Các binh sĩ và công nhân xây dựng đang xây bờ kè tạm thời bằng bao cát và đá để ngăn sông Dương Tử và các nhánh không bị tràn bờ.

Đập Tam Hiệp hôm 18-7 mở 3 cửa xả sau khi mực nước phía sau tăng thêm 15 m. Trước đó vào ngày 17-7, mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp đạt mức hơn 155 m và lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa tăng lên thành 55.000 m3/giây, theo Ủy ban Thủy lợi Trường Giang.

Mực nước phía sau đập Tam Hiệp được dự báo đạt đỉnh của đợt lũ thứ hai hôm 18-7. Tân Hoa Xã dẫn lời Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc cho biết con đập đã giữ lại khoảng 45% lượng nước

Cơ quan dự báo của Trung Quốc cho hay nước lũ sẽ đổ thêm về đập vào ngày 21-7 tới.

Mực nước đạt đỉnh tại đập Tam Hiệp, thêm 14 người chết do lũ lụt - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ hôm 17-7. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ở khu vực thượng lưu, 11 người thiệt mạng tại TP Trùng Khánh vào sáng 18-7, cộng với 3 người chết ở tỉnh Hồ Bắc lân cận. Hơn 20.000 người được sơ tán và 1.031 ngôi nhà bị phá hủy. Lượng mưa tại một thị trấn tại TP Trùng Khánh lên tới 39 cm.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc chiếu cảnh người dân dọn dẹp những con đường và cửa hàng ẩm ướt, lầy lội ở TP Ân Thi sau trận lụt nghiêm trọng hôm 17-7. Nhân viên cứu hộ sử dụng bè bơm hơi để giải cứu hơn 1.900 người bị mắc kẹt trong nhà.

Ở khu vực hạ lưu, lính cứu hỏa và nhân viên tình nguyện đã vá một vết nứt dài 188 m trên đê thuộc hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Sau khi nước tràn bờ đê cách đây 9 ngày, 15 ngôi làng và các cánh đồng nông nghiệp bị ngập, khiến hơn 14.000 người phải sơ tán.

Hiện tại, TP Vũ Hán và các đô thị ở khu vực hạ lưu, nơi hàng chục triệu người sinh sống, đang bị lũ lụt đe dọa.

Lũ lụt tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong những năm gần đây là vào năm 1998, giết chết hơn 2.000 người và phá hủy gần 3 triệu ngôi nhà, chủ yếu dọc sông Dương Tử.

Phạm Nghĩa (Theo AP, Tân Hoa Xã