Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Giải mã Thất Sơn (Kỳ 1)

Giải mã Thất Sơn được đăng thành 3 kỳ.
Giải mã Thất Sơn (Kỳ 1)
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&id=512799 , đăng ngày;25/02/14 mục Phóng sự điều tra.
(CATP) An Giang là tỉnh duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long “sở hữu” những dãy núi huyền bí. Tại sao nơi đây được gọi là vùng Bảy Núi gắn liền với những cái tên rất hoa mỹ như: Ngọa Hổ Sơn, Anh Vũ Sơn...? Dưới những ngọn núi là bao huyền tích vượt thời gian gắn với một thời lưu dân mở đất dù trải qua dâu bể thời cuộc. Qua nhiều tháng trời tìm hiểu của phóng viên, bức màn bí ẩn dần được hé lộ.
Tường trình từ nóc nhà miền Tây
Thiên Cấm Sơn cao 710 mét so với mực nước biển, ngang với đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), bằng một nửa so với độ cao của Đà Lạt hay đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng). Nơi đây như bức tường thành vững chắc che chắn cho biên giới Tây Nam. Núi Cấm được mệnh danh là “Thất Sơn nhất đỉnh”. Có nhiều truyền thuyết kể về tên gọi hình thành núi Cấm. Chuyện kể rằng khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long trốn chạy vào Nam, chọn được vùng núi hiểm trở này, ông cho quân lính đồn trú ở đây để chờ thời cơ. Người dân xung quanh không được bén mảng đến gần nên mới có tên như vậy. Trước khi đến An Giang nằm giáp biên giới Campuchia, vua Gia Long để lại ở xã Nha Mân (huyện Châu Thành, Đồng Tháp, nằm dọc Quốc lộ 91) nhiều phi tần, cung nữ. Thế nên mới có câu ca: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào đẹp bằng gái Nha Mân”. Khi Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc, một số cấm vệ quân ở lại lập ra môn phái võ Thất Sơn lưu truyền đến ngày nay. Đây còn là nơi các nghĩa quân, chí sĩ yêu nước khởi nghĩa chống Pháp thất bại lui về ở ẩn, tu hành như Cao Văn Do (Bảy Do), cháu ruột Thủ Khoa Huân, người lập nên chùa Phật Lớn. Theo các tài liệu tôn giáo, đây là chốn hiển linh bậc nhất. Theo thuật phong thủy, nhiều đời nay người ta tin đây là một long huyệt quan trọng giúp vùng Thất Sơn yên ổn, trù phú gắn với chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng.
Trở lại chuyện lạ trên đỉnh núi Cấm, điện Mười Ba còn được gọi là điện Mẹ và hang Công Đức ở núi Cấm là hai hang động được nhiều khách du lịch tìm đến. Sở dĩ có tên điện Mười Ba vì đây là một hang đá nằm chếch về phía đông bắc núi Cấm có 13 tầng. Mỗi tầng đều có cửa thông suốt với nhau và một nơi cho du khách thắp hương cầu nguyện khi đi qua. Ở chỗ cửa thứ 12 qua cửa 13 rất hẹp, nhiều người sợ không chui qua lọt. Trước cửa 13 còn có một mỏm đá gọi là “chuông đá”. Khi lấy đá gõ vào sẽ phát ra những âm thanh trầm ấm.
Còn hang Công Đức có một cán cân bằng đá... đo được lòng người. Theo người dẫn đường là anh Mãnh (38 tuổi, ngụ ấp An Hòa), độ sâu của hang đá là cố định, nhưng những người mê tín dị đoan vào đây đo công đức lại ra những kết quả khác nhau. Nguyên nhân vì chiều cao của họ. Hang đá này không có gì đặc biệt nhưng xuất phát từ niềm tin và sự truyền miệng nên luôn có nhiều “dị bản”.
Nắng đã xế chiều, đường rừng rậm lại vắng vẻ hơn. Chúng tôi quyết định đi tìm điện Bò Hong. Tương truyền vua Gia Long khi đến đây không còn đường thoát, bỗng có vô số bò hong bay đen kịt rồi kết lại thành mảng che chắn cho ông. Ông thoát thân sau đó cùng đoàn tùy tùng băng qua vồ Thiên Tuế. Giữa bốn bề rừng núi, ông cầu nguyện rồi cắm thanh gươm xuống đất, nước ngọt trào lên. Hiện nơi đây vẫn còn hai giếng nước hình thoi như lưỡi gươm của vua Gia Long cắm xuống thuở nào. Nhiều người lấy tầm vông đo đáy nhưng không xác định được. Vòng lên đỉnh là động Thủy Liêm nước trong xanh, ánh nắng xuyên qua kẽ lá.
Ông Ba Lưới xuống núi
Trên ngọn núi Cấm này, điều kinh hãi nhất là những hang rắn khổng lồ. Gần điện Mười Ba, hang Công Đức có vô số loài rắn, chủ yếu là rắn hổ mây nặng vài ký, nằm khoanh tròn trên đá, từng làm người dân địa phương đi làm rẫy phải rợn tóc gáy.
Nhắc đến chuyện mãng xà vương, chị Trương Thị Mỹ Hòa (nhà dưới chân núi) nói: “Ngày trước vùng này rắn nhiều vô kể, hay vào ăn gà con. Nó nặng khoảng vài ký gọi là rắn hổ mây, rất độc. Tui nghe ông bà kể lại, ngày trước còn có rắn hổ chuối, nằm khoanh tròn trên tảng đá, cắn ai là chết liền. Có người đang ngủ trong mùng còn bị rắn chui vào. Lúc đó, đường lên núi nhỏ hẹp, chỉ dành cho xe bò. Giờ thì rắn bị bắt hết ráo rồi”.
Từng nhiều lần chạm trán mãng xà, anh Chao Sanh Tha (SN 1976, người Khơ Me, ở xã Tân Lợi, kế xã An Hảo, làm nghề bán rượu) kể: “Một lần đi ngang qua suối Thanh Long, tui gặp một con rắn khổng lồ giương cao đầu đuổi mấy đứa học sinh. May mà mấy đứa thoát chết”. Vượt qua những hang hóc, ụ đất trồi lên, sụt xuống, dưới những tán rừng thanh khiết, anh Tha dẫn chúng tôi tiếp cận hang rắn nằm dưới một cây da. Anh nói nhiều lần đã thấy rắn bò ra thụt vào từ cái hang này. Đứng trước hang, một mùi tanh nồng bao trùm làm chúng tôi tái mặt.
Người dân ở đây kể năm 1997, có một đoàn người của trại rắn Đồng Tâm mang theo súng ống, đồ nghề, thuốc mê gặp dân nhờ dẫn tới hang rắn nhưng họ bị cản trở vì rắn rất lớn. Mấy cái dụng cụ này không khuất phục được mãng xà vương!
Từng đối mặt với những con rắn khổng lồ không một chút e sợ, làm nghề bốc thuốc để chữa cho dân trong vùng khi bị rắn cắn, ông Ba Lưới, năm nay 98 tuổi, được xem là vị đạo sĩ cuối cùng ở vùng này. Khi lên lưng chừng núi, hỏi nhà ông thì ai cũng biết.
Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y (quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang). Năm 1935, khi mới 23 tuổi, ông lên núi Cấm ẩn tu. Hồi đó nơi đây ít dân lắm, toàn rắn hổ mây nên ai cũng có một cây săn mây (làm từ cây mây rừng, dài gần hai mét, một đầu nhọn, đầu kia bén như dao) để phòng thân. Một lần băng rừng, ông đụng con rắn nặng khoảng 90kg. Nghe tiếng chân người, con rắn hổ mây xòe cặp mang rộng, khè khè như muốn nuốt chửng ông. Ông lùi lại một bước, dùng cây rựa mang theo bổ một nhát chí mạng vào đầu con rắn khổng lồ. Máu của nó tuôn ra xối xả, ướt cả cỏ cây. Lần khác gặp một con rắn chừng 40kg, ông dùng rựa chém đứt đầu nó. “Rắn hổ mây lướt đi nghe như gió xào xào trên cây. Khi di chuyển, hơn nửa thân mình của nó ngóc cao cả 6 - 7 mét. Lúc thấy người, nó phùng mang, mắt đỏ ngầu, láo liên rất hung dữ”. Ngoài “con quái vật” này còn có rắn chàm chạp, hổ sơn, hổ chuối, mái gầm..., ông Ba Lưới kể. Với việc trừng phạt hai con mãng xà, tên tuổi Ba Lưới lan truyền khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Ông Ba Lê (phải) đang làm việc với phóng viên.
Những năm sau giải phóng, dòng người lên núi Cấm làm nương rẫy ngày một đông. Nơi đây bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Núi Cấm hiện giờ thuộc xã An Hảo gồm các ấp: An Hòa, Thiên Tuế, Vồ Đầu... Cũng từ đó, các loại rắn lớn vắng dần. Khi phát hiện, người dân sẽ bắt đi bán. Thương lái mua tận chân núi với giá rất cao. Thanh niên trong xã bắt đầu đi lùng bắt rắn bằng phương tiện hiện đại hơn. Người bị rắn cắn ngày một nhiều. Ông Ba Lưới quyết tâm đi học bài thuốc trị rắn cắn từ đạo sĩ Bùi Văn Thân. Ông được vị đạo sĩ này chỉ cho nhiều bài thuốc trị rắn cắn gia truyền. Sau đó, ông Ba Lưới lại trở về nghề bốc thuốc cứu người vì nơi đây có nhiều loài thuốc quý như: sa nhân, huyết rồng, đỗ trọng, ngái mong trâu, đầu khấu... Ông nói rồi đứng lên lấy trong chiếc rương gỗ ra một mẩu sừng cỡ ngón tay, màu đen tuyền là sừng con dinh rắn dùng để hút nọc độc. Ông không nhớ được hồi sinh bao nhiêu kiếp người khi bị rắn hổ mây cắn. Từ đó, ông được mệnh danh là đạo sĩ cuối cùng của núi Cấm.
Chị Nguyễn Thị Hải (44 tuổi, nhà ở gần nhà ông Ba Lưới, làm nương rẫy) kể: “Trước đây, vùng này có ba đạo sĩ chữa bệnh cứu người, gồm có ông Ba Lưới, Năm Chuột và Năm Cao. Bây giờ ông Năm Cao đã mất. Dân bị bệnh thì tìm đến ông Ba Lưới”. Đạo hạnh và tấm lòng của ông Ba Lưới khiến người dân trong vùng phải ngả mũ chào. Ông còn là người có công chính trong việc huy động sức người, sức của dựng nên tượng phật cao 36 mét, nặng 800 tấn trên đỉnh núi. Sau bảy năm xác lập kỉ lục Việt Nam, tượng Phật này còn được công nhận đạt kỉ lục to nhất châu Á.
Ngày đau thương ở Núi Tượng
Gắn với núi Tượng là địa danh Ba Chúc (huyện Tri Tôn) đã trải qua quá nhiều đau thương trong lịch sử. Nơi đây bây giờ đã trở thành khu di tích nổi tiếng của cả nước nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi khi nhớ về vụ thảm sát kinh hoàng, chấn động dư luận thế giới.
Núi Tượng chỉ cao 145 mét, chu vi 3.825 mét. Từ xa, hình dáng núi trông giống con voi nên mới có tên là núi Tượng. Trước năm 1870, vùng núi này còn hoang vu nhưng từ khi ông Ngô Lợi - người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là Hiếu Nghĩa), dẫn một số đệ tử vào khai hoang, lập nên những thôn ấp mà sau này trở thành làng: An Định, An Hòa, An Lập...
Trong 12 năm (1876 - 1888), quân Pháp đến đây đốt phá, bắt bớ, tra tấn tín đồ bảy lần. Tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”. Năm 1885, ông Ngô Lợi cùng tín đồ kết hợp nghĩa quân của hoàng thân Sivotha (Campuchia) nổi dậy nhưng bị quân Pháp trấn áp rồi đóng đồn dọc kênh Vĩnh Tế. Lần đạo nạn này, ông phải cùng tín đồ chạy sang Vườn Dầu, thuộc nước bạn để lánh nạn. Đến khi trở về, nhà của, chùa chiền chỉ còn lại những đống tro tàn.
Nhưng bi thảm nhất là năm 1887, lính Pháp xử bắn tám người, đày ra Côn Đảo 13 người. Người Pháp giải tán làng An Định (sáp nhập vào làng Ba Chúc), thiêu hủy tất cả chùa chiền, nhà cửa và cưỡng bức 407 gia đình, gần hai nghìn người già trẻ.
Năm 1978, khi quân Pôn Pốt từ Campuchia tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), người dân kéo nhau lên núi Tượng tìm các hang đá sâu và hẻo lánh để ẩn náu. Mười một ngày sau, khi giặc bị đánh đuổi, các hang của núi Tượng như: Dồ Đá Dựng, Cây Da, Ba Lê, Tấm Ất... đầy ắp xác dân thường bị Pôn Pốt thảm sát
Cây da cổ thụ - một biểu tượng của thị trấn Ba Chúc
Chúng tôi đến thăm nhà ông Ba Lê ở khóm Thanh Lương khi ông mới đi xạ lúa về. Bảy mươi tư tuổi nhưng ông Ba Lê vẫn giữ được sức khỏe rất tốt. Ông sinh ra tại đây, là nhân chứng sống trong vụ thảm sát chết 3.157 người (khi đó số dân Ba Chúc là 16 nghìn). Trong vụ đó, ông mới 33 tuổi, có một vợ và năm con. Đêm 16-3-1978, ông Ba Lê dẫn vợ con lên hang đá ở núi Tượng trốn. Hang rộng, có cả bộ ván cho mười người ở. Ở đầu miệng hang, ông dùng đá tấn lại. Địch dùng chó vạch miệng hang. Nghe tiếng con ông khóc, chúng dùng súng AK bắn rồi quăng lựu đạn vào hang. Lúc này, ông Ba Lê đứng sát mé hang, vội nhảy ra ngoài. Hai tên địch đứng phía trên bắn ông nhưng ông vừa chạy vừa né, đạn trúng hai chân. Ông lăn xuống núi, tìm đường về xã Lương Phi và được đồng đội mổ lấy đạn.
Vài ngày sau trận càn của địch, ông quay vào trong hang thì vợ con ông đã chết. Ông chôn tất cả trong hang. Năm người con ông (ba trai, hai gái), nếu còn sống thì lớn nhất 49 tuổi, nhỏ nhất 40 tuổi. “Khi gia đình chết hết, mình không còn là mình. Nhà tôi và vợ có gần 200 người, bao gồm cô chú bác không ai còn sống” - ông Ba nói mà khóe mắt đã cạn khô. Năm 1981, ông cùng mọi người quy tập hài cốt đồng bào ngoài đồng, trong núi về trước chùa Tam Bửu. Thấy khối lượng xương người quá lớn, chính quyền xã báo về huyện, tỉnh. Trong khi chờ chỉ đạo, ông nhận trách nhiệm bảo vệ. Năm 1983, các bác sĩ Nga tới Ba Chúc để ngâm xương với formon, phân loại tuổi tác, giúp ta xây dựng nhà mồ tập thể để trưng bày tội ác của giặc Pôn Pốt. Trong số người dân của xã, chỉ có bốn người thoát được giữa vòng vây là ông Ba Lê, bà Nga, bà Sương (mới bị tai nạn giao thông nên không còn tỉnh táo) và ông Chín Kỉnh (vừa qua đời).
Ngày nay, đến thị trấn Ba Chúc ai cũng trông thấy một cây dầu cổ thụ nằm giữa đường. Dù có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường sá nhưng thấy “biểu tượng” này thì đường phải né đi. Đó chính là nét đặc biệt của vùng đất được bao quanh bởi nước Tượng.
Ông Ba Lê nói cây dầu phải hơn 300 tuổi. Cách đây mười năm khi tráng nhựa lộ (đường), cây dầu đã chết khô, giờ chỉ còn nhánh của cây da bao quanh. Nhưng vài người nhầm lẫn là của cây dầu. Cây da sống cạnh cây dầu ngày xưa nhỏ lắm nhưng giờ đã “vươn vai” như cây cột, biểu trưng cho sức sống của đất và người Ba Chúc qua bao nhiêu đau thương vẫn vượt lên xây dựng cuộc sống mới.
Qua khỏi cổ thụ là tới khu di tích lịch sử Ba Chúc gồm hai chùa Tam Bửu, Phi Lai và khu hài cốt. Chùa Tam Bửu của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chia làm sáu trưởng ban. Ông Nguyễn Hữu Nghi là trưởng văn phòng, ông Ba Lê là Trưởng ban lễ nghi, lễ hội (trước đây là ban quản tự).
Trong chùa Tam Bửu còn giữ nơi thờ, gọi là Ngô Long Đình do Đức Bổn Sư thiết kế. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, bọn Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc từ ngày 18-4 đến 30-4, tàn sát trên 3.000 người dân vô tội bao gồm người già, đàn bà và trẻ em trốn xung quanh chùa Phi Lai và Tam Bửu. Chúng đốt chùa và ném lựu đạn hòng tiêu hủy chiếc “Long Đình” nhưng kỳ diệu thay nó vẫn nguyên vẹn không bị cháy. Điều này càng cũng cố đức tin của bà con trong đạo đối với chiếc “Long Đình”. An Giang hiện nay còn sót lại hai chiếc “Long Đình”, một tại chùa Tam Bửu là nơi thờ Đức Bổn Sư Ngô Lợi và một tại Bửu Hương Tự nơi thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành.
Cuộc chiến đấu của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn tiếp tục sau khi chiếc “Long Đình” bị lấy đi. Họ vẫn nuôi ý chí căm thù để chờ ngày rửa hận. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đồng tâm hiệp lực chống Pháp. Phó Tổng binh thành Hà Nội là ông Lê Công Chánh được cử vào nam để liên lạc với các nghĩa binh. Ông đến vùng Thất Sơn liên hệ với Ngô Lợi và Nguyễn Xuân Phong để mưu việc khởi nghĩa. Rất tiếc là sau đó ông Lê Công Chánh sa vào tay giặc còn người được cử ra Huế nhận ấn triện bị bắt nên cuộc khởi nghĩa đành gác lại.
Vào những năm 1887 - 1888, những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa thất bại ở các nơi kéo về Thất Sơn rất đông và trở thành mối lo ngại của chính quyền Pháp. Chúng cho mật thám theo dõi và chuẩn bị lực lượng tấn công. Ngày 13-5-1887, chỉ huy quân Pháp là thiếu tá Peignaux cùng đốc phủ Trần Bá Lộc huy động lực lượng với súng ống hiện đại đánh vào làng An Định là căn cứ của quân khởi nghĩa.
Khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã lấy khánh thờ này (theo cách gọi của người Nam bộ) về bảo tàng tỉnh. Tại đây, ông Trần Bá Lộc... leo lên nằm và đột tử. Lời kể này do con ông thuật lại. Sau này, một viên lính canh giữ bảo tàng thấy đẹp nên leo lên nằm và đến sáng thì chết. Khoảng năm 1971 - 1975, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã làm đơn gởi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đòi lại. Tuy nhiên, như ông Ba Lê nói thì Ngô Long Đình thiết kế sắc sảo, khánh thờ được thợ từ vùng chợ Thủ (TP.Long Xuyên bây giờ) thiết kế. Gỗ làm từ cây cam đàn, một loại gỗ quý, làm như kiệu vua, cao hơn hai mét. Là tín ngưỡng nên không ai dám đụng mà chỉ đến gần khấn vái.
Chùa Phi Lai do Đức Bổn Sư đặt đá xây năm 1876. Chùa Tam Bửu xây năm 1881 (là nơi Đức Bổn Sư từng làm việc). Đối diện chùa Phi Lai là ngôi chùa Tam Bửu, tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đây là tự viện danh tiếng, di tích lịch sử cấp quốc gia.
(Còn tiếp) Xem tiếp kỳ (2) tại đây.
AN HÒA - HẢI VĂN

Không có nhận xét nào: