Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Phải xóa trình trạng vô trách nhiệm trong hoạt động logistics

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Phải xóa trình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong hoạt động logistics
Copy từ https://laodong.vn/thoi-su/phai-xoa-trinh-trang-vo-cam-vo-ly-vo-trach-nhiem-trong-hoat-dong-logistics-601836.ldo ;tác giả: Khánh Hòa ; đã đăng ngày 17/04/2018 | 07:30.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về logistics. Ảnh: VGP
Ngày 16.4, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có chỉ thị về phát triển logistics và khẳng định, đã đến lúc tìm mọi cách để giảm chi phí vận tải, chi phí logistics.
Xoá bất cập, kéo giảm chi phí logistics xuống hơn nữa
Kết luận hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng cho rằng, cần giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm và vô thời hạn để xoá bỏ các bất cập, giúp các sản phẩm Việt Nam ra thị trường có tính cạnh tranh cao và khẳng định, sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.
Thủ tướng nêu rõ, dù đã có tiến bộ nhưng chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ nên phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó, cần có biện pháp mạnh mẽ để giảm chi phí vận tải.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để làm được mục tiêu này, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics, trong đó, đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc để giảm chi phí nhất là chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, nhất là trong lĩnh vực vận tải thủy. Ảnh: TL
Xây cơ chế, hỗ trợ gói tín dụng thúc đẩy phát triển hạ tầng
Một trong những điểm nhấn tại hội nghị lần này là đề xuất của Bộ GTVT về đầu tư kết cấu hạ tầng với cả nguồn vốn ngân sách và vốn kêu gọi từ nguồn xã hội hoá
Theo đó, bộ đề nghị Chính phủ trong việc cần có một cơ chế chính sách, hoặc một gói tín dụng để hỗ trợ việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt liên quan tới hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, các cảng cạn - trung tâm trung chuyển hàng hoá cũng như phương tiện thuỷ nội địa và tàu sông pha biển để giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải.
Liên quan tới đề xuất này, Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét xây dựng đề xuất về các gói tín dụng, từ gói tín dụng đầu tư phương tiện tới gói hỗ trợ đầu tư hiện đại hoá hệ thống xếp dỡ tới gói đầu tư đường sắt chuyên dụng kết nối với các cảng, các KCN. Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT có đề xuất cụ thể các gói tín dụng để các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước tham gia đầu tư vào hệ thống giao thông, hệ thống kết nối các phương thức vận tải.
Cũng liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, cần có giải pháp đồng bộ với lộ trình thực hiện phù hợp với nguồn lực và năng lực thực tế, trong đó, cần rà soát lại quy hoạch hạ tầng giao thông, điều chỉnh để đảm bảo kết nối các loại hình, vận tải và tuỳ theo đặc điểm mỗi vùng có kết nối các KCN, khu kinh tế, gắn quy hoạch hạ tầng với tái cơ cấu các ngành sản phẩm để đưa giao thông vào đó.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hằng năm trên cơ sở quy hoạch để cụ thể hoá quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực và chọn các dự án trọng tâm để tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để góp phần giảm chi phí vận tải cũng như chi phí logistic từ đó tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 17.4.2018, Báo Lao Động phối hợp cùng Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tổ chức Toạ đàm truyền hình trực tuyến “Gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thuỷ” để tạo ra một diễn đàn mở cho các chuyên gia, đại diện các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân đang tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bàn luận, đề xuất tìm hướng xây dựng giải pháp đồng bộ cho giao thông đường thuỷ.
Toạ đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang cùng đại diện nhiều Cục, Vụ của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các Sở GTVT Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM… Toạ đàm có sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gồm Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, Tập đoàn Sun Group.
Toạ đàm bàn tròn được tường thuật trực tuyến trên báo Lao Động (Laodong.vn) với 2 đầu cầu Hà Nội (trụ sở Báo Lao Động số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và TPHCM (tại Văn phòng Báo Lao Động tại TPHCM, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TPHCM). K.H
Khánh Hòa

Không có nhận xét nào: