Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

11 năm sau ngày định mệnh

Nhật ký trên những đôi giày
11 năm sau ngày định mệnh
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/168056/11-nam-sau-ngay-dinh-menh.html ; tin ngày 10/09/12, mục Ẩm thực - Du lịch.
SGTT.VN - Tôi đến New York vào những ngày đầu tháng 9. New York vẫn đông đúc nhộn nhịp như ngày nào. Xung quanh khu vực World Trade Center – trung tâm thương mại thế giới – nơi đã bị đổ sập trong ngày 11.9 hồi 11 năm trước nay đã mọc lên hai toà tháp mới. Từ đống đổ nát, người Mỹ đã và đang nỗ lực biến đau thương thành sức mạnh.
300-453
Toà tháp 1WTC đã hoàn thành được phân nửa khối lượng công trình.
Những chiếc cần cẩu vươn mình lên trời xanh và đám mây phản chiếu đang lững lờ trôi qua bề mặt kính của toà tháp 1WTC – One World Trade Center hay còn gọi là Freedom Tower.
Những kỷ vật còn sót lại
Vào ngày 11.9.2001, chỉ huy trưởng của tiểu đội cứu hoả New York, ông Brian O’Flaherty, đã chứng kiến chiếc máy bay mang số hiệu 175 đâm thẳng vào toà nhà phía Nam của trung tâm Thương mại thế giới (WTC) từ căn cứ của ông ở cảng hải quân Brooklyn. Ông báo cáo cho trung tâm quản lý bên trong khách sạn Marriot và tức tốc có mặt ngay sau đó. Khi toà tháp phía Nam sụp xuống, tất cả bêtông sắt thép đã bao trùm khách sạn và Brian bị thương. Ông đã đưa chiếc mũ bị giập nát cho Edward Henry, một đồng nghiệp bị mất chiếc mũ của chính mình trong khi mải làm nhiệm vụ. Henry rời sảnh khách sạn còn Brian ở lại giúp đỡ những người bị thương nặng hơn mình. Họ đều sống sót sau thảm hoạ nhờ có chiếc mũ của tình đồng đội! Đến nay chiếc mũ vẫn còn phủ đầy bụi bặm, móp méo và xước xát.
Robert Joseph Gschaar (3.8.1946 – 11.9.2001) đã tặng tờ 2 USD cho Myrta Alvarado khi ông ngỏ lời cầu hôn với bà. Thể hiện cho sự lãng mạn giữa hai con người đã từng kết hôn trước đây, ông cũng đặt một tờ 2 USD tương tự trong ví của mình. Vào cái ngày định mệnh đó, Robert ở tầng 92 của toà tháp phía Nam và chỉ vừa bắt đầu công việc mới trong vai trò nhân viên bảo hiểm tại công ty Aon. Ông nói với Myrta trên điện thoại sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào toà tháp rằng ông được lệnh di tản và sẽ gọi lại sau. Nhưng Myrta đã không bao giờ có thể nhận được một cuộc gọi nào nữa. Khi cảnh sát tìm thấy chiếc bóp, Myrta nhận ra trong đó là tờ bạc đã bị nhăn nhó vì sức ép khủng khiếp của đống đổ nát. Robert đã mãi mãi ra đi.
Đó chỉ là hai trong số những kỷ vật được lưu giữ tại Visitor Center nằm trong khuôn viên toà nhà sát cạnh khu tưởng niệm 11.9. Bên cạnh đó là những mảnh nhôm nhúm nhó, một tấm thép cong queo, một màn hình lớn treo trên tường chiếu lại những cuộc phỏng vấn người thân, gia đình, bạn bè các nạn nhân. Đó là câu chuyện của người cha mất con, người chồng mất vợ, cô gái trẻ mất bạn trai… Đoạn phim chỉ dài vài phút nhưng khiến tất cả những người ghé thăm đều cảm thấy cay cay nơi sống mũi.
Nơi quá khứ không bị chôn vùi

Nơi quá khứ không bị chôn vùi

Khu tưởng niệm 11.9 nằm ở góc đường Albany và Greenwich. Ga tàu điện ngầm gần nhất là World Trade Center, bạn có thể đi các line E hoặc line 2, 3 để đến đây.

Thành phố New York nằm phía bờ đông nước Mỹ, hiện đã có đường bay của Emirates Airlines khởi hành hàng ngày từ TP.HCM – Dubai (bảy tiếng), quá cảnh hai tiếng sau đó nối chuyến Dubai – New York (13 tiếng – máy bay Airbus A380) khá thuận tiện. Giá cả khách sạn ở trung tâm New York khá cao, bạn có thể ở xa trung tâm Manhattan một chút, qua các khu vực New Jersey hoặc Queens với giá rẻ hơn.

Giao thông ở New York rất thuận tiện với hệ thống tàu điện ngầm – metro, tàu điện – trạm, xe buýt trải khắp thành phố với bản đồ phát miễn phí tại các sân bay và các cột có ghi chữ I (information) ở khắp nơi.

Ngoài Visitor Center, năm 2012 người Mỹ vừa khánh thành khu tưởng niệm cuộc khủng bố ngay chính trên vị trí hai toà tháp cũ của WTC. “Đây là nơi để chúng ta tưởng nhớ đến những con người đã mất trong cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 và cuộc đánh bom ngày 26.2.1993. Mời các bạn đến và ghé thăm họ, những nạn nhân, những người đã hy sinh để cứu người khác, đồng thời cảm nhận sự quyết tâm của những người sống sót và tình đoàn kết của thế giới đã dành cho New York” – trích thông điệp của thị trưởng New York ông Michael R. Bloomberg.

Tại trung tâm tưởng niệm, tấm bảng công trình có ghi “Toà nhà (1WTC – One World Trade Center) đã đạt đến một nửa độ cao dự kiến trong tổng số 104 tầng với 3.000 công nhân đang làm việc hàng ngày”. Người ta viết tên những địa danh quen thuộc trong đó có Hội An – Việt Nam, Tripoli – Lybia, Milan – Ý, Bangkok – Thái Lan… để thể hiện sự quan tâm và chia sẻ của thế giới với người dân New York và gia đình các nạn nhân.

Để vào khu tưởng niệm, du khách phải đăng ký để nhận vé miễn phí tại trang web 911memorial.org. Đang tần ngần, tôi may mắn được một nữ bảo vệ vẫy tay lại phát cho tôi cùng một số bạn trẻ vé vào cửa. Khu tưởng niệm được kiểm soát an ninh chặt chẽ với rất đông cảnh sát và các điều hành viên. Du khách phải bước qua cửa máy soi và làm thủ tục như đi máy bay. Cứ 50m lại có một trạm kiểm soát để khách trình vé.

620-415
Một góc hồ nước phía nam, nơi tưởng niệm những người đã mất trong sự kiện 11.9.
Không gian khu tưởng niệm mát lạnh với hơn 400 cây gỗ sồi lớn nhỏ đang được trồng. Du khách được cung cấp miễn phí bản đồ và bảng giới thiệu bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Đức, Bồ Đào Nha, Nga. Toàn thể công trình có tên tạm dịch là “Nơi phản chiếu những cái tên của người đã mất”, do hai kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker thiết kế và được chọn trong 5.201 ý tưởng vào năm 2004.
Trên nền hai toà tháp nay là hai thác nước cao 30 bộ chảy xuống từ bốn phía của bức tường và từ từ đổ vào hố sâu bên dưới. 2.983 tên của người đã mất trong cuộc khủng bố ngày 9.11.2001 và cuộc đánh bom ngày 26.2.1993 cũng tại WTC được tạc lên mặt tấm đồng phủ bốn phía bề mặt hồ nước. Tên họ được xếp theo cụm như người mất trong chuyến bay, nhân viên công ty trong toà tháp, người hy sinh vì cứu hộ… các đồng nghiệp thường được đặt cạnh nhau. Mọi người có thể tìm vị trí đặt tên và thông tin chi tiết về quốc tịch và công ty làm việc của từng nạn nhân tại bốn máy tính đặt ở góc phía đông của hồ nước.
Dưới ánh nắng vàng vọt, nhiều gương mặt trầm tư nhìn về phía dòng nước đang chảy xuống hố sâu kia, vài bạn trẻ chắp tay cầu nguyện, số khác mân mê những dòng tên được khắc một cách trang trọng. Không có tiếng động gì ngoài tiếng nước réo rắc quện vào những giọt nắng cuối ngày.
Tôi bước ra khỏi khu tưởng niệm, tạm biệt cây lê nổi tiếng với cái tên suvivor tree bởi sức sống mãnh liệt sau khi bị chôn vùi dưới đống đổ nát ngày 11.9. Phía đối diện, công viên Ziccoti nay đã xanh màu lá, trẻ em vui đùa hồn nhiên, đôi tình nhân say đắm trong nụ hôn nồng nàn…
 
bài và ảnh: An Nam

Không có nhận xét nào: