Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Lý do việc rà soát GS, PGS không đạt yêu cầu

Lý do việc rà soát GS, PGS không đạt yêu cầu
Copy từ http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ly-do-viec-ra-soat-gs-pgs-khong-dat-yeu-cau-3353453/?paged=2 ;tác giả: TS Lê Hồng Sơn; đã đăng ngày 27/02/2018 07:42.
(Diễn đàn trí thức)- Nếu chỉ rà soát các ứng viên GS, PGS theo hồ sơ thì kết quả là con số 0, hoàn toàn không có gì lạ.
Vấn đề mang tính cốt lõi, sống còn ở đây là phải sục vào từng Hồ sơ để kiểm tra tính xác thực giữa các tiêu chuẩn, tiêu chí với thực lực của từng ứng viên thì mới phát hiện ra được những tiêu cực.
Phải kiểm tra, rà soát một cách thực chất chứ không thể theo kiểu hình thức, đối phó như vừa rồi. Đây là một biểu hiện của những sai trái trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách cho những người đạt học hàm GS, PGS từ vài chục năm trở lại đây. Những sai trái này theo tôi, có thể điểm qua như: Xem chức danh này là chức danh Nhà nước. Ở đây có "danh" và có "lợi".
"Danh" thì đã rõ, còn "lợi" ở đây là việc xem các loại học hàm này như những chức danh thuộc ngạch công chức để xếp lương: Theo Thông tư 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định, trường hợp đã được bổ nhiệm ngạch Giáo sư - Giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; Trường hợp đang giữ ngạch Giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 và được xếp lương lên một bậc trên liền kề của bậc lương chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Còn trường hợp đang giữ ngạch Phó giáo sư - Giảng viên chính, mã số 15.110 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Đối với viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Việc xếp tương đương như vậy từ học hàm sang chức danh công chức là có sự bất hợp lý và thực tế cũng khá nhiều năm Bộ Nội vụ đã không chịu thực hiện theo cơ chế này. Vậy đến nay Nhà nước có dám sửa cho hợp lý hơn không?.
Chưa kể, kèm theo đó là khá nhiều chính sách có tính bổng lộc, lợi ích khác đã lôi kéo người ta sử dụng đủ mọi biện pháp, cách thức, kể cả tiêu cực, tham nhũng để đạt cho được việc bổ nhiệm vào chức danh GS, PGS. Khi đạt được rồi thì thở phào nhẹ nhõm việc cố gắng để duy trình chức danh này là khá dễ dàng, không có chút khó khăn nào.
Một hiện tượng mà dư luận đã nói nhiều cũng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để phân định rõ ràng đó là, sự phân định giữa lực lượng nhân sự là cán bộ công chức đang thi hành công vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ lập pháp, hành pháp tới tư pháp và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống với lực lượng nhân sự đang đảm nhiệm việc giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng như cơ sở nghiên cứu khoa học.
Việc này chúng ta phân định chưa tốt, cho nên thực tế đã có sự lạm dụng, đã có hiện tượng cơ hội thực dụng chi phối. Khá nhiều người, khi đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao cấp trong bộ máy quản lý, cứ luôn mồm ra rả rằng quá tải, nhiệm vụ được giao quá sức mình, vậy thời gian và điều kiện đâu để tham gia công tác đào tạo và lập hồ sơ để được công nhận chức danh GS, PGS?
Thời gian vừa qua, có khá nhiều người trong số lãnh đạo khi được công nhận chức danh GS, PGS lập tức làm cho công luận nhìn nhận như một biểu hiện của cơ hội, thực dụng, của sự lạm quyền. Tôi cho rằng đây cũng là một biểu hiện của tiêu cực. Ngạch nào phải trả về đúng ngạch nấy. Người đã làm việc này thì khỏi làm việc khác.
Một khi mà cả hai việc, hai ngạch đều yêu cầu về thời gian, sức lực, yêu cầu sự cống hiến tận tâm, tận lực của đương sự, của một cán bộ, công chức. Thời gian đâu, sức lực đâu để tham lam, vơ vào như vậy?
Về Hội đồng xét duyệt, công nhận, tôi cho rằng cách làm của Hội đồng lâu nay vẫn rất hình thức, chưa đi vào thực chất để xem xét, kiểm tra, đánh giá của từng trường hợp.
Đây là hiện tượng, là biểu hiện của cách làm việc theo nguyên tắc "án tại hồ sơ", là chưa có các hoạt động kiểm tra, đánh giá một cách thực chất đối với từng trường hợp, từng hồ sơ.
Muốn Hội đồng đi vào thực chất trong hoạt động của mình, tôi cho rằng cần phải làm việc một cách cẩn trọng, có trách nhiệm, thực chất đối với từng hồ sơ, từng ứng viên, xem xét đánh giá sự chính xác, chuẩn mực của từng ứng viên thì mới có kết quả thực chất.
Vấn đề này cũng cần phải sửa ngay từ khâu định ra chủ trương, thể chế pháp luật thì mới làm chuẩn mực trong việc xem xét, đánh giá, công nhận chức danh GS, PGS.
TS Lê Hồng Sơn
Tin liên quan: Lý do xin lùi thời hạn rà soát giáo sư - Xem tại đây.

Không có nhận xét nào: