Chúng ta làm gì với 151 cái chết? |
Copy từ http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201306/chung-ta-lam-gi-voi-151-cai-chet-2215836/; đăng ngày 11/06/13, mục Xi-nhan> Trái hay Phải? ;tác giả bài viết:Mi An. |
)-Tuần đầu tiên của tháng 6, báo chí ngập tràn tin tức tai nạn giao thông, nhiều đến độ xót xa khi người đọc lẫn vụ nọ vào với vụ kia. 339 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước, làm 151 người chết, 232 người bị thương. Chúng ta biết làm gì đây với những con số kinh khủng này? |
|
Tai nạn giao thông, nỗi ám ảnh kinh hoàng - ảnh Vnexpress |
|
Ngày 9/6/13, giới khảo cổ học bàng hoàng nhận tin Tiến sĩ Nishimura Masanari, một nhà khảo cổ người Nhật đã 20 năm gắn bó với VN đã tử nạn vì tai nạn giao thông, một đồng nghiệp của tôi đã rất buồn khi viết bài về cái chết đau lòng này. Chị bảo tự cảm thấy như mình có lỗi, vì vợ chồng nhà khảo cổ người Nhật đã vì tình yêu mà đến với VN, đã vì tình yêu đất nước này mà lựa chọn ở lại và gắn bó, thế mà cuối cùng, kết cục họ nhận được quá khủng khiếp. |
Đó chỉ là 1 trong số 151 người đã mãi mãi ra đi trong những ngày đầu tiên của tháng 6, một tháng 6 của mùa hè đỏ nắng, oi ả và khắc nghiệt. Những con số thống kê lạnh lùng cho biết, 151 người chết, 232 người bị thương, nhưng làm sao có ai thống kê nổi những nỗi đau mà người thân của họ phải chịu đựng? Những gia đình tan nát, những đứa bé mất mẹ cha, những người bố, người mẹ mất con, vợ mất chồng, những người còn lại mất chỗ dựa, có nhà tán gia bại sản sau một vụ tai nạn giao thông. |
Chúng ta đã rỏ quá nhiều những giọt nước mắt thương xót nạn nhân của tai nạn giao thông, nhưng khóc mãi thì liệu có làm thay đổi được gì nếu như ở những cấp lãnh đạo cao nhất, chưa thực sự xem đây là một quốc nạn, một sự xấu hổ không thể nào cho phép nó được tiếp diễn trên đất nước này? |
Sau khi chiến tranh chấm dứt vào 1975, hòa bình về cơ bản đã được lập lại, vậy mà sao, mỗi năm người Việt chúng ta vẫn mất đi cả một sư đoàn? (tương đương với con số từ 10.000 – 15.000 người) Tai nạn giao thông đã thực sự là một tội ác diệt chủng trá hình, liệu có ai thấy bất bình và không thể ngồi yên vì điều đó? |
Ngày hôm qua, 10/6/13, trong cuộc họp khẩn của Bộ Giao thông vận tải vì tình trạng tai nạn giao thông tăng đột biến, các cục, vụ liên quan đã báo cáo cho biết, mọi thứ vẫn đúng quy trình, những chiếc xe bị tai nạn đã được đăng kiểm đạt yêu cầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã kết luận: “Tất cả đúng hết mà tai nạn vẫn xảy ra, chúng ta không thể thờ ơ trước những gì đang diễn ra”. |
Thật là ngạc nhiên khi tất cả mọi quy trình vẫn được thực hiện nghiêm túc, mà sao tai nạn vẫn chỉ có tăng chứ không hề giảm. Một ví dụ rất cụ thể là chiếc xe khách bị tai nạn tại Quảng Nam, trước đó được đóng dấu đăng kiểm an toàn, chưa hết hạn đăng kiểm mà cuối cùng lại bị tai nạn vì đứt bulong trục? Ai giải thích được điều này hay tất cả chúng ta đều phải đồng lòng đổ cho “sống chết là tại số”? |
Nguyên nhân của tai nạn giao thông đã được chỉ ra rất nhiều lần rồi, ý thức người dân kém, hạ tầng chưa đảm bảo, xử lý vi phạm chưa nghiêm... Rõ ràng thủ phạm đã được vạch mặt giữa thanh thiên bạch nhật, thế nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”, là bởi vì một nguyên nhân sâu xa hơn, cha chung không ai khóc. |
Giả sử có một phương án thế này: Chính phủ quy trách nhiệm cụ thể cho 2 ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, rồi thêm vào đó là người đứng đầu UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong vòng 6 tháng nữa mà tình trạng tai nạn giao thông không giảm rõ rệt, sẽ bị bãi miễn chức vụ. Lúc đó tôi tin rằng chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện ngay, vì các vị công bộc sẽ phải guồng lên như một cỗ máy mở hết tốc lực, sẽ phải đêm quên ngủ ngày quên ăn mà nghĩ ra trăm phương ngàn kế để giảm tai nạn giao thông trên địa bàn mình. |
Còn như tình trạng hiện nay, mỗi năm chỉ lác đác vài vị lãnh đạo bị... phê bình vì địa phương mình còn để xảy ra nhiều tai nạn giao thông thì chắc chắn các vị khác sẽ yên tâm kê cao gối mà ngủ. |
Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 6, chúng ta đã mất đi 151 con người, những cái chết của họ rồi cũng sẽ nhanh chóng bị chìm đi, bị lãng quên trong cái xã hội đang ngày một trơ lì xúc cảm này. Ngoài khóc lóc thương xót ra, chúng ta có thể làm gì hơn được nữa đây nếu như không có một cuộc cách mạng về ý thức, về văn hóa giao thông với sự đồng lòng và quyết tâm thay đổi từ trên xuống dưới? |
Tôi càng ngày càng cảm thấy hoang mang, tại sao càng ngày chúng ta càng không thể với tới những nhu cầu tối thiểu của con người như được tiêu thụ những thực phẩm an toàn, được đi lại trên những cung đường an toàn, được sống và làm việc trong những môi trường an toàn? |
Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, một khi những nhu cầu tối thiểu đó của con người không được đảm bảo thì mọi con số thống kê tăng trưởng, mọi lời lẽ có cánh hứa hẹn về tương lai cũng chỉ là một câu chuyện nực cười. |
Mi An |
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét