Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Ngỗng Canada và Điên điển Việt

Ngỗng Canada và Điên điển Việt

  • BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THẾ DŨNG
  • https://cuoituan.tuoitre.vn/... đăng ngày 11.07.2020, 09:00.

TTCT - Dịch COVID-19 khiến tôi bị “chôn chân” ở Canada mấy tháng liền, chưa biết ngày nào mới quay về được Việt Nam. Những ngày lang thang ở xứ Calgary, bỗng dưng tôi nghĩ nhiều về hai loài thủy cầm ở đây và ở xứ mình: ngỗng và điên điển…

Ngỗng Canada và Điên điển Việt
Hai chú ngỗng Canada quần thảo với nhau nhằm chiếm con mái

Cả hai giống nhau một điểm, đó là sự chung thủy và không biết sợ bất cứ loài nào khi cần bảo vệ con. Nhưng, một đằng thì được bảo vệ nghiêm ngặt, một đằng thì nơm nớp bị ra chợ động vật hoang dã!

Chung thủy

Trong số các loại thủy cầm Bắc Mỹ, tôi đặc biệt ấn tượng về loài ngỗng Canada (The Canada goose, tên khoa học là Branta canadensis). Ngoài đặc tính phi thường của loài chim thiên di hằng năm, mùa đông bay xuống phía nam để tránh cái lạnh khắc nghiệt và trở về vào mùa xuân ấm áp, loài này còn được biết vì sự chung thủy tuyệt đối và tình mẫu tử vô bờ bến.

Ngỗng Canada là loại chim lớn, tuổi thọ có thể lên tới 24 năm. Chúng nặng từ 3,2 - 6,5kg, độ dài sải cánh trung bình hơn 120cm. Con trống và con mái giống hệt nhau từ hình dáng, bộ lông nâu xám, cho tới mảng trắng như quai nón giữa cái đầu và chiếc cổ mảnh khảnh...

Con trống thường nặng cân hơn, tiếng kêu có phần chói tai hơn con mái. Đẹp nhất là khi chúng bay, đầu cổ vươn thẳng ra phía trước, đôi chân gập duỗi ra phía sau, hai cánh đập mạnh hùng dũng.

Khi được 2 tuổi, chúng bắt đầu trưởng thành, con trống khoe mẽ và thể hiện sức mạnh, sẵn sàng đánh nhau với con trống khác nhằm chinh phục con mái. Tôi đã chứng kiến cuộc đấu giữa hai con trống, chúng lao vào nhau quần thảo cả tiếng đồng hồ, làm náo loạn cả sân chim.

Sau trận đấu, kẻ chiến thắng và “giai nhân” bắt đầu kết đôi, ngày ngày bay chung một hướng, kiếm ăn cùng một chỗ, khắng khít như hình với bóng. Ngỗng mái đẻ mỗi lứa từ 2 - 9 trứng, sau đó cả đôi thay nhau ấp trong khoảng 28 ngày thì trứng nở.

Nhiều người dân bản xứ nói với tôi rằng, nếu chẳng may một con chết trước, con còn lại sẽ sống trong nỗi cô đơn đến cuối cuộc đời. Tôi đã thấy những con ngỗng trưởng thành nhưng lẻ bạn sống tách biệt, lủi thủi một mình bên góc hồ hoặc thơ thẩn, tư lự trên đồng cỏ yên vắng. Khi hoàng hôn dần buông, nó cất lên những tiếng kêu ai oán khiến một người Việt như tôi nao lòng mà nghĩ tới câu chuyện Hòn vọng phu!

Câu chuyện chung thủy của loài ngỗng Canada khiến tôi nhớ đến loài chim cổ rắn, còn gọi là điên điển phương Đông (tên khoa học là Anhinga melanogaster). Năm nào đến mùa nước nổi ở ĐBSCL tôi cũng lặn lội vào tràm chim Tam Nông để vừa tiền trạm cho một mùa du lịch miền sông nước, vừa chiêm ngưỡng nó. Điên điển có cái cổ dài luôn ngúc ngoắc như cổ rắn, mỗi khi nó sải cánh từ trên ngọn cây lao xuống hồ ao ngụp lặn săn bắt cá, dáng vẻ vô cùng hùng dũng.

Chim cổ rắn cũng có mối quan hệ một vợ một chồng, các kiểm lâm cho biết khi một con chẳng may chết, con còn lại ở vậy. Điên điển mỗi lần sinh được 2 - 6 trứng, chim bố chim mẹ thay nhau ấp trong vòng 26 - 30 ngày. Mùa sinh sản của Điên điển vào tháng 8 - cũng là mùa nước lũ ở Nam bộ vốn mang theo phù sa cùng nhiều tôm cá tràn vào đồng ruộng, thuận lợi cho chúng tìm thức ăn nuôi con kéo dài ít nhất 6 tuần.

Ngỗng Canada và Điên điển Việt
Vào mùa sinh sản, những cuộc huyết chiến xảy ra khi ngỗng phát hiện kẻ lạ mon men gần tổ của mình.

Sẵn sàng chết vì con

Trong giai đoạn ấp trứng và chăm con cho đến khi chúng biết bay, cha mẹ ngỗng Canada lẫn điên điển trở nên hung dữ khác thường. Chúng sẵn sàng lao vào đuổi đánh, la quang quác từ xa bất kể đối tượng nào, kể cả đó là loài thú dữ to xác, nếu dám bén mảng đến lãnh địa hoặc tới gần đàn con của nó.

Đã từng có con ngỗng hùng hồn tử chiến với đại bàng đầu trắng - một loài chim săn mồi chuyên gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các loài động vật bản địa vào mùa nằm ổ. Con đại bàng cuối cùng phải thối lui. Có khá nhiều trận đánh đuổi kẻ thù như quạ đen, đại bàng rình rập phá ổ ngỗng như vậy, vì vậy có ngày tôi mục kích đôi vợ chồng ngỗng thay nhau chiến đấu đến 5, 6 trận.

Điên điển, tuy là dân “máu mặt” nhưng lại sống khá hòa hợp với các loài chim khác. Chúng thường làm tổ ở chạc đôi, chạc ba tầng cao nhất ngọn cây, còn cồng cộc, diệc xám, các loại cò chia nhau nằm tầng thấp như một quy ước. Chỉ vào mùa sinh sản ấp trứng, nuôi con, chúng mới hung dữ lạ thường. Chỉ cần xa xa xuất hiện bóng dáng chim cắt, diều hâu là chúng lao vút lên như máy bay chiến đấu để đánh đuổi kẻ thù.

Khi bầy con lớn, suốt ngày chúng vươn cổ, há mỏ kêu gào đòi ăn liên tục. Theo dõi điên điển bố mẹ giai đoạn này mới thấy khâm phục. Hầu như suốt ngày chim bố chim mẹ săn mồi không nghỉ để nuôi đàn con háu đói. Lông của chúng không kịp khô vì phải lao mình xuống nước liên tục để săn cá.

Ngỗng Canada và Điên điển Việt
Chim cổ rắn và bầy con.

Số phận không giống nhau

Số phận của ngỗng Canada và điên điển không giống nhau. Những ai hay đi về miệt sông nước ĐBSCL hẳn đều biết những chợ chim hoang dã tại Thạnh Hóa (Long An), chợ Ngã Bảy (Hậu Giang)... nơi người ta mua được đủ thứ, kể cả điên điển.

Cách đây vài tháng, tôi theo dõi báo chí thấy có một chiến dịch lên án chợ Thạnh Hóa, nhưng kết cục thì đâu vẫn hoàn đấy!? Dù Việt Nam có luật bảo vệ động vật hoang dã, luật cũng khá là nghiêm khắc (trên giấy), song thực tế thì gần như bị vô hiệu...

Trong khi đó, ở Canada, ngỗng nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung an nhiên sống cạnh con người. Giết hại trái phép một con ngỗng Canada có thể bị ra tòa, phạt tiền lên đến 25.000 đôla Canada và có thể ngồi tù.

Luật nghiêm khắc và thực thi nghiêm túc, nên mới có chuyện thường thấy là vào mùa sinh sản, có những cặp ngỗng bay đến làm tổ ngay trong bồn trồng hoa trước tòa thị chính thành phố Calgary. Biết là rất nguy hiểm khi chúng có thể tấn công bất cứ ai vô tình đến gần, đặc biệt là với trẻ con, nhưng chỉ có một giải pháp duy nhất là rào chắn phần diện tích lối ra vào nhằm bảo vệ an toàn cho khách đi lại mà không làm xáo trộn sinh hoạt của bọn ngỗng.

Chỉ khi ngỗng sinh sôi quá nhiều, chính quyền mới cho phép săn bắn nhưng việc này được kiểm soát rất gắt gao về số lượng được bắn, tuyệt đối cấm phá hủy tổ chim, làm ảnh hưởng đến chim non. Giấy phép săn ngỗng được bốc thăm, người trúng phải đóng một khoản tiền không nhỏ cho việc bảo vệ trở lại đàn ngỗng.

Sự nghiêm minh của luật pháp cộng với chuyện thực thi hiệu quả, cùng một nền giáo dục hữu hiệu đã giúp người Canada có được nhận thức đúng về chuyện bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Và chính điều này góp phần đưa Canada thành “cường quốc du lịch”, thu hút nhiều du khách trên thế giới tìm đến khám phá, thưởng ngoạn.

Trong khi đó, nhiều loài chim quý chúng ta đang ngày càng ít đi, thậm chí bỏ xứ mà đi như sếu đầu đỏ. Con chim điên điển, vài mươi năm trước, nào chỉ có ở Tam Nông (Đồng Tháp) mà ở Trà Sư (An Giang) cũng có rất nhiều.

Nhưng giờ thì không dễ thấy nó, nếu không vào tận vùng lõi - nơi không khuyến khích phát triển du lịch. Một cách làm đúng và tận tâm rất có thể sẽ giúp điên điển nói riêng, động vật hoang dã nói chung trở thành sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhưng không biết mai này ta có còn gì mà chiêm ngưỡng...

Không có nhận xét nào: