đến vật chứng ngày này tháng nọ bất diệt, tồn tại song hành, sống với hiện tại, với cành mai bên cạnh bản ngã cõi Phật từ bi.
Triết lý từ thuở ngồi ghế học trò, mấy ai hiểu được nhưng một lần được diện kiến Bạch mai cổ thụ ở ngôi đình cổ Phú Tự, để mùi thanh hương của hoa len lỏi vào từng tế bào, con người ắt ngộ ra được chính đạo. Có lẽ, cư dân đồng bằng sông Cửu Long tự hào và trìu mến gọi Bạch mai là “Thần mai” bởi những ý nghĩa lớn lao và giá trị vô hình mà cây lặng thầm mang đến. Đã hơn 300 năm, “Thần mai” ngụ ở sân đình chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, phát triển của văn hóa, tâm linh của con cháu Lạc Hồng. Tạo hóa biến động không ngừng, thiên tai đại họa triền miên, chiến tranh oanh tạc, cây vẫn hiên ngang trụ giữa trời Nam, làm chứng cho nỗ lực vượt bậc của cổ nhân từ thuở khai hoang mở cõi.
Trong giọng nói đầy tự hào của anh Đỗ Văn Mười, Ban trị sự đình Phú Tự có sự ngưỡng vọng: "Không biết tự bao giờ, “Thần mai” về canh giữ vùng đất phương Nam trù phú nhưng cũng lắm bể dâu này. Nhiều người cho rằng nơi đây hội tụ tinh hoa đất trời, nên đất lành Bạch mai sinh trưởng trường thọ. Cây Bạch mai cổ thụ ở đây là một trong ba cây Bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, nhưng hai cây kia nghe đâu đã chết hoặc không còn nguyên vẹn".
Hàng năm, cứ vào đúng đêm rằm tháng Giêng âm lịch, Bạch mai lại nở rộ, tỏa hương thoang thoảng khắp một vùng, riêng sân đình Phú Tự lấp lánh bởi muôn vàn hoa trắng như tuyết, thắp sáng mặt đất. Loài hoa kỳ lạ, vào giữa đêm rằm, sau khi ngậm đầy sương sớm, được ánh trăng vàng mơn trớn, thảnh thơi trong gió, mới từ từ bung tỏa từng cánh nhỏ trắng mịn, nhẹ nhàng đẩy hương thoát nhụy bay xa.
Bạch mai cổ thụ bên bia ký
Từ lúc trời sinh đất dưỡng đến nay, “Thần mai” đã hơn 300 tuổi, bắt đầu chỉ là một thân cây nhỏ rồi sinh sôi, nảy nở thành bụi dày với khoảng 50 thân cây lớn nhỏ, cao gần 6m. Bạch mai cổ thụ gồm khoảng 50 thân cây thì đã có gần 16 thân lớn, đường kính từ 20 - 30cm. Các nhánh mai lớn đều vươn mình trong nắng gió, tỏa thành một tán rộng rộng tới 250m2.
Lưu giữ phước khí đất Cửu Long
Về xuất xứ của “Thần mai” cũng có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, theo ý kiến của anh Đỗ Văn Mười thì loài hoa này tự sinh tự diệt, con người khó có thể tác động. Anh chia sẻ: "Ông bà xưa kể lại, cây mai trắng này đến trước cả những cư dân đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ. Bạch mai cổ thụ này thuộc hàng quý hiếm, đã từng có rất nhiều người đến chiết cây đem về trồng nhưng cây ra hoa giống hoa của cây mù u, nhụy trên cứng, không giống hoa từ cây Bạch mai mẹ". Điều này cũng được Trịnh Hoài Đức ghi nhận trong Gia Định thành thông chí: "Hoa này tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được".
Nhưng một luồng thông tin khác trong dân gian lưu lại rằng, Bạch mai có 4 cánh, màu trắng nhạt, hình dáng giống như hoa mù u do ông Mạc Cửu (người có công khai phá đất Hà Tiên) mang từ miền Nam Trung Quốc sang trồng ở Gia Định. Trước đây, đình Phú Tự hướng cửa về mặt Đông Bắc nhưng vào đầu thế kỷ 20, khi trùng tu lại, ngôi đình được đổi theo hướng đông nam nhìn ra sông Bến Tre nên cây Bạch mai sừng sững trước sân đình, bên cạnh Đàn xã tắc như hiện nay, thay vì lặng lẽ đứng bên hông đình. Từ khi Bạch mai trấn giữ cửa đình làm tôn thêm vẻ thanh nhã, trang nghiêm của ngôi đình cổ, mang thêm triết lý quy luật sinh tồn của tạo hóa:
"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
“Thần mai” sống qua ba thế kỷ, nổi tiếng khắp các tỉnh Nam bộ đã đi vào đời sống thường nhật của người dân địa phương cũng như đã trở thành đề tài, tinh thần trong những án thơ văn của văn nghệ sỹ cả nước. Từ năm 1994, nhóm thơ Bạch mai thi hội ra đời, văn bia "Bạch mai bia ký" cũng được lập vào năm 2000 bên cạnh gốc mai nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Bến Tre, 40 năm ngày Bến Tre đồng khởi.
Từ đó, hàng năm vào rằm tháng giêng, Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" ở sân đình Phú Tự, dưới gốc Bạch mai. Bên cạnh đó, các bậc tao nhân mặc khách, bè bạn thơ văn khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào dịp tết cũng tìm về bên Bạch mai cổ thụ bình thơ uống rượu, kể nhau nghe công tích của những bậc hiền nhân thời mở cõi. Khách phương xa về qua Bến Tre luôn có ước mong ghé Phú Tự để tận mắt thấy Bạch mai sống qua ba thế kỷ, xin vài gói hoa Bạch mai khô đem nấu nước trà uống, nhấm nháp vị ngọt thanh tao, hương thơm thoang thoảng trong từng ngụm trà nóng giúp thư giãn tinh thần. Đã thành truyền thống, rằm tháng Giêng khi loài mai trắng tinh khiết nở rộ, bà con khắp nơi tìm về xin lộc, cẩn thận gói hương hoa trong miếng vải trắng sạch sẽ, bỏ vào túi áo, mang theo bên người trong những chuyến đi xa. Với người dân bản địa, có hoa mai trắng bên cạnh như có "Thần mai" ban phước khí mọi vận hanh thông suôn sẻ, cũng để hoài hương trong những lúc xa nhà. Người phương xa xem như món quà ý nghĩa của vùng đất đồng bằng châu thổ trù phú.
"Nhiều người cho rằng, hoa Bạch mai đem phơi khô trở thành phương thuốc trị mất ngủ, mệt mỏi, hoạt thông khí huyết, giúp đầu óc minh mẫn, sáng tỏ. Vì lẽ đó, người ta thường đến cầu mai về nhà trị bệnh, an thần, dưỡng tâm", anh Đỗ Văn Mười vừa nói vừa đưa nắm hoa khô cho chúng tôi ngửi qua. Năm nào, Bạch mai cũng nở trắng cả cây, sang tháng hai, hoa rụng dần, trắng cả gốc, ông Từ của Đình Phú Tự lại nhặt về rửa sạch, để dành tặng cho khách viếng đình. Và tự bao giờ, với người dân xứ dừa, "Thần mai" mang đến cho cư dân đồng bằng châu thổ những điều kỳ lạ, đã sánh ngang cùng danh nhân Đồ Chiểu.
Hơn một năm trước, các cán bộ ngành văn hóa Bến Tre có về ghé thăm cây, thấy cây xiêu đổ vì mưa gió, bèn tìm cách chằn chống giữ cây, lấy gạch đá bao quanh gốc. Từ đó, Bạch mai héo hon, các nhánh cội bắt đầu xuống sức, khô cành rụng lá. Hoảng hốt, ông Từ trong đình dọn dẹp bớt nhánh nhỏ, đập bờ bao xi măng quanh gốc. Kỳ lạ thay, trên những nhánh già khô đã chết, nhiều nhánh con xanh tươi nhú mầm, từ đây đẻ ra vô vàn, chi chít hoa thơm trắng ngần. Trong khuôn viên đình Phú Tự ngoài Bạch mai sống qua ba thế kỷ, còn có hai cây thị và một cây khế có tuổi ngoài trăm năm. Dường như, mảnh đất này hội tụ các linh khí nên sinh cây trường thọ.
Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Không có nhận xét nào: