Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Nước - Tài nguyên chiến lược toàn cầu mới

Nước - Tài nguyên chiến lược toàn cầu mới
Copy từ http://www.sggp.org.vn/vietnamvathegioi/2012/9/298389/ ; tin ngày 08/09/12, mục VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI.
Ngày 7-9-12, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao lần thứ 20 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vladivostock, LB Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) năm 2012.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại cuộc Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Nga.
 
Thời khắc phải hành động!
APEC CEO Summit là hội nghị thường niên quan trọng và có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, với chủ đề “Xử lý thách thức - Mở rộng cơ hội”, hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 700 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - một trong 10 nhà lãnh đạo APEC được mời tham dự và phát biểu tại hội nghị - đã có bài phát biểu quan trọng dẫn đề tại phiên thảo luận về “Nước - Nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới” và cùng Tổng thống Chile Sebastian Pinea chủ trì thảo luận với các doanh nghiệp. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nguồn nước đang ngày càng trở thành một tài nguyên chiến lược khan hiếm toàn cầu, không chỉ tác động đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng môi trường an ninh của nhiều quốc gia, nhiều châu lục trên thế giới. An ninh nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng và chịu tác động đan xen do sự gia tăng nhanh chóng của dân số thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Do đó, cần phải có cách tiếp cận toàn diện và dành sự quan tâm đầy đủ đối với vấn đề khai thác, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước trên toàn thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh sự cần thiết hình thành cơ chế đối thoại của APEC về tài nguyên nước, gắn với Chiến lược tăng trưởng mới của APEC. “Đây là thời khắc phải hành động! Chúng ta hãy chung tay bảo vệ và quản lý nước - nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới, đóng góp có trách nhiệm vào việc phát triển bền vững và năng động của châu Á - Thái Bình Dương” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cơ hội mới cho nhà đầu tư nước ngoài
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trường ĐH Quốc gia Hàng hải Nevelskoy. Chủ tịch nước đã cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm mà nhà trường dành cho các sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, bày tỏ mong muốn ngày càng có thêm nhiều sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học của Nga nói chung và của vùng Viễn Đông nói riêng. Chủ tịch cũng thăm hỏi, động viên các sinh viên Việt Nam đang học tại ĐH Nevelskoy.
Tại cuộc Tọa đàm doanh nghiệp Việt - Nga với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước phát biểu nhấn mạnh quan hệ kinh tế - thương mại đang ngày càng phát triển là nền tảng và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Chủ tịch nước đánh giá cao sự tham gia tích cực của doanh nghiệp hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa khu vực Viễn Đông và Việt Nam.
Cũng trong ngày 7-9-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đại diện của các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Tối cùng ngày, Chủ tịch nước chủ trì tiệc tối với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu trong khu vực. Tại đây, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hội nhập quốc tế toàn diện. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, quá trình chuyển đổi của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp khu vực kinh doanh và đầu tư.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC: Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng quan hệ hai nước
(SGGP).- Trong ngày 7-9-12, tại Vladivostock, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng tình hữu nghị với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đồng thời bày tỏ vui mừng trong những năm qua, với sự nỗ lực cùng thúc đẩy của cả hai bên, quan hệ giữa hai nước không ngừng tiến lên phía trước.
Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân Hội nghị cấp cao APEC 20 (2012) diễn ra tại Vladivostok ngày 7-9-2012. Ảnh: Giản Thanh Sơn
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho rằng trong tình hình hiện nay việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Về vấn đề biển Đông, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp.
 
Trần Lưu (từ Vladivostok)
- - - - - - - - - -
Các nền kinh tế APEC vẫn ở mức hàng đầu thế giới
Hãng AFP đưa tin, ngày 7-9-12, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đồng ý đẩy nhanh đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng của 9 nước này họp tại Vladivostok bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng của APEC đã thông qua quyết định trên. TPP nhằm mục đích tự do hóa mậu dịch và đầu tư trong vùng châu Á - Thái Bình Dương bằng cách loại bỏ mọi hàng rào thuế quan. Năm ngoái, Nhật Bản công bố sẽ bắt đầu tham khảo ý kiến các nước đang đàm phán nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng vì trong nước vẫn bất đồng về vấn đề này.
Cùng ngày, Cơ quan hỗ trợ chính sách, một đơn vị nghiên cứu độc lập thuộc APEC công bố bản báo cáo cho biết bất chấp tình trạng bất ổn của kinh tế thế giới, kinh tế và buôn bán của 21 nền kinh tế thành viên APEC vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Mặc dù mức tăng trưởng thương mại trung bình của các nền kinh tế APEC chỉ đạt 4,6% trong tháng 5-2012, so với 12,1% hồi tháng 12-2011 (dựa theo giá trị buôn bán hàng hóa của các nền kinh tế thành viên APEC tính bằng đồng USD), song vẫn đủ để khối này duy trì vị trí tăng trưởng hàng đầu so với các nền kinh tế khác. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của APEC sẽ tăng nhẹ lên 4,2% trong năm 2012 so với mức 4,1% của năm ngoái. Năm 2013, con số này sẽ đạt 4,5%, vượt xa so với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ chính sách APEC, ông Dennis Hew, cho biết mặc dù hoạt động buôn bán của các thành viên APEC trong nửa đầu năm 2012 không đồng đều do nhu cầu toàn cầu yếu và giá hàng hóa giảm mạnh, song tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế thành viên APEC vẫn tương đối mạnh và có khả năng phục hồi cao.
Theo ông Hew, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào khu vực này là đáng khích lệ nhờ một thực tế là châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa mức tăng FDI của toàn cầu trong năm 2011. Tuy nhiên, ông Hew cảnh báo tăng trưởng kinh tế, buôn bán và đầu tư của APEC có thể sẽ bị tác động đáng kể bởi nguy cơ suy thoái liên quan tới môi trường bên ngoài, cho dù hoạt động kinh tế của khối này dự kiến vẫn tương đối mạnh trong thời gian trung hạn.
T.Hằng - K.Minh

Không có nhận xét nào: