Tây Nguyên: Dân khốn khổ vì thời tiết cực đoan
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) Đắk Lắk thông tin: Từ đầu năm 2020 đến nay, lốc xoáy liên tục xuất hiện ở một số địa phương khiến hơn 100 căn nhà kiên cố hư hỏng; 1 người tử vong; hơn 10 trường học bị tàn phá phòng ốc... Theo Đài Khí tượng và Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Hơn 2 tháng qua, Gia Lai liên tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc làm khoảng 300 nhà dân bị tốc mái, gãy đổ gần 70 trụ điện... ước tính thiệt hại hơn 4 tỉ đồng... Do thời tiết cực đoan, nhiều người dân Tây Nguyên lâm cảnh “màn trời chiếu đất”...
Cuồng phong tàn phá khắp vùng
Đầu tháng 6.2020, một cơn lốc xoáy kèm sấm sét bỗng dưng xuất hiện ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã làm một người tử vong ngay tại chỗ, một loạt nhà của bà con ở các vùng lân cận bị san bằng. Chính quyền địa phương phải điều động Đoàn thanh niên, lực lượng dân quân tự vệ đến hỗ trợ, giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Tại huyện Đắk Song (Đắk Nông), ít ngày trước cũng vừa xảy ra một trận mưa đá kèm giông lốc kéo dài khoảng 1 tiếng, hơn 40ha hồ tiêu, càphê bị thiệt hại, nhiều nhà dân bị tốc mái.
Những năm gần đây, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân ở Tây Nguyên liên tục phải gánh chịu những đợt lốc xoáy kèm theo mưa lớn cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Nhà cửa của bà con ở những nơi vùng sâu, vùng xa đa phần kém chắc chắn, được dựng tạm bợ để che mưa tránh nắng nên chẳng thể chống chịu nổi một trận mưa lớn kèm gió giật mạnh.
Nhiều người tâm sự, mỗi khi có mưa lớn kèm giông lốc vì nhà cửa thiếu kiên cố nên phải di chuyển sang nhà hàng xóm (xây chắc chắn hơn) để lánh nạn, giữ tính mạng trước còn tài sản có thể cần cù lao động gây dựng lại sau. Chính quyền các địa phương chỉ có thể can thiệp giúp bà con khắc phục thiệt hại, tránh lâm vào cảnh ‘’màn trời chiếu đất’’ chứ khó có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ. Việc cảnh báo sớm thiên tai xảy ra cũng chỉ có thể giảm thiểu mất mát về người và của.
Còn nhớ hồi giữa năm 2019, một cơn lốc xoáy cực mạnh quét qua các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah... huyện Krông Pa (Gia Lai), 70 căn nhà của người dân ngay lập tức bị san bằng, tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng, rất may không có người tử vong. Giữa nắng nóng khốc liệt 40 độ C ở ‘’chảo lửa’’ Krông Pa, cán bộ thôn cùng người dân hối hả dựng lại nhà cửa. Trên khuôn mặt của bà con lộ rõ mệt mỏi, bất an.
Mưa đá, giông lốc với cường độ mạnh cũng khiến 15 nhà dân ở tỉnh Kon Tum bị tốc mái, hư hỏng nặng nhiều công trình văn hóa; ước tính hơn 50ha lúa nước và cây công nghiệp bị hư hại, hàng chục cột điện bị gió lớn đốn hạ.
Khẩn cấp ứng phó
Ông Nguyễn Văn Huấn - Phụ trách Phòng dự báo Khí tượng Thủy văn - Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây Nguyên cho biết, năm nay thiên tai sẽ khắc nghiệt hơn mọi năm. Do khô hạn, liên kết đất đá ở vùng núi bị dễ đứt gãy, khi mưa lớn đổ xuống sẽ dễ xảy ra sạt lở đất trên diện rộng. Nhiều khu vực rừng bị tàn phá, lượng mưa từ thượng nguồn đổ về lớn sẽ gây ra hiện tượng lũ ống, lũ quét, người dân sống gần sông suối, hồ đập cần sớm đề phòng, di chuyển lên nơi cao ráo khi cần thiết.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa giông, mưa đá, lốc xoáy… để triển khai các kịch bản ứng phó. Khi có thiên tai, chính quyền cơ sở cần kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình, nhà cửa, trường học không đảm bảo an toàn.
Nếu nhà cửa của người dân hay Nhà nước bị mưa bão gây thiệt hại, lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ phải chủ động ứng cứu, sửa chữa lại, đảm bảo đời sống và sản xuất cho người dân. Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm y tế tuyến huyện, xã sẵn sàng công tác sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho người dân vùng thiên tai. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai lên kịch bản ứng phó với mưa bão, báo cáo tình hình thiệt hại thường xuyên cho tỉnh để có biện pháp ứng cứu kịp thời và khẩn cấp.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Chánh Văn phòng - BCH PCTT và TKCN Đắk Lắk - cho biết: ‘’Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, chúng tôi đã chỉ đạo cho các BCH PCTT và TKCN huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, sớm cảnh báo cho người dân phòng chống tránh hiện tượng mưa đá, lốc xoáy... Bố trí thêm lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ để chèn chống nhà cửa cho người dân, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho họ. Những khu vực xung yếu, thường xảy thiên tai, chính quyền cần triển khai di tản người dân đến nơi an toàn’’.
BCH PCTT và TKCN Đắk Nông cũng vừa khuyến cáo các địa phương, người dân chủ động phòng, chống các hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới. Các địa phương cần chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu.
Theo Đài Khí tượng và Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mưa lớn trên diện rộng kèm gió giật mạnh dự tính sẽ xảy ra liên tục trong tháng 10, 11. Đáng chú ý, trong năm nay, có khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, có 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, các tỉnh Tây Nguyên có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 2 đến 3 cơn bão vào những tháng cuối năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét