Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Luật Phòng Chống tham nhũng: Nói không với ngoại lệ

Luật Phòng Chống tham nhũng: Nói không với ngoại lệ
Copy từ http://nongnghiep.vn/luat-phong-chong-tham-nhung-noi-khong-voi-ngoai-le-post216455.html ;tác giả: Kiên Cường ; đã đăng ngày 11/04/2018, 18:15.
Sáng 11/4/18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).


Ảnh minh họa
Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật lần này là sẽ không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thành viên thuộc Bộ Chính trị quản lý cũng phải theo luật
Qua thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ tư, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.
Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ chọn phương án Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này.
Giao cho Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Ai phải kê khai tài sản, thu nhập?
Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận lần đầu tại nghị trường. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành với phương án thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định kê khai đối với trường hợp được bầu, bổ nhiệm mà không quy định đối với tất cả. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng…


Ảnh minh họa
Ông Khái cho biết, sau khi nghiên cứu, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập. Giải trình lý do giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng, Chính phủ nêu rằng Trung ương Đảng đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới, từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ngoài ra, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa thực chất xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa quản lý được dữ liệu bản kê khai, chưa kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật.
Không thể tịch thu tài sản không xác định nguồn gốc
Đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng "suy đoán có tội".
Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.
Đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.
Kiên Cường

Không có nhận xét nào: