Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Tiền thuế của dân không thể ‘kệ’ được

Tiền thuế của dân không thể ‘kệ’ được
Copy từ http://plo.vn/thoi-su/tien-thue-cua-dan-khong-the-ke-duoc-762738.html ;tác giả: Chân Luận ; đã đăng ngày 31/3/2018 - 07:00
(PL)- Cần nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Chị Mai Thị Lựu đang thuyết minh về hoạt động giám sát sử dụng ngân sách ở địa phương của nhóm. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ngày 30-3-18, Tổ chức Oxfam và Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức hội thảo “Quản lý ngân sách nhà nước: Từ các sáng kiến thực tiễn đến giải pháp chính sách”. Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án “Thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia trong quản lý ngân sách nhà nước” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân sách nhà nước
TS Lê Đăng Doanh (thành viên Ban Chính sách phát triển - Liên Hiệp Quốc) cho rằng Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân sách nhà nước, đặc biệt cần nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thu Hương đến từ Oxfam Việt Nam cũng đồng tình và cho rằng minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia là yếu tố tiên quyết để đảm bảo hệ thống chính sách hoạt động hiệu quả. Theo kết quả đánh giá về Công khai ngân sách cấp tỉnh (POBI), sáng kiến do Oxfam và BTAP khởi xướng, tình hình thực hiện công khai thông tin ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước Việt Nam hiện nay còn hạn chế ở cấp tỉnh.
Tuy vậy, có nhiều địa phương đã áp dụng cơ chế công khai, minh bạch ngân sách ở cấp độ nhất định. Điển hình như Quảng Trị đã áp dụng cơ chế này để người dân đánh giá và phản hồi về chất lượng của các dự án đầu tư công cũng như các chương trình của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đăng Ánh, Phó ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Trị, cho hay sau quá trình tham vấn 678 hộ dân đã phát hiện những bất cập trong việc phân bổ ngân sách cho chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và kinh tế tập thể. Vì vậy, Quảng Trị đã tiết kiệm hơn 4 tỉ đồng tiền ngân sách hằng năm.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, cho biết HĐND tỉnh này đã áp dụng các tiêu chí của POBI để quyết định lựa chọn dự án đầu tư công, đảm bảo sự khách quan, công khai và minh bạch. Theo ông Dũng, tính riêng năm 2016, HĐND tỉnh Quảng Trị đã đưa khỏi danh sách bốn công trình đầu tư công được đánh giá là chưa cần thiết với tổng số vốn đầu tư là 144 tỉ đồng.

Chị Mai Thị Lựu đang thuyết minh về hoạt động giám sát sử dụng ngân sách ở địa phương của nhóm. Ảnh: CHÂN LUẬN


Anh Hà Văn Pởi thuyết minh về hoạt động giám sát sử dụng ngân sách ở địa phương của nhóm. Ảnh: CHÂN LUẬN
Giám sát chặt “vì đó là tiền thuế của dân đóng”
Chia sẻ những câu chuyện cụ thể, thiết thực, anh Hà Văn Pởi, nhóm cộng đồng Chiềng Châu (xã Tòng Đậu, Mai Châu, Hòa Bình), đem đến hội thảo câu chuyện của cộng đồng mình. Năm trước, từ nguồn ngân sách, xã Chiềng Châu được bố trí vốn xây một con mương. Khi nhóm cộng đồng vào giám sát thì phát hiện mương không đạt yêu cầu, từ độ cao cho đến chiều dài. Anh Pởi cho biết có giám sát của cộng đồng, một con mương ở xã đã được thiết kế hợp lý hơn và được kéo dài hơn 100 m so với ban đầu.
Chị Hồ Thị Nghĩa, nhóm cộng đồng ở xã Gio Việt (Gio Linh, Quảng Trị), kể khi xã tiến hành làm đường liên thôn thì nhóm cộng đồng tiến hành giám sát. Có khi trời mưa, nhóm ra nói nhà thầu: “Sao trời mưa mà các chú thi công?”. Nhà thầu trả lời lại: “Kệ chúng tôi!”. Vậy là nhóm phải đến gặp UBND xã và khi có lệnh của xã thì nhà thầu mới dừng thi công. Chị Nghĩa kể chuyện với tất cả sự chất phác của người Vân Kiều: “Con đường liên thôn đó có giá 300 triệu đồng cho 1 km cơ mà”.
Hoặc cuối năm ngoái, nhóm cộng đồng phát hiện ra những hộ nghèo ở đây chỉ được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước có ba quý (tức chín tháng) trong khi lẽ ra phải nhận được 12 tháng. Vậy là nhóm cộng đồng phải đến từng hộ bàn bạc, nắm bắt ý kiến, tập hợp kiến nghị của các hộ nghèo. Sau đó, nhóm thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tỉnh và đối thoại với UBND xã cũng như các cơ quan liên quan. Cuối cùng, UBND xã đã chi trả đủ tiền hỗ trợ 12 tháng cho các hộ nghèo.
Chị Mai Thị Lựu, nhóm cộng đồng Baze (ở Hải Lăng, Quảng Trị), mở đầu câu chuyện của mình bằng nhận định: “Lúc đầu chúng tôi tưởng ngân sách không liên quan đến mình. Nhưng khi tìm hiểu thì mới thấy ngân sách là từ tiền thuế của dân đóng”.
Chị Lựu tiếp: “Chúng tôi biết được nhiều về ngân sách nhà nước, quản lý ngân sách và công trình trên địa bàn. Các công trình sau dân tham gia nên hiệu quả hơn” - chị Lựu nói.
Chân Luận
dvnien tôi có ấm ức vấn đề sau, mà tôi gọi theo tựa bài báo này, là "Cái nhìn của dân, không thể 'Kệ' được". Mời các bạn xem ảnh này ... để cùng ấm ức với tôi ... (Nguồn ảnh: trong các bài báo tháng 03/2018 về 12 linh vật (con giáp) theo âm lịch.)

Không có nhận xét nào: