Tẩy xóa lịch sử
Những gì diễn ra trong quá khứ, phản ánh đúng lịch sử của thời điểm đó, có cần phải được tẩy xóa cho khớp với diễn biến mới của thực tại?
Tượng trùm buôn nô lệ Robert Milligan từng được đặt bên ngoài Bảo tàng London Docklands đã bị gỡ bỏ. Ảnh: Shutterstock |
“Nền cộng hòa sẽ không tẩy xóa bất kỳ dấu vết, hay bất cứ cái tên nào, trong lịch sử… [cũng như] sẽ không hạ bất kỳ tượng đài nào” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hôm 14-6, khi lần đầu tiên phát biểu về phong trào phản đối bất bình đẳng chủng tộc lan rộng sau khi người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát da trắng ghì cổ tới chết ở Mỹ.
Ông Macron khẳng định kiên quyết chống lại phân biệt chủng tộc, song nhấn mạnh Pháp sẽ không dỡ bỏ tượng các nhân vật gắn với việc buôn bán nô lệ hay xâm chiếm thuộc địa của nước này trong quá khứ. Lập trường được đưa ra khi tượng các nhân vật gắn với nạn phân biệt chủng tộc, gồm cả tượng nhà thám hiểm Christopher Columbus, bị bêu đầu, giật sập, xịt sơn phá hoại ở Mỹ, Anh và nhiều nơi khác.
Ngoài hạ tượng, phong trào đấu tranh Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng quan trọng) còn tạo áp lực với các tác phẩm nghệ thuật có chủ đề phân biệt chủng tộc, sở hữu nô lệ. HBO Max phải tạm gỡ bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió khỏi nền tảng phát trực tuyến (streaming) của mình, hứa hẹn sẽ phát lại kèm theo thông điệp nói rõ bối cảnh lịch sử và lên án nạn sở hữu nô lệ. Bộ phim này bị cho là không chỉ phớt lờ nỗi kinh hoàng của nô lệ mà còn tiếp diễn những định kiến đau thương về người da màu.
Amazon cũng cân nhắc gỡ series phim truyền hình thập niên 1980 Dukes of Hazzard khỏi nền tảng streaming miễn phí IMDb TV vì chiếc xe hơi của nhân vật chính có in cờ của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, đồng nghĩa với quá khứ phân biệt chủng tộc và sở hữu nô lệ ở Mỹ.
Mọi thứ còn đi xa hơn khi Github, trang để lập trình viên chia sẻ mã nguồn, làm việc chung trong các dự án, hôm 15-6 còn tuyên bố sẽ thay đổi cách dùng thuật ngữ master branch (thư mục chứa mã nguồn chính), để tránh liên tưởng đến quan hệ chủ nô (master-slave). Hành động dù được ủng hộ song cũng khiến nhiều người ngạc nhiên, do lẽ master ở đây có nghĩa “chính” trong “chính-phụ”, chứ chẳng phải chủ tớ gì cả.
Amol Rajan, biên tập viên của BBC, cho rằng vấn đề không phải ở từng bộ phim đơn lẻ mà là “chúng ta có nên phán xét lịch sử dựa trên tiêu chuẩn đương thời, ngay cả khi hiểu rằng cái đương thời của ta còn đang gây tranh cãi, có thể thay đổi và cũng sẽ sớm trở thành lịch sử?”. Vấn đề là, có phải mọi thứ đã đi quá xa?
Lý lẽ của những người ủng hộ, theo The Guardian, là “gỡ bỏ những thứ tụng ca phân biệt chủng tộc không phải là tẩy xóa lịch sử mà là bắt lịch sử có trách nhiệm”. Nhà văn và nhà thơ da màu người Anh Lemn Sissay ủng hộ việc gỡ phim, hạ tượng vì tin rằng những tác phẩm nghệ thuật hay công trình điêu khắc đó “chứa giữ các giá trị phân biệt chủng tộc lẽ ra không nên được dung thứ”.
Trong khi đó, hai tác giả Ayesha Hazarika và Sathnam Sanghera đã dùng từ panic-erasing - tức hành động trong hoảng loạn, giống như hiện tượng panic-buying, mua đồ tích trữ vô tội vạ trong hoảng loạn thời kỳ đầu COVID - để mô tả việc xóa hàng loạt bộ phim, chương trình truyền hình cũ ra khỏi các nền tảng streaming vì bị dán nhãn phân biệt chủng tộc.
Theo The Guardian, cả hai đều cho rằng hành động “truy kiểm duyệt” (retrospective censorship) hay phong trào xét lại này tưởng là đòi công bằng cho nghệ sĩ da màu, nhưng thật đã chệch mục tiêu chính là làm sao để người thuộc cộng đồng sắc tộc thiểu số có thể tham gia sâu và rộng hơn vào ngành điện ảnh - truyền hình. “Việc này thật ngu ngốc và sẽ khiến những mối quan tâm sâu sắc hơn về Black Lives Matter trông giống như chỉ để cho đúng đắn về mặt chính trị” - Sanghera, tác giả quyển sách về di sản đế quốc của Anh sẽ ra mắt vào năm sau, nhận xét.
Dỡ bỏ các bức tượng hay xóa nội dung phân biệt chủng tộc khỏi các trang streaming cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng chứ không thực sự xóa chúng khỏi lịch sử. Ai cũng có thể xem Cuốn theo chiều gió ở nhiều kênh khác chứ không nhất thiết phải xem với thông điệp “bổ sung ngữ cảnh” trên HBO.
“Chúng ta đều biết những phim, những tượng đó có tồn tại và hiểu rằng chúng đại diện cho những thời điểm khác nhau, vậy tại sao lại nhìn chúng theo cách thiếu suy xét như vậy?” - tác giả Tom Wrobleski viết trên tờ Staten Island Advance.
Thay vì xóa sổ tượng, Wrobleski cho rằng chỉ cần gắn thêm tấm biển, giải thích lịch sử và thái độ đối với “đương sự” được tạc tượng đã thay đổi thế nào từ khi nó được dựng lên so với đương thời. “Hãy dạy lịch sử chứ đừng phá hủy nó” - Wrobleski kết luận.■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét