Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Kiếp tằm ăn lá, nhả tơ…

Người dệt lãnh cuối cùng ở Tân Châu
Kiếp tằm ăn lá, nhả tơ…
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/168071/Kiep-tam-an-la-nha-to….html ; tin ngày 10/09/12, mục Lối sống.
SGTT.VN - Mấy tháng rày, ông Tám Lăng bận bịu lắm, đôi tai ở cái tuổi 85 có phần nghễnh ngãng nhưng cái giọng vẫn sang sảng như cái thời làng lụa Tân Châu (An Giang) đương sung túc. Ông đang vui vì lại được dệt lãnh Mỹ A, hai cái khung cửi sau hơn hai năm đóng mạng nhện giờ bày ra và tất bật…
Cháo lòng thay xưởng dệt
Một buổi tối mùa lũ hồi năm ngoái, tôi đi tìm ông Tám Lăng, hỏi thăm hoài mới nhận ra nhà, dù không phải người đến lần đầu. Cái bảng hiệu “MEKONG TANCHAU SILK Tám Lăng” ngoài cổng ngày trước đã được dựng ở góc xưởng, thay vào đó là bảng “quán cháo lòng”. Chủ nhà, ông Tám Lăng, đang ngồi ở cửa với người bạn hàng xóm, ông Bảy Thảo. Hai cái đầu bạc đều hướng ra đường, lặng lẽ nhìn trời mưa. Bên trong xưởng, chỗ đặt khung cửi giờ thay bằng mấy bàn tròn, thêm cái tủ đựng đồ nấu cháo. Ông Tám cười buồn: “Cho thằng cháu nội bán cháo kiếm đồng ra đồng vô, chớ để mấy khung dệt cho nhện giăng tơ cũng uổng”. Thỉnh thoảng họ lại nói bâng quơ một câu gì đó, không ăn nhập với nhau. Cố nghe mới hiểu, hai ông già đang kể lại cái ngày đã xưa, ở dọc con lộ dài năm cây số trước mặt, qua xã Long Châu, Long Hưng và Long Thành rộn ràng tơ lụa.
Mỗi khi nhớ nghề, ông Tám Lăng lại đem khúc lãnh dư ra ngắm.
Ông Tám tên thật là Nguyễn Văn Long, sinh chín người con, nhưng sau này chỉ có hai người nối nghiệp. Trong đó có người con trai tên Nguyễn Hữu Trí, nhiều năm trước Trí đã từng hợp tác với một nhà thiết kế, vừa dệt vừa lặn lội khắp nơi tìm chất liệu tự nhiên tạo thêm màu để đưa lãnh lên sàn diễn, sang trời Tây. Nay, anh xoay sang làm chuồng nuôi chồn. Bản thân ông Tám Lăng, chừng ba bốn năm trước, trở thành người dệt lãnh cuối cùng của đất lụa Tân Châu sau khi một người nữa bỏ cuộc vì không tìm được đầu ra. Vật vã thêm một thời gian ngắn, đến đầu năm 2010, ông cũng bỏ cuộc. Vị đối tác là Việt kiều Pháp không tiếp tục đặt hàng sau mười năm đồng cam cộng khổ với ông.
Không còn được dệt lãnh, ông Tám buồn hẳn, kiệm lời, lặng lẽ. Không để mất của cải tổ tiên để lại và gìn giữ bàn tay của vài người thợ dệt lãnh, ông quay sang dệt thêm gấm và nilông, chờ năm tới. Rồi năm tới đến nhưng lời hứa vẫn xa xôi, thêm phần đơn hàng gấm và nilông cũng bị cắt. Mấy khung cửi phủ bụi nằm dài, thợ tản mác. Còn ông suy sụp, phần vì nhớ nghề, phần thấy chán nản. Cái xưởng giao đứa cháu nội làm nơi bán cháo.
Lận đận nghề trăm năm
Trở lại câu chuyện của hai ông già, bây giờ có phần bớt ngâm ngợi khi có mặt người thứ ba. Ông Bảy Thảo chặc lưỡi: “Lãnh xứ này bền chắc thiệt, hồi má tui mất, liệm bằng lãnh, bốn năm sau bốc mả, quần áo lãnh chôn theo còn nguyên, vải liệm phải xé mới rách”. “Ăn thua gì – ông Tám Lăng cắt lời – Má tui chôn cả chục năm mà lãnh vẫn còn y”. Ông Bảy lái chuyện: “Ngày xưa phụ nữ xứ này ai cũng mặc lãnh, càng mặc càng đẹp…” Ông Tám lại cắt lời: “Bây giờ tóc xanh tóc đỏ, áo quần đủ kiểu có đẹp đâu. Nếu tụi nó đóng vô một bộ bà ba lãnh Mỹ A coi, đẹp khỏi chê”.
Trong mắt ông Tám, lãnh dệt bằng tơ tốt nhất. Khi nhuộm, cây lãnh phải nhúng vào thùng mặc nưa khoảng 100 lần, sau đó vắt sạch và đem phơi, mỗi ngày nhuộm từ ba đến bốn lần như vậy. Bình quân phải mất cỡ 45 ngày mới xong một đợt nhuộm lãnh. Tuy cực vậy, nhưng hồi đó còn hơn bây giờ, khi làng lụa đang hấp hối.
Đến Tân Châu hiện nay, đi dọc con lộ dài năm cây số – xưa là trung tâm của nghề lụa – xưởng se tơ đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Đã hơn 20 năm nơi đây không còn tơ, vì chẳng còn ai trồng dâu nuôi tằm, các xưởng đều đi mua tơ về se và bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Bên đó họ chuộng vì trang phục truyền thống của họ dệt bằng tơ Việt là đẹp. Cũng may! Với người sống bằng nghề, se tơ gia công là cứu cánh. Lớn hơn, trong tâm niệm những chủ xưởng, muốn giữ cái nghề của người đi trước. Xưởng của ông Tám Lăng chỉ còn hai thợ lành nghề, có lẽ là những người thợ dệt lãnh cuối cùng ở xứ lụa, không ai còn trẻ. Không còn lãnh để dệt, họ bỏ ông đi làm mướn nơi khác.
Ừ, ông có nghèo khó gì để phải chạy vạy kiếm miếng ăn hay tham lam gì khi đã ngoại bát tuần. Cái đau đáu của ông khi nghĩ, khi nói về tấm lãnh là cái đau đáu của người sợ mất một thứ đồ gia bảo mà tiền nhân đã ký gửi ở ông. Và ông hiểu, nó đang mất.
Nhọc nhằn níu giữ
Là người đi ra từ cái hợp tác xã tơ lụa phá sản hồi những năm 80 của thế kỷ trước, hơn 20 năm bám nghề, nay ông có thể mang đến người dùng một cây lãnh không tỳ vết. Kể chuyện những năm trước, khi đang còn dệt lãnh, tơ Tân Châu không còn, để làm ra cây lãnh theo đơn hàng, ông phải lặn lội lên Bảo Lộc, tìm đặt những loại tơ tốt nhất, tìm đối tác mua tơ Trung Quốc. Đồ nội làm xương ngang, đồ ngoại tốt hơn làm xương dọc. Xác tấm lãnh đã chia đôi.
Người con trai ông Tám Lăng – anh Nguyễn Hữu Trí, đã dày công đi tìm nhiều màu từ thiên nhiên cho lãnh.
Đang kể, ông Tám Lăng chợt hỏi: “Ủa, mấy doanh nghiệp trên Sài Gòn làm ăn khó lắm à? Họ về đây hỏi nhưng chẳng thấy ai trở lại đặt hàng”. Ông lại thở dài, chậm rãi như nói một mình: “Người Việt kiều Pháp cũng nói kinh tế khó khăn, hàng bán chậm”. Người nghe chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ừ, ông có nghèo khó gì để phải chạy vạy kiếm miếng ăn hay tham lam gì khi đã ngoại bát tuần. Cái đau đáu của ông khi nghĩ, khi nói về tấm lãnh là cái đau đáu của người sợ mất một thứ đồ gia bảo mà tiền nhân đã ký gửi. Và ông hiểu, nó đang mất. Nỗi sợ buộc ông phải bấu víu vào một cái gì đó, vô hình: lời hứa xa xôi của năm trước. “Biết đâu, sang năm họ bớt khó khăn, quay lại đặt hàng”, ông xuống giọng như thầm thì. Chợt nhớ ra điều gì đó, ông lật đật bỏ vô nhà, lấy ra cây viết, tờ giấy ghi ghi chép chép, miệng lẩm nhẩm: “Ừa, phải ít nhất 4.000m mới dám đưa khung cửi ra dệt”.
Bây giờ thì ông đang vui, vui lắm! Hồi tháng 4 vừa rồi, một người Pháp đến đặt ông dệt lãnh. Người Việt kiều cũ đã giải nghệ, giới thiệu mối này cho ông. Chưa biết rồi sẽ thế nào vì họ đang đặt trước một ít, nếu ổn sẽ đặt tiếp. Hai cái khung cửi lại lôi ra, cả Trí cũng hồ hởi tham dự. Tạm thời lãnh chỉ có màu đen mặc nưa truyền thống, các màu tự nhiên khác từ từ sẽ tính… Cũng may (lại may!) còn trời Tây.
* * *
Đi dọc mảnh đất cù lao mà tôi cứ miên man, hơn 30 trước, trong hàng chục làng nghề trăm năm đã có một nghề được cuộc đời đọc điếu văn, đó là nghề dây luộc. Hơn thế kỷ trước, vị tổ đã sáng chế ra nghề vặn dây luộc, vừa làm ngư cụ, vừa neo chiếc ghe. Hàng ngàn nóc nhà sung túc vì cả đồng bằng cần dây. Khi đã mục, người ta còn dùng làm thuốc đốt cho trẻ mới sinh uống nếu bị chứng vặn mình hoặc làm bùa, để đầu giường trừ ma trấn quỷ. Số phận dây luộc không dài, khi nilông tràn vào, chẳng còn ai xài dây bện xơ dừa nữa. Dây luộc đã biến thành thảm chùi chân và có thể thành thứ gì đó nữa, tôi không biết, nhưng hàng năm đến ngày giỗ tổ nghề, nhiều nóc nhà ở Phú Tân vẫn còn nghiêng mình kính cẩn đốt nén nhang nhớ tổ.

Không có nhận xét nào: