Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Đi tới định mệnh với ‘Những cây cầu ở quận Madison’

Đi tới định mệnh với ‘Những cây cầu ở quận Madison’
Copy từ http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phim/di-toi-dinh-menh-voi-nhung-cay-cau-o-quan-madison-2920085.html , đăng ngày 07/12/13, mục Giải trí.
Được đánh giá là tác phẩm chuyển thể xuất sắc, bộ phim làm sống lại lần nữa tình yêu đời thường nhưng chân thành và cảm động của một cuộc gặp gỡ muộn màng trong đời.
Năm 1992, cuốn tiểu thuyết The Bridges of Madison County (Những cây cầu ở quận Madison) của tác giả Robert James Waller ra đời và trở thành hiện tượng xuất bản tại Mỹ. Chỉ ba năm sau đó, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này xuất hiện trên màn ảnh rộng và tiếp tục thu hút sự chú ý của hàng triệu khán giả.
Clint Eastwood vừa làm đạo diễn vừa đóng vai nam chính bên cạnh nữ chính là Meryl Streep.
Bộ phim lấy bối cảnh những năm 1960 tại miền nông thôn Iowa của nước Mỹ. Francesca đang sống bình yên bên gia đình nhỏ, chăm sóc căn bếp xinh xắn của mình và ngắm nhìn những đứa con lớn lên. Robert Kincaid là một nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa xê dịch, đang thực hiện bộ sưu tập các bức ảnh chụp những chiếc cầu. Họ gặp nhau vào một ngày mùa hè tháng tám. Robert dừng xe trước cổng nhà Francesca để hỏi đường đến cây cầu có mái che nổi tiếng thuộc quận Madison. Từ đó, hai người bắt đầu bốn ngày định mệnh trong cuộc đời.
Nếu có bộ phim nào cần nhiều tinh tế hơn cả để chuyển tải tinh thần của cuốn tiểu thuyết cô đọng như The Bridges of Madison County thì không nghi ngờ gì đó chính là phim của Clint Eastwood. 198 trang cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành 135 phút trên phim không thừa, không thiếu một tình tiết nào.
Từ tiếng nhạc rè rè phát ra trên radio, tiếng côn trùng râm ran giữa mùa hè, tiếng những chú chó sủa vang phá tan buổi trưa yên tĩnh, những bãi ngô xác xơ dưới nắng thắng tám cho đến những con đường bụi tung mịt mù… tất cả gợi nên không khí một miền quê oi ả, nóng bức và cũ kỹ. Cùng với đó, những chi tiết như tiếng đóng cửa bất thình lình của người chồng, căn bếp chật chội và quen thuộc, những bữa cơm kiệm lời mà Francesca chỉ đóng vai trò là người phục vụ… tạo cảm giác về một cuộc sống tẻ nhạt, lạnh lẽo đang bủa vây người phụ nữ mỗi ngày.
Meryl Streep làm nên linh hồn của bộ phim với diễn xuất tinh tế, chuẩn xác và giàu cảm xúc. Trong tạo hình đơn giản với mái tóc búi gọn phía sau, những bộ váy màu nhạt cũ kỹ và ánh mắt bao dung, hồn hậu; Meryl hoá thân hoàn chỉnh vào vai Francesca - người phụ nữ tận tụy, yêu thương của gia đình.
"Những cây cầu ở quận Madison" được đánh giá là một trong những phim tình cảm hay nhất mọi thời đại.
Nhưng Robert Kincaid đã đến và làm dậy sóng những tháng ngày trôi qua trong yên ả, bình lặng của cô. Francesca như lột xác hoàn toàn bằng sự tươi mới của những cảm xúc người đàn ông lạ mang đến. Cuộc gặp gỡ định mệnh đầu tiên của hai người diễn ra không vồn vã nhưng cũng không thiếu kịch tính. Cả hai dường như đều biết sẽ còn có gì đó xảy ra sau câu chuyện hỏi đường nên không giấu được sự ngập ngừng trong từng câu hỏi. “Tôi sẽ chỉ đường cho anh hoặc tôi sẽ đi cùng anh đến đó”. Một mối quan hệ luôn bị dằn vặt bởi những lựa chọn đã bắt đầu khi hai người nhìn thấy nhau.
Clint Eastwood dùng một góc máy hoàn hảo để ghi lại cuộc nói chuyện giữa Francesca và Robert về một miền đất khác và những ước mơ theo tiếng gọi của tự do trên xe. Máy quay đặt bên ngoài khoang xe, thu lại vừa vặn hai nhân vật ngồi bên nhau, chật chội trong từng cử chỉ qua ô cửa nhỏ. Họ chạm vào nhau khi Robert với tay lấy bao thuốc. Francesca nhận ra mình bối rối đến mức hai tay trở nên thừa thãi không biết đặt vào đâu. Những cảm xúc cứ thế đầy dần lên trong những khuôn hình cận cảnh. Những nếp nhăn trên gương mặt Francesca và Robert giãn ra trong một thoáng hình ảnh của tuổi trẻ hiện về.
Trong khi Meryl Streep mong manh và ngọt ngào đến thế trong tình yêu thì Clint Eastwood lại hoá thân xuất sắc trong hình ảnh một người đàn ông phong trần, người nghệ sĩ của tự do. Cách ông nhìn thẳng vào mắt Francesca khi hỏi đường hay cách làm chủ mọi cuộc đối thoại bằng chất giọng nhẹ nhàng, từ tốn đã chinh phục hoàn toàn không chỉ trái tim của Francesca mà còn trái tim của hàng triệu khán giả. Clint Eastwood chứng tỏ mình hiểu thấu các nhân vật đến đâu khi tự vào vai nhiếp ảnh gia tự do và phối hợp ăn ý với Meryl Streep suốt cả câu chuyện.
Cũng như hầu hết bộ phim khác mang phong cách của đạo diễn tài hoa này, The Bridges of Madison County không thể thiếu những mâu thuẫn, xung đột. Hai người đàn ông - một người luôn làm Francesca giật mình bởi những tiếng đập cửa, một người luôn biết cách xoay tay nắm nhẹ nhàng và khép cửa từ tốn. Không gian của căn bếp nhỏ, của buồng lái xe cũng trở thành một đối cực đầy dụng ý khác với những cánh đồng tít tắp được quay ngoại cảnh, tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Một khoảnh khắc đáng nhớ của hai nhân vật Francesca và Robert.
Tuy nhiên, xung đột chính trên tất cả những yếu tố mâu thuẫn, đối lập ấy chính là nội tâm giằng xé của Francesca - người phụ nữ luôn cảm thấy cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Cô vẫn say sưa kể về vùng đất xinh đẹp nơi miền quê Italy, vẫn khao khát những chuyến đi, vẫn biết cách mua cho mình bộ váy mới trong buổi hẹn hò, vẫn muốn yêu và được yêu như thời còn con gái. Nhưng mặt khác, căn bếp nhỏ và những đứa con vẫn níu chân cô lại nơi đây. Bốn ngày ngắn ngủi được sống trong hạnh phúc bên Robert cũng là bốn ngày cô phải đấu tranh tư tưởng để đưa ra quyết định của mình.
Vứt bỏ tất cả để sống nốt giấc mơ thời thiếu nữ, để tận hưởng trọn vẹn những dư vị ngọt ngào của tình yêu hay hy sinh bản thân mình để làm tròn trách nhiệm với người chồng và những đứa con? Đã có lúc tình yêu đối với Robert đủ mãnh liệt khiến Francesca nghĩ rằng cô sẽ theo anh.
Nhưng sau cùng, bản năng đàn bà với thiên chức làm mẹ và ý thức về danh dự cá nhân giữa một xã hội định kiến trong cô đã chiến thắng. Cuộc chia tay của họ chỉ nhanh gọn trong một ánh nhìn vài giây khi hai chiếc xe chờ đèn đỏ dưới cơn mưa. Không một lời từ biệt hay hứa hẹn nào được nói ra. Phải chăng cũng chính vì thế mà mối tình ấy chưa bao giờ kết thúc?
Mỗi nhân vật với từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói đã trở nên sinh động và gần gũi trên màn ảnh như khi ta đưa tay lật giở những trang sách. Giản dị nhưng hoàn hảo và vừa vặn đến từng góc máy, từng khuôn hình, từng lời thoại - đó là cách Clint Eastwood đã kể lại câu chuyện tình khó quên theo cách của mình. Cũng như Robert sinh ra để gặp được Francesca, Meryl Streep với khả năng làm chủ cảm xúc cùng lối diễn xuất tinh tế đã chứng minh cô sinh ra để dành cho “những cây cầu ở quận Madison”.
Anh Mai
Clint Eastwood: Ngày sinh: 31/5/1930;Nơi sinh: San Francisco, California. Đầu năm 2006, người nghệ sĩ gạo cội này đã vinh dự nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời, ghi danh vào tổng số hơn 30 đạo diễn do DGA từng trao tặng. Bên cạnh những cái tên “cổ thụ” như Alfred Hitchcock hay Steven Spielberg, Clint Eastwood nổi lên như một hình tượng đầy cá tính trên màn ảnh và vô cùng giản dị trong đời sống.
Meryl Streep: Ngày sinh: 22/6/1949; Nơi sinh: Summit, New Jersey.
Cha là một nhân viên trong một công ty thuộc ngành dược và mẹ là một nghệ sĩ quảng cáo . Meryl có hai em trai là Harry và Dana , đã từng di cư đến Basking Ridge , sau đó chuyển đến Bernardsville , nơi tập trung đông cộng đồng dân cư giàu có ở New Yersey .
Robert Kincaid chụp ảnh Francesca trên cầu Cedar.
Năm 14 tuổi , cô đã hiểu thấu bản chất của mình , cô đã từ chối đeo hàm răng giả và nhuộm tóc vàng. Suốt mùa bóng năm đó , Meryl hát trong đội hợp xướng , làm việc trong toà soạn báo chí của trường và tất nhiên trở nên nổi bật hơn hết trong lễ tốt nghiệp của chính cô. Cô bắt đầu diễn xuất trong trường tại Bernarssville với vai đầu tiên trong"Li'l Abner " và "Oklahoma" Cô cùng đã hoàn tất 3 năm học kịch nghệ của trường , tốt nghiệp năm 1975. Sau đó , Meryl đóng vai Helene trong "Amidsummer's Night Dream", Bertha bị ràng buộc trong "The Father "của Strindberg , "Happy End" của Hallenkjah Lil.
Streep đến New York năm 1975, Sau thành công ban đầu với "in "Trelawney of the Wells" , Meryl thử giọng cho hai nhà sản xuất của rạp Phoenix , cô có được vai diễn trong""27 Wagons full of Cotton" của Tenesse William và "A Memory of Two Mondays" của Arthur Miller. Meryl còn sánh vai cùng Lithgow và Hurt trong xuất phẩm kế tiếp của Phoenix "Secret Service".
Suốt những năm gian khổ, cái chết của vị hôn phu năm 1978 , Meryl làm việc cho đài NBC , "Holocaust", một câu chuyện dài xúc động người xem toàn thế giới , nó giúp Meryl trở nên nổi tiếng trong đêm đó. Với vai diễn trong Inga Helms Weib , Meryl có giải thưởng Emmy vào năm 1979.Micheal Cimino đã chọn cô vào bộ phim gây tranh cãi của ông "The Deer Hunter" , cô diễn vai Linda , người tình của một tướng Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Vai diễn của Meryl nhận được sự khen ngợi của các nhà phê bình điện ảnh , nó giúp cô trở thành nữ diễn viên trẻ nhiều hứa hẹn của điện ảnh những năm cuối của thập kỉ 70 .Và được môi giới công nhận với đề cử Quả Cầu Vàng , Oscar đầu tiên năm 1979.
"Silkwood" năm 1983 được khen thưởng nồng nhiệt , lại một đề cử Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất cho Meryl Streep .Sau khi hợp tác với Robert De Niro trong " Falling in Love ", vai chính trong "Plenty" của Fred Schepisi, được chiếu tại Pháp và Mỹ. Năm 1985 , Meryl nhận vai Karen Blixen trong cuốn sách "Out of Africa" của cô , được đạo diễn bởi Sydney Pollack .bộ phim được biết đến như một trong những chuyện tình tuyệt vời nhất trong lịch sử điện ảnh . Meryl một lần nữa thể hiện tài năng xuất chúng của mình nhưng ko có tên trong danh sách đề cử oscar ==>> một nhầm lẫn mà viện hàn lâm bị cả thế giới công nhận.
Các phim như "Before and After", "Marvin’s Room", "Dancing at Lughnasa"và bộ phim xúc động "One True Thing"...Năm 1997 , cô có phim "...Frist Do No Harm ", làm cho truyền hình . Sau đó là phim "Music of My Heart" , vai diễn của Meryl Streep trong phim giúp cô có đề cử Oscar lần thứ 12 , ngang bằng với huyền thoại Katherine Hepburn cho số lần đề cử nhiều nhất trong lịch sử giải Acamedy Award.
Cô đóng vai Clarissa Vauginn , một biên tập đang dự định làm một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng của người bạn cô trong "The Hours", được đề cử Oscar thứ 13 . "Adaptiation "của Spike Jonze , Meryl thủ vai tác giả Susan Orlean , với diễn xuất thật tinh tế , mang lại cho Meryl Streep đề cử lần thứ 14 , một con số khổng lồ đã làm nên huyền thoại Meryl Streep trong lịch sử điện ảnh thế giới , vượt qua huyền thoại một thời Katherine Hepburn.
Năm 2003 , là năm mà những giải thưởng vàng luôn thuộc về cô : giải Ce'sar , giải Sư Tử Vàng tại Berlin Film Festival ...Meryl đã trở lại và dẫn đầu cuộc chơi của mình , bằng chứng là các giải thưởng Quả Cầu Vàng , giải Thành Tựu Sự Nghiệp suốt đời cũng như giải thưởng nữ chính trong giải phim truyền hình hay những series ngắn năm 2004!!!
Meryl Streep đã giành được tổng cộng 3 giải Oscar, 8 giải Quả cầu vàng, 3 giải của Hội phê bình phim New York, 1 giải Cannes, 2 giải SAG, 1 giải Tony, 2 giải Emmy, 2 giải BAFTA cùng bốn đề cử Grammy. Tính đến nay, Meryl Streep đã được đề cử giải Oscar 17 lần và Quả cầu vàng 22 lần, đạt kỷ lục nhiều nhất của cả 2 giải thưởng. Meryl Streep còn là một trong số ít điễn viên đã đoạt đủ bốn giải thưởng diễn xuất lớn là Oscar, Quả cầu vàng, SAG và BAFTA.

Không có nhận xét nào: