Tiếng nước tôi: Cái lý, cái lẽ của tiếng nước ta
TTO - Không theo "ngôn ngữ giáo trình", cuốn sách Triết lý tiếng Việt vừa ra mắt bạn đọc là một cuộc trò chuyện khoa học, hấp dẫn và bất ngờ, lý thú và đặc sắc.
Đã từng có vô số những "phát hiện" từ trong dân dã khi trà dư tửu hậu cho đến lúc luận bàn học thuật... về những thứ "rõ ràng là phi lý" trong tiếng ta kèm theo một "thái độ hoài nghi" và những "âm mưu chỉnh sửa":
Vì sao nói "ra Bắc vào Nam" mà lại không thấy ai nói "vào Bắc ra Nam"?
Vì sao nói "đầu đuôi câu chuyện", nào phải trâu bò rắn rết mà lại có đầu có đuôi?
Vì sao nói "mẹ tròn con vuông" và "con ông cháu cha", "cao chạy xa bay" và "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", có thấy ngược ngạo không?
Vì sao nói "cầu thủ ra sân thi đấu" cũng đồng nghĩa với "cầu thủ vào sân thi đấu"?
Vì sao nói "thuyền chạy trên sông" cũng được mà nói "thuyền chạy dưới sông" cũng xuôi?
Cuộc nhận diện bản sắc Việt
Triết lý tiếng Việt (NXB Trẻ) là cuộc "chưng cất" công phu và trí tuệ từ 50 năm nghiên cứu và chiêm nghiệm về tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Đức Dân.
Dựa trên một khối lượng ngữ liệu đồ sộ, có đối chiếu sát hợp với một số ngôn ngữ khác và một hệ thống phương pháp phân tích khoa học, sách nhằm giải đáp hàng loạt các câu hỏi về những cách nói năng của dân ta, xứ ta, mới nghe qua tưởng như hết sức phức tạp và rối rắm, thậm chí "vô lý, ngược đời, thiếu logic", để từ đó tổng kết và tìm ra "cái lý của tiếng Việt", để khái quát nên "những quy luật nhận thức", "những nguyên lý trong tâm trí của người Việt".
Một công trình giá trị góp vào cuộc nhận diện chiều sâu của bản sắc văn hóa Việt Nam!
Bởi "ngôn ngữ là chỉ dẫn cho hiện thực xã hội" (E. Sapir), cho nên, "mỗi ngôn ngữ có riêng một logic siêu hình để miêu tả lại thực tại thế giới theo cách nhìn của dân tộc mình..." (L. Whorf).
Qua tác phẩm, GS Nguyễn Đức Dân mang đến "một cái nhìn về thế giới, phân cắt thế giới theo cách khác nhau và thể hiện ra thành cơ chế ngôn ngữ" của tiếng nước ta - một thứ tiếng mà ta vẫn đang nghĩ, đang nghe, đang nói và viết hằng ngày nhưng mấy khi nhận diện được cái "logic siêu hình" vốn đã nằm sâu trong tâm trí mỗi người.
Thêm yêu tiếng ta, nước ta
Chúng ta sẽ nhận ra rằng, người Việt dùng bụng, và những bộ phận chứa trong bụng - lòng, dạ, ruột, gan, để biểu hiện cho các phạm trù tinh thần (tư duy, tâm lý, tình cảm, ý chí...): nghĩ bụng, nóng lòng, sốt ruột, sáng dạ, bền gan, hởi lòng hởi dạ, ứa gan lộn ruột, nhẹ dạ cả tin, khác máu tanh lòng, sống để dạ chết mang đi, tôi tin rằng bạn không có bụng dạ gì khác...
Người Việt sống có tôn ti, nên ăn nói cũng có tôn ti. Khi cấu tạo từ ngữ, yếu tố quan trọng được xếp trước: bộ thứ trưởng, chánh phó giám đốc, nước công nông nghiệp hiện đại, huyện nông công nghiệp hiện đại...
Cái gì lớn xếp trước: nhà cửa, giường chiếu, bàn ghế, sông ngòi, tôm tép... Cái gì trước xếp trước: sáng sớm, sáng trưa, chiều tối, tối khuya, sớm muộn... Nguyên nhân xếp trước: nghèo hèn, giàu sang, quyền lực, đổ vỡ, ghen ghét...
Với điểm nhìn trong phát ngôn và những quan hệ không gian (trong - ngoài/ trên - dưới/ trước - sau): người Việt luôn lấy mình làm trung tâm để nhận thức vũ trụ trong mối quan hệ chuyển dịch giữa đối tượng và điểm nhìn, giữa không gian và thời gian.
Cho nên: Cà phê mang về = Cà phê mang đi, Trẻ em đang chơi ngoài sân = Trẻ em đang chơi trong sân, Hãy đặt túi xách lên bàn = Hãy đặt túi xách xuống bàn... Do đó: lên lão, lên lương, bị giáng chức, xuống chiếu dưới, ra thủ đô, xin vào Đảng, lên trên này phát biểu...
Trong thành ngữ và tục ngữ: người Việt dùng nghĩa biểu trưng thay cho nghĩa đen/ nghĩa thực, tạo nghĩa biểu trưng bằng cách dùng cặp đôi hai đối tượng để nói lên điều khái quát: ăn gió nằm sương, xương đồng da sắt, phượng chạ loan chung, tai bay vạ gió, đầu chày đít thớt, con rô cũng tiếc con diếc cũng muốn, lòng vả cũng như lòng sung, chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng...
Hoặc dùng hai cực phạm trù để biểu trưng cho cái tổng thể, cái toàn bộ, cái tuyệt đối: có đầu có đuôi, thượng vàng hạ cám, dù ai đi ngược về xuôi, xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài yên, con vua vua dấu con châu chấu châu chấu yêu...
Hoặc so sánh từ sự kết hợp hai phạm trù khác nhau: Phép vua thua lệ làng (khoảng cách > quyền uy), Bán anh em xa mua láng giềng gần (khoảng cách > họ hàng), Giọt máu đào hơn ao nước lã (huyết thống > số lượng), Thà vô sự mà ăn cơm hẩm còn hơn đeo bệnh mà uống sâm nhung (sức khỏe > của cải)...
Xác đáng và thuyết phục, cụ thể và hữu ích, sách giúp cho chúng ta hiểu biết tiếng Việt hơn, yêu quý tiếng Việt hơn, để càng cố gắng trau dồi tiếng Việt, giữ gìn và phát huy giá trị Việt.
Triết lý tiếng Việt nhất định sẽ góp mặt xứng đáng trong thư mục của các ngành khoa học về tiếng Việt, về người Việt, về văn hóa Việt.
Nước - một từ đặc Việt
Bàn về từ nước trong tiếng Việt, tác giả dẫn tên người, tên đất như: Hà Nội, Hải Dương, Bến Thành, Vũng Liêm, Vàm Cỏ, Cửa Tùng, Láng Thượng, Bàu Cò...
Có cách dùng trực tiếp (có chữ nước): con nước, nước cờ, mách nước, nói nước đôi, chạy nước rút, ngựa phi nước đại, đường đi nước bước, lạ nước lạ cái, tức nước vỡ bờ, làm đến nước ấy là cùng...
Và cách dùng dựa vào sự chuyển nghĩa với những ẩn dụ có liên quan đến chuyển động của nước, của hoạt động trên sông nước: trăng lặn, dòng thời gian, cầu truyền hình, làn sóng đấu tranh, cuộc đời sóng gió, của chìm của nổi, cạn tình cạn nghĩa, lặn lội bên trời Tây, câu pháo vào trận địa, ngập đầu trong đống giấy tờ, vụ bê bối này chìm xuồng mất rồi...
Đặc biệt, theo GS Nguyễn Đức Dân, chỉ có nước ta mới dùng nước để gọi quê hương, cộng đồng, quốc gia: làng nước, nước nhà, nước non, giang sơn, non sông, đất nước...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét