Sông Mekong: Mặt trận đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc
(NLĐO) - Sông Mekong đang trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc khi hai bên tranh cãi về vấn đề liệu 11 con đập của Bắc Kinh trên sông này có gây hại cho các nước ở hạ nguồn hay không.
"Đây đang là vấn đê địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc - ông Witoon Permpongsacharoen, chuyên gia của Mạng lưới năng lượng và sinh thái Mekong, nhận định.
Tình trạng con sông dài 4.350 km này đang gây ra mối quan ngại cho khoảng 60 triệu người đang dựa vào nó để trồng trọt và đánh bắt cá. Năm ngoái ghi nhận tình trạng khô hạn kỷ lục khi mực nước hạ nguồn sông Mekong hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy đã chỉ trích 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã giữ lại một lượng lớn nước, từ đó tác động tiêu cực đến sinh kế của hàng triệu người tại các nước ở vùng hạ nguồn con sông.
Sông Mekong nhìn từ tỉnh Nong Khai - Thái Lan. Ảnh: Reuters
Tranh cãi nổ ra theo sau một nghiên cứu của Công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) được công bố hồi tháng 4. Theo nghiên cứu này, các con đập của Trung Quốc tại sông Mekong đã giữ lại một lượng nước lớn trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng tại các nước hạ nguồn vào năm ngoái.
Nghiên cứu trên được tiến hành với nguồn tài chính từ chương trình Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) của Bộ Ngoại giao Mỹ và không gì lạ khi Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan gọi cuộc nghiên cứu của Công ty Eyes on Earth Inc mang động cơ chính trị và nhằm vào Bắc Kinh với ý đồ xấu. Các tác giả cuộc nghiên cứu và giới chức Mỹ bác bỏ cáo buộc này.
Vào tuần rồi, truyền thông Trung Quốc đăng bài viết về một nghiên cứu trong nước, theo đó cho rằng các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã giúp giảm bớt tình trạng hạn hán dọc con sông này.
Tuy nhiên, sự thật là nghiên cứu của Trường ĐH Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc chỉ nói là các con đập trên có thể giúp giảm bớt hạn hán trong tương lai chứ không hề nói điều này đã xảy ra vào năm ngoái.
Mỹ đã chi 120 triệu USD cho LMI kể từ khi nó ra đời 11 năm trước. Trong khi đó, Trung Quốc dường như đang chi tiêu nhiều hơn thông qua cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) hình thành vào năm 2016.
Các nước ở hạ nguồn sông Mekong đang muốn có thêm dữ liệu về hoạt động của các con đập Trung Quốc, có khả năng giữ lại tổng cộng 47 tỉ mét khối nước.
Vào năm 2002, Bắc Kinh bắt đầu thông báo các các nước hạ nguồn về thời điểm xả nước của các con đập trên sông Mekong. Tại một hội nghị của LMC hồi tháng 2 qua, Trung Quốc cam kết hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng nhưng một quan chức tại khu vực phàn nàn về việc Bắc Kinh vẫn không chia sẻ bất kỳ dữ liệu hữu ích nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét