Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Nông dân mang màu sắc mới cho du lịch

Nông dân mang màu sắc mới cho du lịch
Copy từ http://sgtt.vn/Kinh-te/168075/Nong-dan-mang-mau-sac-moi-cho-du-lich.html ; tin ngày 11/09/12, mục Kinh tế.
SGTT.VN - Nông dân các làng xã từ Bắc chí Nam tham gia làm dịch vụ du lịch không ít. Trong đó, làm bài bản, phải kể đến An Giang. Ở An Giang, không có cảnh mạnh ai nấy làm, nông dân tập hợp nhau làm du lịch dưới sự hướng dẫn của trung tâm Du lịch nông dân trực thuộc hội Nông dân tỉnh An Giang.
Nông dân thiết kế tour
Hộ dân làng thổ cẩm Châu Phong giúp khách chọn khăn choàng.
Ông Trần Kim Đính, giám đốc công ty TNHH thông tin lữ hành Mekong (Cần Thơ) đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ tay hướng dẫn du lịch và tấm bản đồ các điểm du lịch nông nghiệp tại An Giang được biên soạn kỹ lưỡng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trình bày chi tiết rõ ràng, in ấn đẹp mắt.
Du lịch gắn với nông nghiệp thì không thể thiếu ruộng vườn hay trên sông nước. Với suy nghĩ đó, trung tâm Du lịch nông dân An Giang khi biên soạn cuốn sổ tay du lịch, cứ ở một điểm tham quan, họ chỉ ra cho du khách thấy bên cạnh đó có một làng nghề hay một vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản; hoặc sẽ được thưởng thức hương vị của các món ăn đặc trưng, hoà mình vào sinh hoạt văn hoá của người dân tại nơi ấy.
Ông Trương Hoàng Phương, giám đốc tiếp thị của công ty du lịch Vietmark lần đầu tiên đọc tour do nông dân An Giang thiết kế đã thích thú ngay tour săn cá trên sông Vàm Nao và khám phá rừng tràm Trà Sư. Ông nói tour này phù hợp cho việc tổ chức team – building, một loại hình du lịch chuyên của Vietmark. Thế là, hai năm nay trung tâm Du lịch nông dân An Giang trở thành đối tác tổ chức tour với Vietmark.
Đủ sắc thái du lịch với nông dân
Ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên trách dự án du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang, cho biết nhiều năm trước khách du lịch trong nước và nước ngoài đến An Giang chỉ biết vài nơi như miếu Bà Chúa Xứ, núi Cấm, làng bè; trong khi có nhiều nơi cuộc sống đời thường sản xuất, sinh hoạt văn hoá của cư dân địa phương nếu biết quảng bá chắc chắn sẽ thu hút du khách. Khi tổ chức Hỗ trợ nông dân Hà Lan (Agriterra) tài trợ kinh phí thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp cho ba tỉnh ở Việt Nam là Lào Cai, Tiền Giang và An Giang, hội Nông dân An Giang đã nắm bắt cơ hội, thành lập trung tâm Du lịch nông dân để tham gia dự án. Kinh doanh du lịch quá mới mẻ đối với nông dân An Giang, nhưng đã có tín hiệu tích cực sau hơn năm năm kiên trì. Giai đoạn 1 (2007 – 2010), An Giang được Agriterra đánh giá là địa phương làm hiệu quả nhất. Ai đã từng tham quan các hội chợ du lịch ở TP.HCM hay ở đồng bằng sông Cửu Long đều thấy trung tâm Du lịch nông dân An Giang quảng bá hay hơn các công ty lữ hành của tỉnh, có đầy đủ thông tin, có minh hoạ bằng sinh hoạt làng nghề nông thôn, rồi có cả những buổi gặp gỡ tiếp thị với các công ty lữ hành tại TP.HCM. Có người tích cực lo quảng bá, nông dân tham gia dự án chăm chỉ theo học các khoá đào tạo tiếng Anh căn bản, cách tiếp đón, phục vụ du khách… Từ ba xã đầu tiên là Mỹ Hoà Hưng (Long Xuyên), Tân Trung (huyện Phú Tân) và Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), đến nay đã có thêm nông dân 12 xã, phường khác tham gia làm du lịch.
Để nâng cấp dịch vụ tốt hơn, 11 hộ nông dân ở Mỹ Hoà Hưng và Văn Giáo đã tự lo 75% vốn đối ứng để nhận 25% vốn đầu tư từ Agriterra tài trợ cho việc làm mới chỗ ngủ cho khách, xây dựng nhà vệ sinh theo yêu cầu năm khách phải có một nhà vệ sinh, nhà tắm đúng tiêu chuẩn, sửa chữa thuyền máy, mái che thuyền, trang bị áo phao, xe đạp, cải tạo ao thả cá, xây nhà lá phục vụ ăn uống ngoài vườn… Có những thứ được giữ nguyên như dùng chính ghe thuyền chở nông sản, vật tư nông nghiệp chở du khách để họ cảm giác mình đang là nông dân thực thụ, hướng dẫn cho khách làm đồ mộc, câu cá bằng chính cưa, đục, cần câu hàng ngày nông dân sử dụng.
Trung tâm Du lịch nông dân An Giang xác định ngay từ đầu là không phát động chung chung rồi để người dân tự làm, mà chính trung tâm đi khảo sát từng xã, phường, chỉ những nơi có di tích lịch sử – văn hoá, có làng nghề, có đặc sản nông nghiệp có thể hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn mới mời nông dân tham gia cùng tổ chức tour. Đến nay, xã Mỹ Hoà Hưng (Long Xuyên) có chín hộ dịch dụ homestay, ba hộ cho tham quan vườn cây ăn trái, hai hộ có xuồng máy đưa đón khách, các hộ còn lại đưa khách đi chơi quanh cồn bằng xe lôi và phục vụ đờn ca tài tử. Xã Văn Giáo (Tịnh Biên) có ba hộ phục vụ homestay, tám hộ cung cấp xuồng máy tham quan rừng tràm Trà Sư, năm hộ chài lưới, một hộ dệt thổ cẩm và một hộ lo ăn uống cho khách. Ở xã Ô Lâm (Tri Tôn) thì tám hộ trong làng nghề cốm dẹp hướng dẫn khách làm cốm dẹp, còn một hộ thì lo chương trình biểu diễn ca múa Khmer cho khách xem. Khoảng mười hộ ở làng bè Đa Phước và làng thổ cẩm Châu Phong kết nối tour cho khách tham quan Châu Đốc bằng đường sông khá tốt.
Du khách tới An Giang đi tour du lịch nông nghiệp đã tăng dần từ 1.000 khách năm 2008 đến 4.000 khách năm 2010. Từ hiệu quả thực tế đó, trung tâm Du lịch nông dân An Giang được Agriterra tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp giai đoạn 2 (2011 – 2014). Năm 2011 nông dân An Giang đón tới 7.000 khách, trong đó khoảng 700 – 800 khách nước ngoài.
Lá xanh hoa tím
 

Không có nhận xét nào: