Đàn ông ra vẻ cổ xưa
PNO - Trong vô số cuộc nhậu nâng ly hạ chén, cánh trai làng thường tỏ ra văn vẻ bằng những câu nhang nhác các tao nhân xưa.
Ép nhau túy lúy thì gọi là “cung kính không bằng tuân lệnh”, khích bác người nọ chuốc say người kia thì mỹ miều “hoan hỉ giao lưu”, nài vật anh em bằng hữu thi thố tửu lượng thì đồng thanh “huynh đệ một nhà”. Và đặc biệt, hễ được dịp trần tình sâu lắng, có cả thê tử của bạn hiền đang mặt nặng mày nhẹ giả vờ cơm lành canh ngọt, nhiều quý ông rón rén khẽ khàng cầm bầu rượu đi một vòng, gặp ai cũng lanh lảnh “xin được nhập gia tùy tục”. Những câu đưa đẩy thoạt tiên êm tai ấy, với chị em đầu tắt mặt tối chúng tôi ở chốn thôn quê, không khác gì tiếng giọt nước gác bếp lâu ngày lưu cữu mùi khói rơi xuống tro bếp tàn lửa.
Chẳng hiểu do sách vở dẫn dắt hay do bực lòng với thực tại mà nhiều quý anh ở làng thời nay sẵn sàng hiếu cổ hơn chuộng kim. Tóc búi tó đã đành, lại còn guốc mộc. Phe phẩy quạt giấy lúc trời trưa nắng gắt không sao, nhưng áo nâu quần đũi thoăn thoắt dạo thềm nhà thì trông chừng kỳ dị. Trà pha cầu kỳ nửa Nhật nửa Tàu còn uống được, chứ cất công chăm tỉa bộ ria sao cho ra hình đúng dáng thì quá mức nhảm nhí tào lao.
Chuộng cổ mà sành, yêu cổ ngoạn thì không bàn, nhưng chuộng cổ rồi quy mọi vật thành của quý để rút ví vung tiền tậu mua thì nghe chừng đã sai lệch góc nhìn. Chuộng cổ mà ráng sức tầm chương trích cú thì e rằng đã thành người rập khuôn, ăn theo nói leo.
Tệ hại nhất trong cái vẻ học đòi người xưa ấy là làm một sự nhỏ to đều kiêng dè, thực thi điều bình thường cũng bày đặt lễ nghĩa, tục cũ chưa kịp mất đã bê nguyên tục mới, trò xưa chưa kịp nhạt đã hăng hái sáng chế trò tân thời. Tất cả nhịp điệu quẩn quanh này chỉ khiến làng thì lệch hẳn sang phố, nhưng tâm tính sinh hoạt thì vẫn hay vướng víu, mắc kẹt trong quán tính xưa.
Thời gian ở làng cũng như nhịp thoi đưa, trai làng rồi cũng thành các ông các cụ. Chu kỳ vòng đời thường oái oăm ở tình cảnh tóc xanh tóc bạc vừa nhường nhịn vừa xem thường nhau từng lời ăn tiếng nói. Tre chưa già nhưng măng đã mọc, đương nhiên là tín hiệu vui cho sự nối tiếp thế hệ. Nhưng nhiều người hiếu cổ thì lại muốn biến mình thành các cụ oai oách vai vế. Thành thử, giờ đây, ngay trong nhiều làng nông thôn mới, các “ông trẻ” có khi lại thủ cựu hơn các bậc cao niên.
Họ chính là một điểm nối dài của những gì còn chưa dứt khoát, chưa đổi mới triệt để, thậm chí, chưa hề biến chuyển dầu xã hội không ngừng đổi thay. Cứ nhìn các quán xá ven đường thì ồn ào nhất, to mồm và khoác lác nhất là thanh niên tuổi chưa già. Cứ kiểm đếm những buổi liên hoan tổng kết thì tích cực soạn báo cáo thành tích nhất, ắt hẳn là mấy cậu chàng chuyên chạy chân việc vặt. Cứ nhìn các bàn cỗ hiếu hỉ thì dây dưa ngồi lại, lan man dây cà dây muống từ chuyện bóng đá đến chuyện chính trị nhất, lại vẫn thường là những quý anh chưa đến tứ tuần. Vô tận thời gian và vô tư ban phát sức khỏe, chẳng mấy chốc, trai lực điền hom hem râu tóc cho đúng dáng mình hạc xương mai tiên phong đạo cốt.
Thực tình, nhìn những anh chàng hiếu cổ ăn nói và biểu diễn hình hài, chị em cũng có xao xuyến tâm tư. Nhưng cuộc sống trước mặt đôi khi lại không cần quá nhiều những bản sao thời đại. Vì thế, những quý ông ra vẻ chuộng cổ, học cổ và biện bạch rằng ôn cổ tri tân, nếu quá đà, sẽ như vị khách ngồi riêng một toa tàu, không phải chạy về tương lai, mà lùi lại quá sâu vào cũ kỹ.
Nhi Nữ Thường Tình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét