Người tốt ở Tam Hiệp
http://cand.com.vn/... đăng ngày 22/07/2020 08:27.“Phụng Tiết bị nhấn chìm từ lâu rồi mà!”, anh chàng xe ôm tóc hoe vàng nói với vị khách của mình, một người đàn ông nghèo lặn lội từ Sơn Tây xuống để đi tìm địa chỉ số 5 đường Thanh Thạch mà giờ đây chỉ còn là bãi nổi trên dòng nước.
Ông mất 5 tệ để được chở đến tận đây nhưng khi đến nơi, ông ngơ ngác nhìn quanh một hồi và chỉ có thể hỏi: “Sao toàn nước thế này?”. Đáp lại là lời của anh chàng xe ôm: “Phụng Tiết bị nhấn chìm từ lâu rồi mà!”.
Ông cự cãi với anh chàng xe ôm: “Cậu biết bị ngập sao còn đưa tôi tới đây? Lừa mất 5 đồng của tôi”. Anh chàng chỉ gọn lỏn: “Có phải tôi bắt nó ngập đâu”. Anh ta cũng có cái lí của mình, đúng là anh ta có bắt nó ngập đâu.
Đó là một cảnh trong phân đoạn đầu của Người tốt ở Tam Hiệp, bộ phim năm 2006 của đạo diễn Giả Chương Kha, bộ phim từng đoạt giải Sư Tử Vàng - giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Venice. Giả Chương Kha thuộc về thế hệ đạo diễn thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc đại lục. Khác xa thế hệ đạo diễn thứ 5 như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca... với chế tác cầu kỳ, duy mỹ, bi kịch nhưng lãng mạn, thế hệ đạo diễn thứ 6 gai góc, u ám, hiện thực và đầy hoài nghi.
Một cảnh trong phim “Người tốt ở Tam Hiệp”. |
Hoàng thổ địa của Trần Khải Ca có thể kể một câu chuyện khắc nghiệt vùng nông thôn Trung Quốc nhưng con người trong thế giới ấy vẫn còn biết mộng mơ, vẫn còn biết băng qua vùng đất cằn khô để mà hy vọng. Nàng Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu có thể giống như một thước phim tài liệu về cái trớ trêu của xã hội đương thời nhưng con người trong thế giới ấy chí ít vẫn còn tin vào công lý và họ vẫn đại diện cho những ngụ ngôn về nhân tính bị thử thách - nghĩa là họ vẫn còn được nhìn trên khía cạnh nhân tính.
Còn trong Người tốt ở Tam Hiệp, con người chỉ là con người, không đại diện cho gì cả, họ bơi giữa dòng số phận, vật lộn với nó, bám víu lấy nó, họ đi tìm cái mà họ biết là họ đã mất, không lý tưởng, không chờ đợi, không mơ.
Tựa đề phim là Người tốt của Tam Hiệp. Trong phim, chỉ một lần có nhắc tới từ “người tốt”, đó là khi một trong hai nhân vật chính nhắc đến nhạc chờ điện thoại của mình là “Người tốt sẽ gặp bình an”. Những nhân vật xuất hiện trong bộ phim này, họ có tốt không? Hoàn toàn không có cơ sở nào để nói họ tốt hay không tốt, hiện thực đã tước đi cả cái quyền phân loại cơ bản tốt/xấu ở một con người.
Còn tên tiếng Anh của bộ phim là Still life, một thuật ngữ dùng chỉ tranh tĩnh vật. Người tốt ở Tam Hiệp là một bộ phim khá tĩnh. Những thước phim dài. Máy quay không đứng yên nhưng sự chuyển động chậm rãi của nó khiến ta lúc nào cũng cảm thấy như đang bị nhốt trong bối cảnh tĩnh. Và nếu có thể diễn giải thêm, có lẽ có thể xếp những bức tranh tĩnh vật của Giả Chương Kha vào dạng vanitas, một dạng tranh tĩnh vật khởi phát từ Hà Lan, ngụ ý sự tàn lụi và chóng qua của cuộc sống.
Người tốt ở Tam Hiệp gồm 2 mạch truyện độc lập xảy ra trên cùng một bối cảnh Phụng Tiết, Phụng Tiết mà lúc này đã bị nhấn chìm từ lâu. Đó là một huyện nằm tại khu Tam Hiệp. Khi con đập này được xây dựng, mực nước dâng lên tạo nên một cuộc đại di cư với người dân nơi đây. Nói như một nhân vật quần chúng trong phim, họ phải tự cứu lấy mình. Một mạch truyện theo chân một người đàn ông từ Sơn Tây đi tìm người vợ cũ đã bỏ ông mà đi cùng đứa con gái. Mạch truyện thứ hai theo chân một người phụ nữ nhà quê đến Phụng Tiết tìm chồng, người đã trở thành một cán bộ có địa vị, có tiền, có lẽ là có bồ nhí và vì thế né tránh không gặp cô trong suốt 2 năm,
Đã từng có những bộ phim nói về sự suy tàn của một miền đất cùng sự tan rã của cư dân, nổi bật hơn cả có lẽ là Sátántangó, bộ phim dài 7 tiếng của Béla Tarr. Bộ phim của Giả Chương Kha không đến nỗi thách thức người xem như bộ phim của Béla Tarr, những nhân vật của Giả Chương Kha chưa đến mức bị biến dạng và teo tóp trong sự hiện hữu như những nhân vật của Béla Tarr nhưng họ cũng gần như rơi vào một sự trì trệ, đình đốn, ngưng đọng của cảm xúc. Tri giác của họ gần như đã mất đi sự nhạy bén và cũng như cái miền đất mà họ đặt chân đến, họ chỉ đang đợi một lưỡi rìu vô hình tàn phá.
Những diễn viên Kinh kịch mặt buồn rười rượi. Những công nhân phá nhà đờ đẫn giữa công trường ngổn ngang. Ngay cả những buổi tụ bạ trong quán bar rẻ tiền cũng có gì đó vô minh và vô hướng. Họ thường xuất hiện trong thế chênh vênh: bên rìa một mái nhà, đi trên dây, trên con thuyền cũ. Họ sống một cách tạm bợ và chết cũng rất tạm bợ, sẵn sàng đổ sụp bất cứ lúc nào như những căn nhà mà chính tự tay họ phải phá dỡ.
Một khoảnh khắc đầy tính điện ảnh, vượt thoát khỏi đề tài, thể loại trong “Người tốt ở Tam Hiệp”. |
Đập Tam Hiệp chắn ngang dòng nước và nó dường như cũng chắn ngang đường về quá khứ. Những con người trôi dạt cố gắng kết nối với những thứ họ đã bỏ lại hoặc bị bỏ lại nhưng luôn bị chặn đứng bởi một điều gì đó, một quy định hành chính đã thay đổi, người cũ đã chuyển đi không rõ tung tích hoặc đã thay lòng đổi dạ, mà đến cuối kể cả họ có tìm lại được thì cũng không lấy lại được. Cái gì đã qua thì đã thực sự qua.
Có một đoạn phim, các nhân vật ngồi xem lại bộ phim kinh điển Anh hùng bản sắc (tên tiếng Anh, một cái tên nhiều gợi nhiều suy nghĩ: A better tomorrow - Ngày mai tươi sáng hơn), đúng phân cảnh đáng nhớ nhất của bộ phim này, đoạn Châu Nhuận Phát đeo kính đen, hút thuốc lá và đốt một tờ tiền. Hình ảnh Phát ca năm xưa phóng khoáng sảng khoái đối lập hoàn toàn với thế giới tâm hồn trụi lơ của con người hiện đại, những con người mà khi xem trò ảo thuật biến dollar thành nhân dân tệ, chỉ đơn giản nói rằng “tôi không có tiền”.
Phát ca cũng xuất hiện một lần nữa, gián tiếp, qua bản nhạc phim Bến Thượng Hải mà ông từng đóng vai nam chính: “Sóng dâng, sóng trào, giữa sông biển như ngàn vì sao lấp lánh, kiếp nhân sinh, đầy biến động, rồi cũng xuôi dòng theo chảy về phía Đông. Khóc đó, cười đó, như dòng nước thoái trào theo cuộc trần ai”. Và đúng lúc ấy, một khoảnh khắc như lạc từ một bộ phim khác bước vào: một chiếc UFO sáng rực bay lướt qua nên trời nơi nhân vật chính đang đứng, trong chiếc quần đùi, hút thuốc.
Đó là một khoảnh khắc gần như siêu việt. Tại sao lại có một vật thể bay không xác định, giữa bầu trời Tam Hiệp mà một nhân vật nói rằng “lúc nào cũng đẹp”, ngay chính giữa một bộ phim hiện thực, hoàn toàn hiện thực? Và đó không phải lần duy nhất, một khoảnh khắc khác, khi một người đàn bà treo áo trên dây phơi xong, cô rời khỏi màn hình, từ xa, một khối nhà khổng lồ ở đàng xa chợt bay lên như một tên lửa đạn đạo, bay thẳng vào vũ trụ, trong khi chiếc áo vẫn đang phấp phới.
Rất khó để minh định được chính xác Giả Chương Kha đã đưa 2 tình tiết ấy vào với dụng ý gì. Nhưng rõ ràng là, chiếc UFO và tên lửa như đến từ một thế giới khác, một nền văn minh khác, một vũ trụ khác, sự đối lập của chúng với con người trong tốc độ, trong sự tự do, trong sự vững chãi, như thể muốn nói rằng, những con người này đã hoàn toàn lỗi thời, đã hoàn toàn văng ra khỏi trục phát triển chung, không còn phù hợp với thời đại này nữa. Và, khi nhìn lại toàn bộ tiến trình phim, ta sẽ thấy một diễn giải như thế khá thống nhất với mạch truyện, khi các nhân vật thường xuyên rơi vào trạng thái không biết điều gì đang diễn ra bên ngoài, không nắm bắt kịp thông tin, như ai đã vứt họ vào một cuộc đời không thuộc về họ.
“Núi Vu giáp trời xanh/ Sông Ba nước vụt thành/ Sông Ba nhìn chẳng thấu/ Trời xanh thì chưa lên/ Ba sớm cưỡi bò vàng/ Ba chiều càng chậm nữa/ Ba sớm ba chiều đó/ Tóc thôi đã thành tơ” - đó là bài Thượng Tam Hiệp mà thi tiên Lý Bạch viết về vùng Tam Hiệp. Lý Bạch không chỉ viết một bài thơ duy nhất về Tam Hiệp, ông còn viết bài Há Giang Lăng mà Tản Đà từng dịch và in trên tạp chí Ngày Nay: “Sớm ra Bạch Đế thành mây/ Giang Lăng nghìn dặm một ngày về luôn/ Hai bờ tiếng vượn véo von/ Thuyền lan đã vượt núi non vạn trùng”.
Nếu Lý Bạch có sống đến ngày này thì e, thi tiên cũng chỉ là một kẻ lạc thời.
Hiền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét