Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tan giấc mộng vàng

Tan giấc mộng vàng
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/512645/tan-giac-mong-vang.html ; đăng ngày 22/09/12, mục Chính trị - XH.
TT - Ngày 10-10-2012, thời hạn thăm dò kho báu núi Tàu (Tuy Phong, Bình Thuận) sẽ kết thúc. Tuy nhiên, vẫn chưa có một thỏi vàng nào được tìm thấy trong “4.000 tấn vàng” như hi vọng của ông Trần Văn Tiệp - người đi tìm kho báu.
Đỉnh núi Tàu vẫn chỉ ngổn ngang đất đá, chưa có dấu hiệu nào về “4.000 tấn vàng” - Ảnh: VIỄN SỰ
Trở lại núi Tàu lần thứ ba kể từ khi đỉnh núi này được cấp phép thăm dò kho báu, nhưng thứ duy nhất chúng tôi thấy đổi khác chỉ là những bụi bằng lăng ổi đang vào mùa rộ hoa. Còn lại trên công trường vẫn đất đá lổn nhổn và những hố nước chưa kịp san lấp, hoàn toàn không có tín hiệu nào của “4.000 tấn vàng”.
Không tìm thấy kho báu
Theo lời ông Trần Văn Tiệp, toàn bộ công việc thăm dò kho báu đã được ông ủy quyền cho một công ty của Bộ Quốc phòng, do một trung tá quân đội là cháu của ông trực tiếp chỉ huy. Tuy nhiên, gia đình vẫn giám sát rất chặt chẽ, ông Tiệp dù đã 97 tuổi vẫn thỉnh thoảng đi xe Zeep từ TP.HCM ra Tuy Phong để xem xét công việc. Đồng thời, ông cũng giao người con trai là anh Trọng Hoàng thường xuyên có mặt ở núi Tàu để trông coi. Nhưng không như hi vọng và sự đầu tư của ông Tiệp, anh Hoàng nói: “Cho tới giờ đã khoan thăm dò rất nhiều mũi nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của kho báu”.
Theo quyết định cấp phép ban đầu của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Trần Văn Tiệp được phép thăm dò kho báu trong 270 ngày (kể từ ngày 10-10-2011) và được tiến hành năm mũi khoan thăm dò, với độ sâu 35m. Vì một số lý do trong khâu chuẩn bị, đến tháng 4-2012 những mũi khoan đầu tiên mới được tiến hành. Vào thời điểm đó, gia đình ông Tiệp vẫn rất tin tưởng cho rằng chỉ cần 10-15 ngày là thực hiện xong năm mũi khoan và sẽ biết có kho báu hay không. Nhưng cả năm mũi khoan này dù đã khoan sâu hàng chục mét đều không chạm vào bất cứ thỏi vàng nào.
Tưởng chừng cơ hội sẽ sớm chấm dứt khi thời hạn đã sắp hết và số mũi khoan cho phép cũng đã thực hiện thì cuối tháng 6-2012, UBND tỉnh Bình Thuận bất ngờ trao thêm cơ hội cho ông Tiệp khi gia hạn thời gian thăm dò kho báu thêm 90 ngày. Đồng thời số mũi khoan được tăng lên 20 mũi, trên diện tích thăm dò 2.400m2 với độ sâu không hạn chế. Nhưng đến thời điểm này, theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Hạnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, đơn vị thăm dò đã sử dụng gần hết cơ hội được trao thêm - khoan đến 16 mũi trên núi Tàu với những độ sâu khác nhau nhưng kho báu vẫn không xuất hiện.
Sẽ không gia hạn
Trái với những niềm hi vọng đang tắt dần trên công trường thăm dò kho báu ở núi Tàu, ông Trần Văn Tiệp vẫn khẳng định ông chưa hề suy suyển niềm tin về kho báu núi Tàu, về giấc mộng vàng mà ông đã đeo đuổi nửa thế kỷ. Để minh chứng cho niềm tin của mình, ông gọi người con út Trần Phương Hồng mang ra hai mảnh đá khá lớn, mặt phẳng lì như được mài, khá vuông, thành sắc cạnh, khi dùng tay chà xát bị bong ra như vôi vữa.
Ông Tiệp cho biết đây là những tảng đá ông đưa lên từ lòng núi Tàu, khi còn nằm trong lòng núi được xếp rất đều theo hình cánh sao, ở giữa các tảng đá tạo ra một lỗ tròn. Số lượng đá này được phát hiện trong lòng núi Tàu rất nhiều từ thời điểm năm 1993 khi ông bắt đầu thăm dò mà theo ông, số lượng có thể lên đến 400-500 tấn.
Ông Tiệp tin rằng đây là những khối vật thể nhân tạo bao bọc phía ngoài kho vàng, vì đá tự nhiên không thể có hình thù như vậy. Niềm tin càng lớn hơn khi cuối tháng 7-2012, Trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Liên đoàn Địa chất miền Nam xác định khối đá này được tạo thành từ một hỗn hợp khoáng chất. Trong đó có khoáng vật sét, chlorit, plagioclas, oxit sắt... với tỉ lệ khác thường so với nhiều loại đá tự nhiên.
Không chỉ giữ nguyên niềm tin về kho báu, ông Tiệp còn tỏ ra rất minh mẫn khi vẫn nhớ cả lời hứa “tìm kho báu không phải cho tôi” lúc mới bắt đầu thăm dò. Ông vẫn khẳng định sẽ dành đến 90% kho báu để cho đất nước và làm từ thiện. Trong đó 30% gửi Bộ Quốc phòng để trang bị khí tài hiện đại cho quân đội, 50% nộp vào công quỹ nhà nước, 10% sẽ gửi cho tỉnh Bình Thuận xây dựng các công trình phúc lợi, tặng những người đã góp công, kiên trì giúp ông tìm kiếm kho báu trong 20 năm qua. Cá nhân ông và con cháu chỉ xin giữ lại 10% giá trị kho báu.
Tất nhiên, để có thể thực hiện được lời hứa ấy, ông Trần Văn Tiệp buộc phải xin gia hạn thời gian thăm dò kho báu núi Tàu mà theo dự tính của ông có thể xin thêm một hoặc hai năm nữa. Dù vậy, khi Tuổi Trẻ chuyển ý nguyện này của ông Tiệp đến ông Nguyễn Ngọc Hạnh thì ông Hạnh lắc đầu. Ông Hạnh cho rằng nếu đề nghị này của ông Tiệp được đưa lên thì phải thông qua thường trực UBND tỉnh mới quyết định được, nhưng khả năng được đồng ý gần như không thể xảy ra. “Chúng tôi rất trân trọng ý chí và tâm nguyện của ông Tiệp và đã dành nhiều cơ hội để ông tìm kho báu nên mới có quyết định cho thăm dò. Nhưng đó đã là những cơ hội cuối cùng!” - ông Hạnh nói.
Khẳng định ấy của một người có thẩm quyền trong việc cấp phép tìm kho báu chắc sẽ làm buồn lòng ông Trần Văn Tiệp, khi giấc mộng vàng về kho báu núi Tàu của ông sắp sửa phải khép lại.
Nguyễn Viễn Sự

Không có nhận xét nào: