Chả còn biết tin vào ai
(Copy from http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Cha-con-biet-tin-vao-ai/83813.bld)Nếu như bầu Kiên đã từng nổi tiếng với việc chỉ trích VFF đừng coi những ông bầu là "những học sinh lớp hai” thì mới đây, việc ví von ấy lại được lặp lại khi ông Calisto trả lời truyền thông Việt Nam rằng: “Chỉ có đứa trẻ lên 5 mới nghĩ Huy Hoàng say rượu".
Nhắc đến hai sự phản ứng ấy để thấy rằng, việc mà người nghe luôn phải tiếp nhận thông tin thiếu độ tin cậy không phải ít và ở cấp nào cũng vậy. VFF đã từng “xí gạt” các ông bầu đội bóng, những ông chủ doanh nghiệp lớn hẳn hoi, và giờ đến lượt các đội bóng cung cấp thông tin mà chẳng một ai có thể tin nổi, điển hình là vụ Huy Hoàng “tay bắt đom đóm, lưỡi đá xi nhan”.
Thật ra chẳng cứ gì lĩnh vực thể thao, ở lĩnh vực người ta gọi là văn hoá cũng “ảo” chẳng kém. Cô hoa hậu có chồng hẳn hoi, vậy mà khi bị tố giác bởi sự thật ấy, ban đầu cô chối, sau cô cho rằng mình bị hại. Người nghe chỉ còn biết cười ruồi. Mới thôi, sự kiện đang còn nóng hổi, chương trình thi thố ca nhạc phát trên kênh truyền hình trung ương hẳn hoi bị tố giác có sự sắp đặt. Và rồi, người bị tố giác lại tuyên bố mình bị hại dù giọng nói của cô trong clip quá rõ ràng.
Vấn đề chính của chuyện vì sao người hâm mộ, những người dân bình thường không có điều kiện kiểm chứng thông tin lại hoang mang đến thế khi tiếp nhận thông tin. Ấy là bởi ngay chính nơi cung cấp thông tin đã không tạo được sự an tâm bởi nay nói thế này mai nói thế khác chẳng còn là chuyện lạ.
Ở đội tuyển Việt Nam, đâu phải lần đầu có người bị nghi là dùng chất kích thích. Sỹ Mạnh đã từng bị bắt ở quận 7 TPHCM trong động lắc. Như Thành thừa nhận rõ ràng mình đã từng dùng qua. Bề nổi là vậy, tảng băng chìm ở dưới còn ghê gớm đến thế nào. Nhưng, công an Thanh Hoá ban đầu thì bảo không có hơi rượu, lúc sau lại bảo Huy Hoàng say rượu nhưng không đo được nồng độ cồn vì anh này “mất năng lực hành vi”. Vậy thì cũng như người hâm mộ “xem hình đoán chữ” thôi chứ có dựa trên cơ sở khoa học nào để kết luận đâu mà bắt người khác phải tin đó là sự thật. Và chính vì sự mù mờ ấy, những lời bàn tán về chuyện đội tuyển Việt Nam vẫn đầy con nghiện không thể chấm dứt. Việc thiếu niềm tin về những người đang đại diện cho màu cờ sắc áo của quốc gia vẫn không thể có kết luận cuối cùng vì từ VFF đến các câu lạc bộ đều ngó lơ.
Nhìn sang lĩnh vực văn hoá, cũng chả khác là mấy. Đại diện VTV, nơi phải chịu trách nhiệm chính trong các chương trình của mình khi chuyển tải nội dung đến nhân dân, đã không có mặt tại buổi họp báo. Cùng với đó là việc đưa lên chương trình bản tin của mình một đoạn ngắn mà ở đó chỉ có thông tin một chiều có lợi cho đối tác. Và tất nhiên, phớt lờ tất cả, sóng đài truyền hình quốc gia vẫn tiếp tục được dùng cho chương trình ấy, vẫn phát đi cái mà người hâm mộ gọi là sự dối trá đến từng căn hộ.
Các nhà quản lý đừng trách là tại sao người hâm mộ cứ tìm đến các trang mạng, các clip để rồi hồ nghi tất cả, bởi ngay cả việc nói chuyện sòng phẳng, nói thẳng nói thật, giờ cũng là của hiếm. Thế nên, đội tuyển quốc gia không còn được yêu như xưa, chương trình ca hát gì đó chẳng còn được đón xem, chả có gì là lạ nữa cả. Không tin thì xem làm gì cho mệt.
Phạm Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét