Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Vẻ đẹp thi sĩ Thu Bồn

Vẻ đẹp thi sĩ Thu Bồn
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/178735/Ve-dep-thi-si-Thu-Bon.html, đăng ngày 19/06/13, mục VĂN HÓA.
SGTT.VN - Thi sĩ Thu Bồn đã từ giã cõi đời vừa tròn mười năm. Lễ tưởng niệm ông và ra mắt tập sách Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể đã cùng lúc được tổ chức trang trọng tại Hà Nội và TP.HCM. Tác phẩm Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể (NXB Hội Nhà văn) là tấm lòng của bè bạn dành cho ông, mà trực tiếp là nhà phê bình Ngô Thảo cùng nhà văn – doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn sưu tầm, biên soạn và xuất bản. Tập sách dày 400 trang tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của thi sĩ Thu Bồn và những bài viết của người thân, đồng nghiệp, bạn bè và người hâm mộ.
Bà Thanh Thu (áo đen) vợ đầu và con trai Băng Ngàn (ngoài cùng bên trái) của nhà thơ Thu Bồn tại lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của Thu Bồn – ngày 17.6.13.
Không hiểu sao tôi muốn gọi Thu Bồn là thi sĩ hơn nhà thơ. Đối với tôi, trong thế hệ những người làm thơ tham gia chiến tranh chống Mỹ, nếu như Phạm Tiến Duật là thi sĩ số 1 của Trường Sơn thì Thu Bồn là thi sĩ số 1 của cả cuộc kháng chiến này. Và không chỉ chống Mỹ mà trước đó Thu Bồn còn tham gia chống Pháp, rồi sau này là chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc.
Nghĩa là cuộc đời ông trực tiếp dấn thân trong bốn cuộc kháng chiến, vừa làm nhiệm vụ của một công dân vừa thể hiện tài năng của một thi sĩ bằng sự sáng tạo của mình.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh khi cho rằng, trong thế hệ nhà văn Việt Nam kháng chiến vừa qua không một ai có thể sánh với Thu Bồn về tầm vóc lẫn sự đóng góp cho văn học và cho cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Nhà thơ Ngô Thảo và cuốn "Tráng sĩ hề... dâu bể."
Cũng tại lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của Thu Bồn tại TP.HCM, tôi cũng đồng cảm những ý kiến được nhà phê bình Ngô Thảo ghi nhận: Ai cũng thấy với đóng góp của thi sĩ Thu Bồn vào bốn cuộc kháng chiến và những tác phẩm có tầm vóc lớn, một giải thưởng cao hơn Giải thưởng Nhà nước mới xứng đáng. Người mất không cần nhưng người còn sống sẽ không công bằng khi đánh giá không đúng về người đã khuất. Điều ấy cũng đồng nghĩa, với sự nghiệp sáng tác đồ sộ và giá trị của mình, đặc biệt là thể loại trường ca, Thu Bồn xứng đáng được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Không chỉ nhìn nhận chính xác hơn về tầm vóc, sự đóng góp của Thu Bồn đối với nền văn học Việt Nam đương đại, mà nhiều kỷ niệm xúc động về một con người sống hết mình, làm việc hết mình, sáng tạo hết mình được thể hiện qua lời kể của đồng nghiệp các thế hệ: Nguyễn Quang Sáng, Trần Hữu Tá, Lê Quang Trang, Đoàn Minh Tuấn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh, Phan Đắc Lữ, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Thu Nguyệt… Đặc biệt, cả khán phòng đã lặng đi trước những lời chân tình của bác sĩ Đỗ Thị Thanh Thu – người vợ đầu tiên của Thu Bồn, cũng là người vợ duy nhất có mặt tại buổi lễ cùng người con trai Hà Băng Ngàn.
Mặc dù ông bà xa nhau từ lâu và là người gánh chịu nhiều đau khổ từ ông chồng tài hoa, lãng mạn nhưng bà Thanh Thu vẫn dành cho Thu Bồn những tình cảm tốt đẹp nhất. Hình ảnh ông vượt tuyến lửa cứu mẹ con bà khi bị địch bao vây, đưa mẹ con bà vượt sông trong cơn thuỷ triều dâng cao… từ thẳm sâu ký ức bà đã làm tôn thêm vẻ đẹp của một Thu Bồn bất tử.
hoa vàng li ti
Đồi hoa vàng li ti, xinh đẹp.
 
bài và ảnh: Phan Hoàng

Không có nhận xét nào: