Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

“Dũng sĩ diệt xe cơ giới” lận đận với cuộc sống thường ngày

“Dũng sĩ diệt xe cơ giới” lận đận với cuộc sống thường ngày

( Copy từ laodong.com.vn/tam-long-vang/ ;Tác giả: Tuệ Nhi; đã đăng ngày 01-07-16.)
Sèn Vạn Vần, người đàn ông dân tộc Nùng ở xã biên giới Thèn Phàng (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vẫn được đồng đội cũ nhớ mãi với những chiến công như biểu tượng hào hùng về tinh thần chiến đấu dũng cảm, diệt xe cơ giới trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa, người đàn ông được chứng nhận danh hiệu "dũng sĩ diệt xe cơ giới" vẫn đang loay hoay với cuộc sống thường ngày, vẫn lận đận giữa đói nghèo, bệnh tật và phải lo cái ăn từng bữa.
Vượt qua đường núi cao, trắc trở, chúng tôi dừng chân trước căn nhà bằng đất trát cũ kĩ, sập xệ nằm trên đỉnh núi Thèn Phàng. Khập khiễng với cái chân bị viêm khớp, ông Vần đón tôi cùng các đồng đội cũ trong sự hân hoan, xúc động. Được biết, năm 1972, ông Vần viết đơn nhập ngũ khi vẫn đang là cậu học sinh vừa tròn 20 tuổi. Vào quân đội, chàng trai dân tộc Nùng được phân công đóng quân tại Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Được giao khẩu súng B41, chiến sĩ Vần đã anh dũng chiến đấu và lập nhiều chiến công hiển hách. Ông đã bắn được 4 xe tăng, xe cơ giới cùng nhiều chiến tích vang dội khắp sư đoàn. Với nhiều thành tích đó, ông được trao hai bằng dũng sĩ cấp ưu tú và cấp 2 năm 1974, hai bằng dũng sĩ năm 1975 đều cấp ưu tú, một bằng dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, một huân chương chiến công hạng 3, một huân chương chiến công hạng 2, và rất nhiều bằng khen.
Ông Sèn Vạn Vần đã có nhiều chiến công hiển hách khi tham gia kháng chiến
Miệng vẫn say sưa kể chuyện chiến trường, ông Vần vẫn lấy tay xoa bóp cái chân đau. Ông tiếp chuyện: Sau ra quân năm 1977, ông lấy vợ và sinh sống tại quê hương. Cuộc sống nơi núi cao, khó khăn, vất vả, ông dắt díu vợ con về nhiều địa phương khác nhau để kiếm sống. Đến giữa năm 2014, gia đình ông chuyển về lại quê hương cũ tại xã Thèn Phàng. Khi ông nộp hồ sơ làm chế độ người có công với cách mạng thì nơi đây đã hết hạn. Vậy là mấy năm qua, ông cũng đã đi khắp mọi nơi để xin được xem xét hồ sơ nhưng chưa có kết quả.
ảnh 1
 Giấy chứng nhận các thành tích kháng chiến của ông Sèn Vạn Vần
Vừa lấy xô hứng những giọt nước mưa dột từ mái nhà, người đàn ông gần 70 tuổi tâm sự trong chua chát: Tôi ở trên núi cao thông tin mịt mù nên nhiều khi không nắm bắt được các chế độ chính sách. Bây giờ, tuổi đã cao, sức đã yếu, thường xuyên phải đi khám chữa rồi thuốc thang cũng tốn một khoản kha khá. Vợ chồng già chúng tôi nơi núi cao “khỉ ho cò gáy” này biết kiếm ở đâu ra. “Đồng đội tôi, cùng chung chiến hào, cùng ăn, cùng ở thì được hưởng chính sách đãi ngộ của nhà nước hết rồi.. chỉ còn lại tôi thôi”, ông Vần nghẹn ngào.
Ông Sùng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Thèn Phàng (Xín Mần, Hà Giang) cho biết: Sau ra quân, gia đình ông Vần chuyển xuống Chiêm Hóa, Tuyên Quang làm ăn, sinh sống. Đến năm 2004, gia đình mới chuyển lại về Thèn Phàn, Xín Mần, Hà Giang. Thời điểm huyện Xín Mần rà soát, điều tra và làm chế độ chính sách cho người có công là trước năm 2004 thì ông Vần hiện cư trú tại địa phương khác, đến khi quay trở về thì đã hết thời gian theo quy định. Kiểm tra hồ sơ, ông Vần vẫn còn đủ giấy tờ theo quy định. Trước việc trên, UBND xã đã đứng ra giúp đỡ ông Vần làm đơn đề nghị, các thủ tục giấy tờ gửi lên UBND huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nhưng hiện nay vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào.
Với bao nhiêu năm công tác trong chiến trường, số chiến sĩ được ghi công là rất nhiều nhưng với Trung tướng Khuất Duy Tiến (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3) chiến sĩ trẻ Sèn Vạn Vần lại là người để lại trong ông nhiều ấn tượng. Trung ướng Khuất Duy Tiến cho biết: “Đồng chí Vần lừng danh chiến đấu tốt với nhiều thành tích. Gần đây, nhân kỉ niệm 65 năm thành lập Trung đoàn, chúng tôi mới tìm lại được đồng chí Vần sau bao năm mất liên lạc. Với hoàn cảnh khó khăn, rất mong các cơ quan chức năng, các tổ chức cá nhân có những biện pháp hỗ trợ và động viên đối với những công lao mà anh Vần đã cống hiến”.
Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Sèn Vạn Vần (LD1662) xin gửi về: Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động: 51 Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; ĐT: 04.39232748; hoặc chuyển khoản về Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, STK: 102010000013374 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội; tham gia ủng hộ trực tuyến tại website: tamlongvang.laodong.com.vn. Hoặc trực tiếp tới ông Sèn Vạn Vần, xã Thèn Phàng, Xín Mần, Hà Giang.


Không có nhận xét nào: