Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Khám phá làng nghề đan đát Phước Tuy, Ba Tri

Khám phá làng nghề đan đát Phước Tuy, Ba Tri
Copy từ http://www.bentre.gov.vn/Pages/TinTucSuKien.aspx?ID=19484&CategoryId=Du+l%u1ecbch&InitialTabId=Ribbon.Read&PageIndex=9 ( Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bến Tre > Tin tức và Sự kiện > Khám phá làng nghề đan đát Phước Tuy,Ba Tri) ;tác giả: Hoàng Việt; đã đăng ngày 14/10/2015.
Phước Tuy là một xã thuần nông thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Kinh tế chủ lực của xã là làm nông và nuôi bò. Bên cạnh đó, nghề đan đát cũng là một nghề sản xuất chính góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, với hơn 80% cư dân gắn bó với nghề đan đát. Đến với làng nghề đan đát Phước Tuy bạn sẽ bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của nơi đây.
Thuần chất thiên nhiên
Làng nghề đan đát Phước Tuy hình thành cách đây trên vài chục năm, cách thành phố Bến Tre hơn 40 km và cách thị trấn Ba Tri khoảng chừng 15 km về hướng Bắc. Phước Tuy tiếp giáp với làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Phú Lễ và làng nghề bánh phồng Phú Ngãi nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi để Ba Tri hình thành đường tour liên hoàn phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển kết hợp với tham quan làng nghề ở địa phương.


Nhộn nhịp nơi làng nghề đan đát. (Ảnh: XTDL)
Nét độc đáo của làng nghề này chính là việc người dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như tre, trúc kết hợp với sự tài hoa của mình tạo nên các sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo đáp ứng nhu cầu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Trước kia, làng nghề chỉ sản xuất một số sản phẩm nhất định đủ để phục vụ cho gia đình, càng ngày nhu cầu thị trường ngày càng cao, nhằm đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, người dân nơi làng nghề đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đẹp mắt hơn, không chỉ phục vụ cho các vùng lân cận, mà còn cung cấp cho các huyện, các tỉnh trong khu vực.
Ở đây, người dân sản xuất theo cách thủ công truyền thống, không hề sử dụng máy móc, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn mà ông bà xưa để lại như chọn nguyên liệu, vót tre, làm vành, nứt, đan,…
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề đan đát xuất hiện ở Phước Tuy từ rất lâu, khoảng trên 40 năm. Những cư dân từ những vùng miền khác nhau đến đây khai hoang, định cư mang theo nghề truyền thống, sau đó truyền lại cho thế hệ con cháu ngày nay. Thế là nghề đan đát được gìn giữ và phát triển từ đó cho đến hôm nay.
Một lần về thăm lại làng nghề đan đát Phước Tuy, tôi có dịp trò chuyện với anh Lê Văn Em, một nông dân hiền lành, chân chất nhưng cũng là một nghệ nhân lành nghề. Anh cho biết: “Để đan được một sản phẩm thủ công thành phẩm, phải qua nhiều công đoạn khác nhau như chẻ tre, vót tre, làm vành, nứt, đan rất vất vả. Gia đình tôi gắn với nghề nông là chính. Sau những giờ ra đồng về, tôi và các thành viên trong gia đình lao vào công việc đan các sản phẩm thủ công như thúng, bội, rổ, nia,… để giao cho thương lái kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cho gia đình”.
Công đoạn chọn nguyên liệu đã khó, nhưng công đoạn đan, nứt còn khó hơn. Để tạo được nhiều sản phẩm thủ công đẹp, tinh xảo, bền, người đan phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng với sự khéo léo của mình như những nghệ sĩ thực thụ. Có như vậy mới tạo nên sản phẩm vừa mang giá trị mỹ thuật vừa mang tính kinh tế cao. Mỗi nghệ nhân lại sáng tạo theo một phong cách khác nhau, tạo nên những sản phẩm vô cùng phong phú.


Công đoạn đan để hoàn thiện một sản phẩm thủ công truyền thống. (Ảnh: TL)
Hấp dẫn khách du lịch
Hiện nay, làng nghề đan đát Phước Tuy là một trong những làng nghề độc đáo tại huyện Ba Tri, là một điểm đến không thể thiếu trong chương trình tham quan di tích văn hóa-lịch sử kết hợp với làng nghề tại đây. Đến thăm làng nghề đan đát Phước Tuy, du khách sẽ thực sự bị cuốn hút bởi những bàn tay vàng điêu luyện đan nhanh thoăn thoắt tạo nên những sản phẩm thủ công tinh xảo, có thẩm mỹ cao, vừa chân phương, vừa mộc mạc.
Hiện nay nghề đan đát phân bố đều trong toàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Phước Tuy. Ngoài ra, còn tập trung rải rác ở một số xã lân cận như Phú Lễ, An Bình Tây, An Đức (Ba Tri). Trong nghề đan đát, công đoạn ra nan là một công đoạn quan trọng góp phần cho sự thành công của sản phẩm.
Để có những thanh nan đều, đẹp thì sau khi phân đoạn tre, trúc theo đúng quy cách, dùng dao rọc sạch mắt tre, sau đó chẻ đôi, tiếp tục chẻ đôi cho vừa nan theo quy cách, chẻ hoặc tách nan bắt đầu từ góc đến ngọn, ra nan có thể sử dụng dao mác vót để tách nan đều không bị lỗi.
Sau khi ra nan sử dụng dao mác vót láng. Công đoạn kế tiếp là tạo vành cho các loại sản phẩm có sử dụng vành như rổ, thúng, lọp. Tạo vành xong sẽ tiến hành đan, tùy theo từng loại sản phẩm mà chọn cách đan khác nhau như đan “long mốt, long hai” đối với các loại rổ gánh, rổ xúc, sàng, xịa; “long ba” dành cho đan thúng; “long bốn, long năm” dành cho sản phẩm bội. Ngoài ra còn có công đoạn đát, lận vành, nứt vành.
Điểm độc đáo là các sản phẩm đều có những nét riêng cho dù cùng được đan bằng đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Du khách được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ cần mẫn đan từng cọng tre, có khi mất mấy ngày mới xong một sản phẩm nhưng chứa đựng trong những sản phẩm đó là tình cảm mộc mạc, chân thành, mang đậm hồn quê, của tình cảm thiết tha của người nghệ nhân trau chuốt, gửi gắm trong từng sản phẩm.
Nếu muốn, bạn sẽ được nghệ nhân hướng dẫn đan thử một sản phẩm mà bạn thích, có lẽ sản phẩm du khách làm ra không được đẹp, nhưng nó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ cho mỗi người, giúp du khách có thể biết thêm một nghề truyền thống độc đáo ở quê hương xứ dừa.
Về với vùng đất Ba Tri, du khách không chỉ được tham quan các di tích văn hóa - lịch sử, viếng thăm di tích cụ Đồ Chiểu, khu tưởng niệm kinh lược sứ Phan Thanh Giản hay khu mộ nhà giáo có học vấn uyên thâm Võ Trường Toản, tham quan vườn chim Vàm Hồ, khám phá rừng ngập mặn với sự đa dạng sinh học cao mà du khách còn được tham quan nét độc đáo của văn hóa bản địa trong đó có sức hút từ những làng nghề truyền thống.
Hoàng Việt

Không có nhận xét nào: