Khi chưa hết thời hạn 12 tháng, bà Thúy làm thủ tục sang tên nhà đất. Bà Nhàn cho biết số tiền vay 1 tỷ nhưng chỉ thực nhận 950 triệu đồng. 50 triệu còn lại, bà Thúy trừ vào tiền lãi tháng đầu tiên. Bà Nhàn cùng với chị gái đóng hơn 2 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay nêu trên. Sau đó, bà Thúy yêu cầu bà Nhàn ký tên vào hợp đồng thuê lại chính căn nhà mình đã khổ công tạo dựng.>/span>
Nhiều người tố cáo bà Thúy cho vay lãi nặng, sau đó chiếm đoạt nhà đất. |
“Thúy yêu cầu gì, tôi cũng phải ký vì đang thiếu nợ”, bà Nhàn nói. Căn nhà này sau đó bà Thúy thỏa thuận bán cho người khác 4 tỷ đồng và hứa nếu bà Nhàn giao nhà sẽ cho lại 1 tỷ đồng.
Cho rằng bà Thúy có dấu hiệu lừa đảo và cho vay lãi nặng, bà Nhàn tố cáo đến các cơ quan chức năng tại huyện và tỉnh. Công an huyện Cái Bè tiến hành điều tra, mời những người liên quan đến làm việc. Trung tá Nguyễn Văn Trung, điều tra viên Công an huyện Cái Bè và kiểm sát viên Nguyễn Thị Diệu Hiền, Viện KSND huyện Cái Bè đã làm việc với những người liên quan.
Quá trình lấy lời khai và đối chất, bà Thúy cho rằng, thông tin tố cáo là bịa đặt. Bà khai nhận bản thân làm nội trợ, chồng đứng tên kinh doanh cầm cố tài sản ở thị trấn Cái Bè. Bà Thúy khẳng định không cho vay tiền mà ký hợp đồng chuyển nhượng, giao dịch mua bán. Căn nhà của bà Nhàn sau khi sang tên, bà Thúy thỏa thuận bán cho bà Lê Thị Út (SN 1976), với giá 4 tỷ đồng.
Cuối tháng 5-2020, thẩm phán Hồ Văn Khỏe, TAND huyện Cái Bè, ký văn bản gửi đến cơ quan điều tra, thông báo đang thụ lý vụ án tranh chấp “Hợp đồng thuê nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”, với nguyên đơn là bà Thúy. Nguyên đơn yêu cầu bà Nhàn phải giao nhà đất và phải bồi thường thiệt hại 1 tỷ đồng vì đã nhận tiền cọc và phạt cọc 500 triệu đồng cho bà Út vì vi phạm thời gian chuyển nhượng việc bà Nhàn không giao nhà đất.
Bà Nhàn khẳng định hợp đồng chuyển nhượng chỉ là hợp đồng giả cách, chứ không phải hợp đồng mua bán. Bà dẫn chứng căn nhà 3 tầng bà đang ở, có giá thị trường hơn 4 tỷ đồng. “Không vì lý do gì, tôi lại bán nhà đất chỉ có 1 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng là để đảm bảo cho khoản vay, trả lãi hàng tháng”, bà Nhàn nói. Trong đơn phản tố, bà đề nghị TAND huyện Cái Bè, xem xét tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đã ký.
Tại buổi làm việc với PV Báo CAND, Thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng Công an huyện Cái Bè, trăn trở việc chứng minh và xử lý hành vi cho vay lãi nặng rất khó khăn. “Những cái thể hiện trên văn bản có tính pháp lý thường khác với thực tế bên ngoài. Giữa hai bên có những khuất tất. Các giao dịch thể hiện sự tự nguyện, có sự giúp sức của chính bị hại, sau đó dẫn đến bị chiếm đoạt”, Thượng tá Trần Thanh Tùng nói.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cái Bè nêu rõ, bà Nhàn, bà Sáu và bà Tám, đều khai nhận vay tiền của Thúy nhưng họ không có tài liệu chứng minh. Cả 3 người đều thừa nhận đều biết và đồng ý ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng chứ không phải hợp đồng thế chấp.
“Các bà ký là do tin tưởng sau khi vay tiền đến khi trả nợ gốc sẽ nhận lại hợp đồng và giấy tờ nhà đất nên đã bị Thúy lừa đảo chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, báo cáo nêu rõ. Từ kết quả xác minh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cái Bè không có căn cứ xử lý bà Thúy, ngày 11/5, đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và được Viện KSND cùng cấp thống nhất.
Theo Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, các loại hợp đồng định đoạt tài sản được công chứng chứng thực là một trong những chiêu thức đối tượng cho vay lãi nặng thực hiện. Mục đích buộc người vay phải trả lãi và gốc. “Trường hợp không trả nổi, người cho vay hợp thức hóa sau đó chuyển nhượng cho bên thứ ba hoặc thế chấp vay vốn.
Quá trình cho vay, họ lấy lãi bằng tiền mặt mà không ghi biên lai, biên nhận. Đây thực chất là hành vi cho vay lãi nặng và chiếm đoạt tài sản”, luật sư Lâm Văn Khuyển phân tích. Cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ những vấn đề như: vì sao chuyển nhượng tài sản nhưng kèm theo điều khoản cho người bán chuộc lại; biên nhận hợp đồng chuyển nhượng nêu rõ nếu không trả lãi và gốc thì sẽ sang nhượng theo hợp đồng; giá chuyển nhượng có tương đương với giá thị trường thời điểm giao dịch hay không?. Tại sao người nhận chuyển nhượng không trực tiếp quản lý tài sản mà thông qua hợp đồng cho thuê nhà?. Từ đó làm rõ hành vi cho vay lãi nặng cũng như bản chất của hợp đồng giao dịch.
Mất nhà đất vì vay lãi nặng Bà Lê Thị Bé Nga (SN 1965) và ông Đào Văn Nhàn (SN 1957, cùng ngụ huyện Cái Bè) cũng đứng đơn tố cáo bà Thúy. Theo trình bày, năm 2016, bà Nga vay của bà Thúy 50 triệu đồng. Hàng ngày, bà Nga đóng tiền lãi 100.000 đồng, sau đó tăng lên 200.000 đồng. Bà Nga cho biết đã đóng lãi hơn một năm, sau đó mất khả năng chi trả vì buôn bán ế ẩm. Bà Thúy cộng gộp lãi và gốc, thông báo bà Nga phải trả 200 triệu đồng. Căn nhà của bà Nga sau đó được bà Thúy làm hợp đồng chuyển nhượng cho Huỳnh Thị Hoàng Oanh (SN 1984), với giá 300 triệu đồng. Bà Oanh đã làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu giao nhà đất là nơi ở duy nhất của bà Nga và 3 người con. Theo lời ông Nhàn, ban đầu chỉ vay của bà Thúy 20 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng. Sau đó, ông vay tiếp 110 triệu đồng và cộng với nợ cũ và lãi thành 150 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 7,5 triệu đồng. Ông Nhàn đóng lãi được 29 tháng, hơn 210 triệu đồng, sau đó mất khả năng. Ông Nhàn cũng làm hợp đồng thế chấp tài sản cho bà Thúy. “Khi đến văn phòng công chứng, tôi ký nhiều chữ ký không giống nhau nên họ từ chối chứng thực. Sau đó, tôi không hiểu vì sao bà Thúy vẫn sang tên thửa đất này được, dù không có chữ ký của tôi”, ông Nhàn nói. |
Bà Thúy đã làm thủ tục sang tên thửa đất có diện tích 3.000m2, trên đất có nhiều mộ phần người thân của ông Nhàn. Thửa đất này sau đó được bà Thúy chuyển nhượng cho bà Lê Thị Hoa (SN 1965), với giá 1 tỷ đồng. Bà Hoa là bạn thân của bà Út, cũng là người chứng kiến thỏa thuận mua căn nhà bà Nhàn, sau khi đã được bà Thúy làm thủ tục sang tên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét