Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Xông đất nhà Phạm Tuấn Huy - HCV toán quốc tế 2013

Xông đất nhà Phạm Tuấn Huy - HCV toán quốc tế 2013
Copy từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/592479/xong-dat-nha-pham-tuan-huy-hcv-toan-quoc-te-2013.html , đăng ngày 05/02/14, mục Giáo Dục.
TT - Chúng tôi đến nhà Huy (lớp 12 toán Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM) theo lời giới thiệu của thầy Nguyễn Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu: “Huy không chỉ giỏi toán mà còn hiểu biết rộng, học giỏi tất cả các môn và chơi đàn piano cũng rất cừ”.
Phạm Tuấn Huy bên các phần thưởng của mình - Ảnh: H.Hương
* Chào Huy, những ngày tết của bạn trôi qua như thế nào?
- Cũng giống như nhiều người khác, tôi cùng gia đình đi thăm họ hàng, xem tivi, đi chơi...
* Vậy chắc không phải học bài?
- Tết mà! Vả lại, tôi học theo kiểu cảm hứng, tức là chỉ học khi nào mình thích. Đã có những lần tôi tự đặt ra một kế hoạch học tập nhưng chỉ sau vài ngày là kế hoạch ấy đổ vỡ... Vậy nên ngay từ bậc tiểu học, ba mẹ đã cho tôi chủ động chứ không kiểm soát, nhắc nhở trong việc học hành.
Bảng thành tích của Huy
- Giải nhất Học sinh giỏi toán cấp thành phố năm lớp 9.
- Thủ khoa đầu vào lớp chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu.
- Huy chương vàng Olympic 30-4 môn toán lớp 10.
- Giải nhất Học sinh giỏi quốc gia môn toán năm lớp 11.
- Huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 2013 tại Colombia.
- Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2013.
Mỗi môn học đều có hay riêng
* Nghe nói ngoài môn toán, bạn còn học giỏi các môn khác, kể cả những môn khoa học xã hội?
- Tôi thích tất cả các môn vì tôi nhận ra mỗi môn học có cái hay riêng. Tôi thích toán, ngoài ra tôi đặc biệt thích môn văn. Môn học này cho tôi cảm xúc mới mẻ, cho mình có cơ hội trình bày chính kiến, suy nghĩ, cho mình thể hiện bản thân... Một số người cho rằng môn toán khô khan nhưng thật ra không phải vậy. Càng đào sâu về nó càng cần liên tưởng, cần nhiều suy luận. Toán có nhiều chi tiết nhưng phải có sự tưởng tượng để liên kết chúng với nhau. Trong khi đó, môn văn cũng phải có logic chứ không thể tự do. Tóm lại là hai môn này có thể bổ sung cho nhau.
* Trong khi nhiều học sinh khác than thở chương trình quá nặng, quá nhiều môn, còn bạn lại thích tất cả các môn học. Chưa kể, một số học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên thường rất ngại học các môn “học bài” như sử, địa. Còn bạn ...?
- Tôi học vì sự tò mò. Mục đích học của tôi là tìm hiểu và làm tăng sự hiểu biết của bản thân chứ không phải học để lấy điểm. Bởi vậy, tôi luôn tạo cho mình một tâm trạng thoải mái trong quá trình học và tôi chỉ ngồi vào bàn học khi tâm trạng của mình thoải mái. Tôi không nghĩ sử, địa là môn học bài mà đó cũng là môn khoa học, không thể chỉ học thuộc lòng. Thường thì tôi học theo ý hoặc đọc qua một lượt cả bài trong sách giáo khoa, lên mạng tìm thêm một số kiến thức liên quan, sau đó rút ra ý chính.
Cứ mỗi cuối tuần, tôi sẽ xem trong tuần sau mình cần phải hoàn thành những bài nào. Những ngày kế tiếp, tôi sẽ chuẩn bị bài theo lời dặn của thầy cô. Riêng môn toán sẽ để lại sau cùng. Gặp những bài toán khó, tôi sẽ không cố gắng ngồi nghĩ cho ra mà để đó rồi đi làm việc khác, có thể chơi đàn, nghe nhạc, lên mạng... Đôi khi tôi tìm ra lời giải trong giờ ra chơi, trong lúc ăn cơm.
Tôi cũng thích có cái riêng của mình
* Bắt đầu từ khi nào bạn phát hiện mình có năng khiếu về toán?
- Hồi năm lớp 6, cô giáo dạy toán cho cả lớp giải một bài toán cần nhiều sự suy luận. Tôi đã làm được bài đó và được cô khen. Sự kiện ấy khiến tôi tự tin hơn và cảm thấy môn toán có nhiều thú vị. Bây giờ, đối với tôi, học toán là một niềm vui. Tôi cũng khá... ham chơi, thời gian rảnh tôi có nhiều thú vui lắm. Một trong những thú vui đó là tự tìm những bài toán (không phải những bài thầy cô giao ở lớp) và tự mày mò tìm cách giải. Làm gì tôi cũng thích có cái riêng của mình. Con người ta sống để khẳng định cái riêng đó - đó là nhu cầu của hầu hết bạn trẻ, trong đó có tôi, chỉ khác là mỗi người có một cách thể hiện riêng mà thôi.
"Năm mới, tôi mong chương trình bậc phổ thông sẽ thay đổi theo hướng gợi mở nhiều hơn, cho học sinh tìm ra hứng thú khi học. Làm sao để mỗi học sinh đi học vì thật sự yêu thích chứ không phải học vì áp lực" - Phạm Tuấn Huy
* Tham dự kỳ thi toán học quốc tế năm 2013 ở Colombia, bạn đã mang về một huy chương vàng. Ngoài ra, còn bài học kinh nghiệm nào nữa?
- Không phải đến khi tham dự kỳ thi toán quốc tế mà ngay từ khi học ở Hà Nội để chuẩn bị đi thi quốc tế, tôi đã nhận ra mình cần phải học hỏi thêm rất nhiều. Kỳ thi toán quốc tế không yêu cầu thí sinh phải có nhiều kiến thức mà yêu cầu sự sáng tạo rất cao. Học sinh VN mình yếu hơn các bạn những nước phương Tây ở chỗ: đề thi có nhiều mảng nội dung lạ, cần sự suy luận, cần sự sáng tạo, mới mẻ, trong khi học sinh VN thì chưa tự tin lắm với mảng này.
* Nếu phải tự nhận xét về mình thì bạn sẽ nói...
- (cười) Tôi là người ít nói, khá nhút nhát nhưng cũng dễ gần. Tôi đang cố gắng thay đổi mình để hạn chế khuyết điểm của bản thân bằng cách tích cực tham gia các hoạt động tập thể ở lớp, ở trường.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

Không có nhận xét nào: