Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Giải mã Thất Sơn (Kỳ 3)

Giải mã Thất Sơn được đăng thành 3 kỳ.
Giải mã Thất Sơn (Kỳ 3)
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=512982 , đăng ngày 28/02/14; mục Phóng sự điều tra.
TẤM BIA TRẤN YỂM
Men theo con đường vòng quanh núi Sam (TP.Châu Đốc), chúng tôi tìm nơi có tấm bia trấn yểm vùng Thất Sơn. Hỏi chùa Bồng Lai thì không ai biết, người dân địa phương chỉ biết là chùa Bà Bài. Qua khỏi một cây cầu sắt chênh vênh, men theo kinh Vĩnh Tế mùa cạn nước, cuối cùng chúng tôi tới được nơi cần đến.
Đang giờ nghỉ trưa nhưng nghe có khách đường xa, cô út Diệu An - người giúp việc công quả trong chùa - vẫn nhiệt tình đón tiếp. Cô út Diệu An tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Lan, 43 tuổi, vào chùa được 13 năm. Chùa Bà Bài thực ra là chùa Bồng Lai do ông cố đặt. Ở đây có thẻ của Phật Thầy cắm phía trước, còn tấm bia phía sau chùa. Nói đoạn, cô Diệu An tự giới thiệu về chùa bằng bốn câu thơ: “Thấp thoáng bên bờ kinh Vĩnh Tế / Bồng Lai cổ tự dáng uy nghiêm / Mái nghiêng lẫn khuất chen cành lá / Cao vút hàng sao lặng gốc thềm”.
Tấm đá yểm
Vào năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Mùi, năm 1859), ngày 15-2 quân Pháp tấn công thành Gia Định. Các nhà ái quốc quyết chí đứng lên chiêu binh chống Pháp, trong đó có lãnh binh Trương Công Định, thiên hộ Võ Duy Dương, quản cơ Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực)... Trong số này, ở Tân Trụ (Long An) có ông Huỳnh Văn Đức. Ông mời ăn, phục rượu say, tổ chức giết hết lính Pháp. Tàu Pháp hay tin càn quét rất gắt, không có vũ khí chống lại, dân trong thôn phải lánh nạn. Ông Đức nhắm hướng bảy núi ngày đêm băng rừng, vượt sông cả tháng trời mới đến vùng núi Tượng. Tại đây, ông Đức gặp ông Phạm Thái Chung. Hai người lần ra đến Bà Bài, chọn chỗ phát hoang cất cái am nhỏ đặt tên là “Bồng Lai Tự” vào năm 1861. Ông Đức làm ông Tăng giữ am, ông Chung đi chữa bệnh cứu người. Gặp năm dịch tả hoành hành, ông Chung chỉ dùng cây, lá tầm thường mà trị hết bệnh. Dân chúng kéo đến am quá đông nên bá tánh đề nghị ông Chung xây chùa. Ngày 15-1-1876, chùa được xây dựng và vẫn lấy tên cũ. Bấy giờ, người ta gọi ông Chung là ông Đạo Lập (vì lập nên chùa Bồng Lai). Dân chúng Bà Bài tôn trọng ông nên gọi là Đức Tiên Sanh hay Đức Sư Cố.
Trong quyển Khảo cứu lịch sử giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (tác giả Trần Văn Quế - nguyên giảng sư lịch sử trường Đại học Vạn Hạnh và Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975) thì ông Đạo Lập là một trong 12 vị đệ tử của Phật Thầy Tây An. Mười hai vị đệ tử được mọi người gọi là “thập nhị hiền thủ”. Sinh thời, Phật Thầy đặt cho ông Đạo Lập pháp danh Sùng Đức Tiên Sinh. Hiện trong bài vị thờ ông tại chùa lại ghi là Bồng Lai La Hồng Tiên Sinh.
Nữ sĩ Mộng Tuyết nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” (gồm Mộng Tuyết và chồng là thi sĩ Đông Hồ, Lư Khê và Trúc Hà) từng đưa ông Đạo Lập vào bút ký Ông Đạo Lập quá hải.
Nhắc đến ông Đạo Lập, cô út Diệu An sôi nổi hẳn lên: “Từ ngày còn nhỏ, cha mẹ, ông bà tôi hay kể chuyện về ông Đạo Lập lắm. Ông còn được Phật Thầy truyền cho tài đi mây về gió, thiêng dữ lắm”.
Trên bước đường vân du hóa chúng, một hôm Đức Tiên Sanh đến vùng Hà Tiên, phát hiện một tấm đá yểm nằm sâu dưới lòng đất. Ngài về chùa quy tụ một số người đến đào, khoảng vài thước phía dưới. Lấy được tấm đá yểm lên, trên mặt đá có khắc rất nhiều chữ Tàu, ngài bảo: “Đây là tấm yểm của Tàu, muốn làm tiêu vượng khí của nước Nam, không cho dân tộc Việt xuất anh hùng, hào kiệt”. Ngài cho xóa một phần chữ trên tấm đá, chỉ còn lại một hàng ghi như sau: “Hoàng Thanh - Càng Long ngũ thập thất niên trọng thu cốc đáng” (tạm dịch: Đời nhà Thanh, vua Càng Long năm thứ 57 vào mùa thu) rồi cho chuyển tấm đá về Bồng Lai Tự - Bà Bài chôn bên cạnh chùa.
Chùa Bồng Lai
Người đời sau nhận xét: Có thể tấm đá yểm do dòng họ Mạc ở Hà Tiên lập nên vì bấy giờ vùng này là giang sơn của họ. Họ Mạc đến đây ước chừng khoảng năm 1674, tức sau thời gian chúa Nguyễn vào Nam (1558), thiết lập Đàng Trong. Cũng vì muốn thu mình đợi thời cơ nên chúa Nguyễn đã tấn phong tước công cho Mạc Cửu (Mạc Linh Công) quyền làm tổng trấn. Họ Mạc chôn những tấm yểm để phá long mạch nước Nam, theo thuật phong thủy của người Tàu.
Đưa chúng tôi ra sau chùa, giữa những cơn gió mát lạnh, cô út Diệu An lui cui vào bên trong nơi thờ tấm đá yểm để lau chùi. Chúng tôi nhìn thấy tấm bia bằng đá sa thạch, cao khoảng 90 cm, ngang 40cm. Giữa mặt bia có vẻ như từng có chữ nhưng bị đục xóa trắng.
Việc này có lẽ Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên - PV) đã biết nên cho ông quản cơ Trần Văn Thành đi trồng năm cây thẻ ở khắp nơi, có thể để khống chế các tấm bia yểm kia chăng? Đó là khoảng năm 1849 - 1856. Lúc bấy giờ vùng đất An Hà (An Giang - Hà Tiên) dân cư thưa thớt, đa số rừng rậm nên rất nghèo khổ. Phật Thầy dùng gỗ Làu Táu mang về tiện thành búp sen trên đầu mỗi cây, giao năm đoàn khai hoang đến vùng nào thì cắm cây thẻ nơi ấy để làm hiệu lệnh. Đoàn 1 giao cho ông Tăng Chủ (Bùi Văn Thân) và Đình Tây (Bùi Văn Tây) khai hoang vùng Hưng Thới - Xuân Sơn (Tịnh Biên). Đoàn 2 giao cho ông Trần Văn Thành vùng Láng Le (Châu Phú). Đoàn 3 giao cho ông Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn) vùng Sa Đéc. Đoàn 4 giao cho ông Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) vùng Châu Phú. Đoàn 5 giao cho ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung) vùng Hà Tiên.
Một vài cụ niên lão trong ban quản tự hiện nay như: Sáu Hạnh, Ba Thanh, Tư Hạt tuổi đời cũng trên dưới 80 cho hay, thuở nhỏ mỗi lần Tết đến hay cúng chùa họ đều theo cha mẹ. Tất cả đều thấy cây thẻ cắm cao khoảng 6-7 tấc.
Theo cư sĩ Nhật Huỳnh, mãi đến khi ngôi chùa bị quân Mỹ bắn sập vào năm 1966, dân xóm Bà Bài tản cư không còn ai. Trong khoảng thời gian này, không biết ai đến cưa cây thẻ đem về tặng ông chủ tiệm Minh Hiệp (người Hoa, chuyên sưu tầm đồ cổ ở Châu Đốc). Không biết vô tình hay hữu ý, ông này tiện thành hai khúc. Một khúc làm đế, khúc kia dựng lên trên rồi đặt lên bệ để thờ. Ngoài ra, ông cũng sưu tầm được cây gậy của ông Đạo Lập, trước do chùa Bồng Lai cất giữ.
Một thời gian sau, ông chủ tiệm đau nặng qua đời. Có lẽ người nhà cho rằng mang vật lạ về thờ là điềm gở nên đem hiến cho chùa Châu Long (Châu Đốc). Đến năm 1987, có hai người nữ một tăng và một tục, đêm ngủ nằm mộng thấy có người đến bảo “hỗ trợ bà con xóm Bà Bài xây dựng lại chùa Bồng Lai của ông Đạo Lập và bảo quản cây thẻ của Phật Thầy”. Hai vị nữ là sư cô tục danh Nguyễn Thị Tròn (quê Định Mỹ, Thoại Sơn), người còn lại là Thạch Thị Bé Tư (ngụ núi Cấm, huyện Tịnh Biên).
Cho là điềm báo bất thường, cả hai người sáng hôm sau quyết định đi tìm chùa. Khi đến sát kinh Vĩnh Tế, họ phát hiện ngôi chùa đổ nát như trong giấc mơ. Họ tìm gặp ban quản tự nói về cây thẻ. Quý vị trong ban quản tự mới nhớ lại cây có trong búp sen lúc nhỏ hay thấy. Moi tìm trong đống đổ nát, họ phát hiện cây thẻ vẫn còn y đó, bên cạnh hai phách chân cột phướng nhưng đã bị cưa mất một đoạn. Tin đồn ra ngoài, nhiều người bệnh đến vạt một chút mang về nấu uống nên cây thẻ hiện nay có hình đầu nhọn.
Sau khi chùa được xây lại, ban quản tự cho xây thêm mái che cây thẻ để bảo quản, mọi người cũng gọi là dinh Ông Thẻ. Về khúc thẻ bị cưa, có người cho biết khúc thẻ hiện ở chùa Châu Long, ban quản tự cho người đến xin về nhưng chỉ còn phần đế, phần trên bị thất lạc. Mãi sau này, chùa Châu Long mới tìm được phần trên giao cho chùa Bồng Lai. Bà con cho thử chất liệu của khúc thẻ và cây thẻ quả cùng một loại cây nên tin và để thờ trong chùa. Về sau con cháu ông chủ tiệm Minh Hiệp cũng mang cây gậy của ông Đạo Lập giao trả cho chùa. Hiện giờ cả hai vật trên được thờ cạnh bài vị Đức Tiên Sanh.
Bí ẩn lăng Thoại Ngọc Hầu
Đối diện di tích chùa Bà, lăng Thoại Ngọc Hầu tựa lưng vào núi Sam (TP. Châu Đốc), nằm ở vị trí cương thổ của vùng đầu nguồn sông Hậu, là một trong những bí ẩn của vùng bảy núi. Ngoài lăng mộ ông và hai phu nhân còn có rất nhiều ngôi mộ vô danh khác. Giai thoại kể, một đoàn hát bội đã được chôn sống hoặc tuẫn tiết khi vị tướng tài ba này qua đời, để phục vụ ca hát cho ông ở thế giới bên kia.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), một danh tướng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25-11-1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là người chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà... để phát triển nông nghiệp và mở đường từ Châu Đốc đi núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng. Ông có công lớn khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc. Vì lập được nhiều công to và được phong nhiều chức tước trong đó có tước Hầu nên người ta quen gọi theo danh tước Thoại Ngọc Hầu. Trong 52 năm phụng sự triều Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu đã nhiều lần đi sứ sang Xiêm, Lào, đã mấy lần Bảo Hộ Cao Miên (nên còn có danh xưng Bảo Hộ Thoại), từng gom dân khai khẩn đất hoang lập nhiều làng, xã trù phú, đã nhiều lần xông pha nơi trận tiền giết giặc phò vua, đảm trách nhiều chức vụ hành chính quân sự quan trọng.
Năm 1818, theo lệnh vua, Nguyễn Văn Thoại dùng 1.500 sưu dân vừa Miên vừa Việt đào kinh Tam Khê hay kinh Đông Xuyên. Khi hoàn tất được vua Gia Long khen thưởng và cho lấy tên Thoại đặt cho con kinh là Thoại Hà. Thoại Hà chảy bên núi Sập nên nhà vua cũng cho cải tên núi Sập lại là Thoại Sơn để đánh dấu công trình lớn lao của Nguyễn Văn Thoại. Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá đánh dấu kỷ niệm này. Bốn năm sau, bia đá khắc xong gọi là bia Thoại Sơn được dựng lên bên núi. Thoại Sơn được long trọng khánh thành vào năm 1822.
Cổng chính lăng Thoại Ngọc Hầu
Sự tiện lợi của con kinh Vĩnh Tế càng về lâu càng thấy rõ. Do đó mà sau khi Thoại Ngọc Hầu mất được bảy năm, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho lệnh đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh. Đến nay, kinh Vĩnh Tế vẫn là một thủy đạo hữu ích lớn cho việc thông thương vận tải. Từ vàm kinh ở bờ Hậu Giang (Châu Đốc) thẳng đến cửa Giang Thành (Hà Tiên) dài 98.300m, sở dĩ lưu thông được là nhờ nơi dòng nước đào bằng tay nói trên.
Ông mất tại Châu Đốc ngày 6 tháng 6 âm lịch năm Kỷ Sửu (1829), thọ 68 tuổi. Theo gia phả thì ông mất vì bệnh nhưng không nói rõ bệnh gì. Khi được tin, Minh Mạng truy phong cho ông chức Tráng Võ Tướng Quân, Trụ Quốc Đô Thống, thưởng 1.000 quan tiền, gấm loại tốt 5 cây, lụa 10 tấm và vải 30 tấm. Con trai ông là Nguyễn Văn Lâm được tập ấm hàm Kỵ Úy. Đám tang của ông được cử hành trọng thể với vô số người tham dự. Khi đưa linh cữu của ông từ dinh Bảo Hộ (ở Châu Đốc) đến chân núi Sam để chôn cất, đoàn người đưa đám dừng lại ở nhiều chặng, ở mỗi chặng đều có thiết đại lễ để cúng tiễn biệt.
Khu lăng hiện nay là do đích thân Thoại Ngọc Hầu thiết kế và xây dựng trước khi mất. Khu lăng của ông đồ sộ nhất ở khu vực núi Sam. Phía ngoài được bao quanh như bức tường thành. Bên trong cổng lăng, chính giữa nền sân rộng, bằng phẳng là phần mộ Thoại Ngọc Hầu. Mộ phu nhân chính thất Châu Thị Tế nằm bên phải. Ngôi mộ của phu nhân thứ thất Trương Thị Miệt nằm bên trái hơi thấp hơn mộ chính thất. Điều này còn chứng tỏ ngoài khả năng quân sự, kinh tế, Thoại Ngọc Hầu còn rất giỏi về xây dựng và kiến trúc.
Mộ hình thoai thoải
Đường vào lăng là chín bậc thang mà tương truyền là vị tướng người Quảng Nam này đã cho mời thợ từ Đồng Nai xa xôi đến để xây dựng. Nguyên liệu chính là đá ong. Phía mặt tiền là ngôi long đỉnh bên trong phục chế lại bia “Thoại Sơn” do ông Nguyễn Văn Thoại dựng năm 1821 bên triền núi Sập sau khi đào xong kinh Thoại Hà. Từ sân lăng nhìn vào là hai cánh cổng có mái vòm hình bán nguyệt, hai bên trụ chạm khắc hai hàng liễn đối.
Sau phần mộ của Thoại Ngọc Hầu có tấm bia "Vĩnh Tế Sơn" bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ dựng từ năm 1828 (bốn năm sau khi đào kinh Vĩnh Tế). Lăng Thoại Ngọc Hầu hoàn thành cuối những năm 20 của thế kỷ 19. Trải qua bao năm tháng, lăng vẫn còn nét uy nghi diễm lệ, là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Để ghi công ơn Thoại Ngọc Hầu, hàng năm cứ đến ngày 6-6 (âm lịch), nhân dân quanh vùng đến làm lễ tưởng niệm ông. Dân cư địa phương gọi kính cẩn là “lăng Ông” hay “Sơn lăng”, hoặc có tên mỹ miều hơn là phủ thờ khâm sai thống chế. Di tích này được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) xếp hạng từ năm 1980.
Điều đặc biệt ở lăng là rất nhiều khu vực có mộ. Các ngôi mộ nhỏ, không ghi danh. Nhiều công trình nghiên cứu nói đó là của dân, của thuộc hạ Thoại Ngọc Hầu ngã bệnh vì sơn lam chướng khí khi đào kinh Vĩnh Tế, Thoại Hà, được ông cho lính bốc cốt về đây. Trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu còn có 14 ngôi mộ khác được chôn thành nhóm liền nhau, vật liệu bằng ô dước và hồ vôi. Tất cả đều mang những dáng vẻ rất riêng, cái thì hình núm tròn, có cái hình bầu dục.
Bên ngoài, khoảng 30 mộ phần phía bên trái lăng có hình thù to lớn khác nhau. Có cái thì hình bầu dục, thoai thoải, có bia đá phía trước nhưng có cái thì như mộ đất không dựng bia. Bên phải lăng cũng có nhiều mộ nhỏ với hình thức không giống như bên trái. Đây là điều rất lạ lùng.
Trong số các ngôi mộ vô danh này, nhiều bậc cao niên từng kể rằng có một đoàn hát bội Quảng Nam được Thoại Ngọc Hầu tuyển mộ vào biên giới Tây Nam để phục vụ cho ông và gia quyến uống trà, ngắm trăng, đối tửu. Sau khi ông mất, vì quá yêu thương ông, họ đã uống thuốc quyên sinh để phục vụ ông ở miền cực lạc. Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định điều này nhưng trong dân gian thì râm ran bàn luận. Duy chỉ có điều, đối với vị tướng người miền Trung lãnh trách nhiệm dẹp yên ở biên cương Tây Nam thì chắc chắn “món” hát bội là không thể thiếu bởi thời xưa đó là “món” văn hóa dân gian rất thông dụng.
Trong các nấm mộ này còn hai mộ được đồn đoán của hai chị em song sinh, con của đào hát, cũng “đi theo” mẹ và ân nhân là ông Thoại Ngọc Hầu. Dựa vào lối xây mộ thoai thoải, hình tượng giống như gò bồng đảo của thiếu nữ, nhiều người xác định mộ chí này là của hai chị em gái.
Tháng 9-2010 trong quá trình tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu, nhiều di vật đã được phát hiện. Tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2011, 523 hiện vật, hàng trăm dấu tích được công bố. TS Phạm Hữu Công, một trong các thành viên của Hội đồng giám định nói, một điều rất lạ là trong dân gian hầu như không có những câu chuyện khẩu truyền về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ như đối với các nhân vật lịch sử khác, kể cả những ký ức về cuộc sống gia đình ông. Hơn 180 năm nay kể từ khi xây dựng xong, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nhưng tuyệt nhiên chưa có lần nào tìm thấy đồ tùy táng chôn theo, cho đến khi tu bổ lăng lần thứ 10 vào năm 2010, công nhân phát hiện một lằn sụp xuống tại khu vực mộ ông và phu nhân. Sau đó, công cuộc khai quật được phép tiến hành hết sức khẩn trương trong bốn ngày, thu hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, kim loại... Hiện vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân được chôn không phải trong mộ, mà ở bên ngoài cách huyệt mộ chỉ 40 cm theo quy cách “nam tả nữ hữu”, tức là đồ tùy táng của bà chôn bên phải mộ bà, đồ tùy táng của ông chôn bên trái mộ ông. Đây là một phát hiện ngẫu nhiên nhưng rất quan trọng, vì thường các nhà khảo cổ chỉ nhắm ngay huyệt mộ mà ít chú ý khu vực chung quanh hoặc trong vòng thành mộ.
Cho đến nay trong các quan đại thần của Việt Nam chưa từng có danh nhân nào để lại một khối lượng di vật phong phú như ở lăng Thoại Ngọc Hầu. Tất cả đã phản ánh chân thực về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao nước ta đầu thế kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới phía Tây Nam đất nước nói riêng, trong mối quan hệ với các nước, nhất là trong cuộc sống của gia đình ngài Thoại Ngọc Hầu mà trước đây chưa từng được biết đến. Vì thế việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, phục dựng... để đi đến thành lập một bảo tàng Thoại Ngọc Hầu tại TP.Châu Đốc là việc rất cần thiết, có ý nghĩa.
Hết
AN HÒA - HẢI VĂN

Không có nhận xét nào: