Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Đừng làm “nóng” những vấn đề không đáng “nóng”

Đừng làm “nóng” những vấn đề không đáng “nóng”
Copy từ http://nguoilambao.vn/dung-lam-nong-nhung-van-de-khong-dang-nong-n8935.html ;tác giả: Thiện Văn ; đã đăng ngày 24/03/2018, 10:13.
Những ngày đầu tháng 3/2018, nhiều tờ báo điện tử, trang mạng xã hội đưa tin quá nhiều về ca sĩ C.V.C bị “ngáo đá” rồi có hành vi vô ý làm chết một phụ nữ.

Nhiều đề tài đang bị khai thác quá đà trên báo điện tử. Ảnh minh họa
Anh ca sĩ “tài ít, tật nhiều”, ít hoạt động chuyên môn nhưng lại thừa những cử chỉ, hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật, liệu có nhất thiết phải đưa tin dày đặc trên các tờ báo mạng không?
Câu trả lời là rất không nên, nhưng không ít cơ quan báo chí, người làm báo lại đi quá đà, quá trớn, hơn thế có người nói đưa tin như vậy có phần quá thể, quá quắt vì làm “hại mắt” công chúng!
Câu chuyện năm cũ
Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, truyền thông xã hội như có dịp “lên đồng” khi thường xuyên, liên tục đưa tin, bài, ảnh dày đặc về đội tuyển U23 Việt Nam sau khi giành chức Á quân tại Giải bóng đá U23 châu Á 2017.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong vòng 4 ngày sau khi giành vị trí Á quân, đã có khoảng 6.000 tin, bài viết về đội tuyển U23 Việt Nam, trung bình mỗi ngày có tới 1.500 tin, bài viết về chủ đề này.
Vào thời điểm đó, có những tờ báo điện tử hầu như rất ít, thậm chí suốt cả buổi sáng không thông tin bất cứ các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại nào của đất nước, mà chỉ “bàn, tán” về mọi khía cạnh của đội tuyển U23 Việt Nam.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, việc khen ngợi, cổ vũ các cầu thủ U23 Việt Nam là cần thiết, bởi đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được vinh danh ở tầm châu lục. Nhưng mọi sự tung hô thái quá không hẳn mang lại sự hài lòng cho hầu hết cầu thủ, mà đôi khi kéo theo sự phiền toái, thậm chí gây bất lợi cho họ.
Một số cơ quan báo chí và nhiều trang mạng xã hội nhân cơ hội này cố tình đi sâu khai thác đời tư, chuyện gia đình, tình cảm, sở trường, sở đoản của một số cầu thủ chỉ nhằm mục đích câu view, câu like... Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải lên tiếng đề nghị các cơ quan báo chí, các nhà báo hãy dừng ngay việc khai thác đời tư của các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam!
PV Nguyễn Thu Trang, báo Lao động thủ đô"
Đề cao đạo đức người làm báo
Báo chí - một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, khi mà chỉ cần vài thông tin viết ra đã có thể mang đến cơ hội đổi thay cuộc đời của nhân vật được đề cập, vì thế vấn đề đạo đức, lương tâm nghề nghiệp càng cần được chú trọng.
Trước sự cạnh tranh thông tin đang trở nên gay gắt đã và đang xuất hiện cách làm báo chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí.
Công chúng đã phải dùng tới từ “bất chấp” khi nói về một bộ phận báo chí đương đại, nhất là báo mạng. Dù là phản ánh tiêu cực, thông tin báo chí cũng cần có hướng tiếp cận tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Cùng một sự kiện, vấn đề nhưng tài năng, bản lĩnh cũng như cái “tâm” và “tầm” của người làm báo sẽ thể hiện qua cách thức lựa chọn thông tin, thái độ, góc nhìn của nhà báo trước sự kiện.
Cách đây chưa đầy 3 năm, theo thống kê của cơ quan chức năng, liên quan đến sự kiện thảm sát ở Bình Phước, từ ngày 7 đến 17/7/2015 có 1.698 tin, bài trên các báo, trong đó có những tin, bài thông tin tiêu cực như mô tả chi tiết tội ác rùng rợn, tự suy diễn, đặt nghi vấn, khai thác thông tin nạn nhân, khai thác thân nhân nạn nhân, tiêu đề phản cảm. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 154 tin, bài liên quan đến vụ thảm sát này. Số lượng tin bài nhiều đến mức mà có người gọi đó cũng là một dạng... “báo chí thảm sát”, “báo chí đầu độc” công chúng!

Phân biệt được vấn đề “nóng” và vấn đề không đáng “nóng” là việc cần thiết với người làm báo.
“Thái quá bất cập”
Thật ra chiêu trò câu view, câu like... của nhiều tờ báo điện tử không còn là cá biệt, mà càng ngày càng trở nên phổ biến. Nó phổ biến nhanh đến mức, bất cứ một thông tin nào liên quan đến các vụ cháy nhà, chết người, liên quan đến “4T” (tình, tiền, tù, tội), liên quan đến “3S” (sốc, sến, scandal) cũng được rất nhiều tờ báo điện tử khai thác, thậm chí khai thác đến mức lạnh lùng, vô cảm khiến người đọc cảm thấy “nổi da gà”.
Thật ra, nhiều bạn đọc bây giờ cũng thông thái hơn khi không muốn để ý đến tin, bài, hình ảnh nói về “4T”, “3S”, nhưng khốn nỗi trên giao diện của nhiều tờ báo điện tử cố tình để những tin, bài, ảnh đó ở những vị trí bắt mắt, trình bày nổi bật và rút những cái tít giật gân để kích thích, lôi kéo sự tò mò của độc giả!
Làm báo điện tử bây giờ dường như quá dễ dãi, đến mức chỉ cần một cái tin có tính chất hiếu kỳ, đại loại như “ngôi sao” này sắp ly dị, “hotgirl” nọ chuẩn bị lên xe hoa, chàng thiếu gia kia vừa chia tay bạn gái... cũng đủ để người ta đua nhau “xào xáo”, chế biến” nó thành “món ăn” trên tờ báo điện tử của mình. Nhưng, điều đáng nói là “món ăn” đó nhiều khi lại làm vội vàng, cẩu thả khiến độc giả có những lúc phải “xài” cái thứ vừa “sượng”, vừa “sạn”!
Làm “nóng” những vấn đề không đáng “nóng”; cố tình “cấu véo” sự kiện, vấn đề đến mức xa rời bản chất ban đầu của nó; thậm chí có ít suýt ra nhiều, bé xé ra to; cái đáng nói không nói đến nơi đến chốn; cái cần nói ít, nói ở mức độ vừa phải thì lại nói với tần suất cao, mật độ dày... Đó là một xu hướng làm báo đang có nguy cơ “bùng nổ” trên nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử hiện nay.
Nếu không khắc phục, hạn chế, ngăn chặn xu hướng làm báo này, nhiều tờ báo mạng không những làm “vẩn đục” môi trường văn hóa thông tin xã hội, mà còn tự “giết chết” sứ mệnh cao cả của mình là góp phần khai trí dưỡng tâm, nâng đỡ tinh thần con người thêm thanh sạch.
PV Nguyễn Tú Linh, báo Bảo hiểm xã hội:
Sự định hướng của Ban Biên tập
Với những vụ trọng án, việc báo chí theo dõi, thông tin là lẽ thường. Song, vì chạy theo thời sự, sự quan tâm, hiếu kỳ của một bộ phận độc giả mà một số báo mạng, trang tin điện tử, diễn đàn xã hội đã khai thác quá đà thông tin trong các vụ trọng án. Mọi chi tiết liên quan đến nạn nhân, người nhà nạn nhân, nghi phạm, người nhà nghi phạm đều được đưa lên mặt báo.
Những chi tiết mô tả tỉ mỉ cảnh tượng hiện trường vụ án đầy phản cảm sẽ càng gây hoang mang dư luận. Đến khi công an bắt giữ nghi phạm, nhiều báo lại lao vào phỏng vấn người nhà hai nghi phạm, từ cha đến mẹ rồi hàng xóm xung quanh.
Vì vậy, phóng viên rất cần sự định hướng của Ban Biên tập trong phát triển những đề tài đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Thiện Văn

Không có nhận xét nào: