Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Kỳ 1: Mỏi mòn chờ được điều tra

Khi dân kêu cứu
Kỳ 1: Mỏi mòn chờ được điều tra
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/552355/khi-dan-keu-cuu-ky-1-moi-mon-cho-duoc-dieu-tra.html ; đăng ngày 06/06/13, tác giả bài viết: Tâm Lụa, Hoàng Điệp.
TT- Ba người dân ở ba nơi khác nhau cầu cứu báo Tuổi Trẻ trong hoàn cảnh giống nhau: tố giác tội phạm và bị trả thù, nhưng cơ quan chức năng không cứu giúp kịp thời. Tại sao?
Nhà ông Chính bị đốt và kim tiêm đe dọa cắm trước gốc cây bàng - Ảnh do ông Chính cung cấp
Sau khi đi tố cáo cái sai của chính quyền, chỉ trong vòng một tháng ông Đinh Văn Chính (43 tuổi, thôn Đục Khê, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) bị đốt nhà ba lần và bị dọa giết hàng chục lần. Mặc dù băng hình ghi lại được hung thủ nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua, cơ quan điều tra chưa làm rõ được vụ việc.
Sự việc bắt đầu từ năm 2010, UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Hương Sơn thu hồi đất của gần 200 hộ dân để thực hiện sáu dự án tại thôn Đục Khê. Việc thực hiện có nhiều sai phạm nên ông Đinh Văn Chính và nhiều người dân thôn Đục Khê đã làm đơn tố cáo gửi UBND TP Hà Nội.
Năm 2011, UBND TP Hà Nội có kết luận UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Hương Sơn thu hồi đất của dân khi chưa có quyết định phê duyệt dự án của UBND TP Hà Nội, không tổ chức họp dân, không có quyết định ban hành thu hồi đất, không lập phương án giải phóng mặt bằng...
Bất an trên quê nhà
Ông Chính là người đã hướng dẫn bà con nộp đơn khởi kiện UBND huyện Mỹ Đức. Khi TAND huyện Mỹ Đức thụ lý vụ án cũng là lúc nhà ông Chính bị đốt và ông bị dọa giết liên tục. Từ ngày 25-7 đến 21-8-2012, nhà ông Chính bị đốt, phá ba lần. Lần đầu tiên lúc 2g sáng, ông đang ngủ thì nghe tiếng nổ và lửa cháy ngoài sân, may mà người dân đến dập lửa kịp. Lần thứ hai nhà ông bị tạt đầy mắm tôm, trứng vịt thối, nhớt thải, miểng chai thủy tinh và dầu hỏa. Lần thứ ba thì hung thủ khóa cửa ngoài rồi mới châm lửa đốt làm ông Chính và vợ con không thể chạy ra. May mắn là ông gọi điện thoại cho người dân đến dập lửa và cứu kịp thời. Cánh cửa sắt trước nhà ông Chính bị đốt cháy đen thui.
Trên cây bàng trước sân nhà ông Chính ghim đầy mảnh giấy đe dọa như “mày hãy tìm hố chôn xác các con mày đi”, “con mày đi học đón nhận Sida”, kèm theo những chiếc kim tiêm dính đầy máu.
Hoảng sợ, ông Chính và 13 người dân thôn Đục Khê đã làm đơn tố cáo đến Công an xã Hương Sơn và Công an huyện Mỹ Đức. Công an huyện cử lực lượng về xem xét hiện trường, lập biên bản nhưng tới nay đã gần mười tháng trôi qua vụ việc của ông Chính vẫn chưa được giải quyết. Điều đáng nói là ông Chính có cung cấp cuộn băng ghi hình hung thủ đốt nhà ông Chính nhưng tới nay Công an huyện Mỹ Đức chưa có động thái gì.
Ông Chính bức xúc cho biết: “Hung thủ biết rõ tôi bị bệnh về máu nên rải miểng chai nhằm làm tôi bị giẫm phải, không cầm được máu mà chết. Từ năm ngoái đến năm nay, cả chục lần tôi đến công an huyện hỏi kết quả vụ việc nhưng họ cứ trả lời sự việc đang điều tra. Gia đình tôi và bà con ở đây hoang mang, rất bất bình về việc này nhưng giờ không biết kêu đâu”.
Không chỉ có ông Chính mà chị Trịnh Thị Nhung (xóm 10, thôn Đục Khê), một người đi kiện, cũng bị đe dọa. Chị Nhung nói: “Tôi bị dọa là sẽ bị xe tông chết nếu cứ tiếp tục đi kiện. Thấy anh Chính bị đốt nhà, dọa giết như thế mà công an không bảo vệ nên tôi không đi tố cáo làm gì vì biết có tố cáo cũng chỉ mất công”.
Công an huyện: không đủ căn cứ để xử lý
Vụ việc ông Chính tố cáo bị đốt nhà và dọa giết đã được ông Hoàng Mạnh Khang (đội trưởng đội điều tra Công an huyện Mỹ Đức) thụ lý và giải quyết. Ông Khang cho biết: “Sau khi tiếp nhận đơn, tôi đã cho người khám nghiệm hiện trường. Băng video mà ông Chính cung cấp chỉ rõ phần lưng với phần sau gáy của hung thủ chứ không rõ mặt. Về việc tài sản nhà ông Chính bị hủy hoại thì chỉ có một phần cửa sắt bị cháy, nhưng giá trị thiệt hại không lớn. Việc ông Chính tố cáo bị đe dọa nhưng chưa xảy ra hậu quả về con người, về cơ sở vật chất nên không đủ cơ sở để xử lý. Sau đó tôi có quyết định nghỉ hưu nên đã bàn giao vụ việc này cho người khác xử lý”.
Tháng 1-2013, ông Bùi Văn Tuyển (điều tra viên Công an huyện Mỹ Đức) xử lý tiếp vụ việc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Tuyển trả lời rằng: “Chúng tôi đã gửi kết quả điều tra vụ việc này qua đường bưu điện cho ông Chính từ lâu nhưng lý do tại sao ông không nhận được thì chúng tôi không biết”. Sau khi chúng tôi thắc mắc: “Cuối tháng 3-2013 ông Chính có đến công an huyện hỏi về tiến trình vụ việc, có gặp ông và ông nói vụ việc đang được điều tra?”, ông Tuyển lại nói: “Nhà ông Chính bị đốt ban đêm, rất khó tìm ra hung thủ. Đoạn video ông Chính cung cấp cũng không thể kết luận được hung thủ là ai”.
Như vậy, sau chín tháng đi tố cáo, sự việc của ông Chính vẫn đang giậm chân tại chỗ. Ông Chính và gia đình đang phải sống từng ngày bất an ngay trên chính quê hương mình.
TÂM LỤA
Báo chí lên tiếng
Anh Trương Minh Trọng (nhân vật trong bài “Bị đe dọa kêu cứu mà thêm tức” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-4-2013) đã bị ông N.H.Đ. hành hung nhiều lần. Sau khi báo Tuổi Trẻ nêu sự việc, anh Trọng được công an quận mời đến làm việc và hứa sẽ đưa đi giám định thương tật. Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Trọng xác nhận sau hôm báo Tuổi Trẻ đăng bài, việc hành hung và chửi bới đe dọa công khai không còn nữa, nhưng gia đình anh chị vẫn nhận được một số lời đe dọa gián tiếp. “Nếu không kêu lên các cơ quan báo chí thì gia đình chúng tôi không biết sẽ còn phải sống trong nỗi sợ hãi và ức chế đến bao giờ” - anh Trương Minh Trọng nói. Tuy vụ việc chưa được giải quyết rốt ráo nhưng trung tá Nguyễn Văn Tre, trưởng Công an P.16, Q.Gò Vấp, cho biết: “Đã chuyển hồ sơ lên quận để tiếp tục giải quyết”.
Chị Nguyễn Thị Sơn (khu phố 6, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, nhân vật trong bài “Lẽ nào tôi chỉ còn đường chết”, báo Tuổi Trẻ ngày 2-4-2013) bị chồng đánh đập kéo dài, đã nhiều lần kêu cứu lên chính quyền địa phương, hội phụ nữ nhưng không nhận được sự chia sẻ và trợ giúp. Điều an ủi chị Sơn nhiều nhất là chị nhận được sự đùm bọc của bà con xóm giềng. Nằm trong bệnh viện điều trị sau nhiều ngày bị đả thương đau tức ngực và bụng, người chăm sóc chị Sơn là hàng xóm; người cho hai con chị ăn uống, tắm rửa, đưa đi học cũng là hàng xóm. “Nếu không có các cô các bác ở đây chắc mẹ con tôi chết lâu rồi. Nên tôi sống ở đây, tôi chết cũng ở đây, không đi đâu hết”.
Một người cũng nhận được sự cưu mang của lối xóm là bà Thái Kim Cúc, có con gái bị mắc bệnh thần kinh tên Thái Kim Tài (nhân vật trong bài “Làm đơn cầu cứu nhưng thảm kịch vẫn xảy ra”, Tuổi Trẻ ngày 30-4-2013). Một nhà hảo tâm đã đưa Thái Kim Tài vào bệnh viện tâm thần điều trị. Khi ở bệnh viện, khi cần bất kể sự trợ giúp nào bà Cúc đều gọi cho những người hàng xóm. Khi Thái Kim Tài được chuyển sang bệnh viện khác, bà Cúc không được ở đó cùng con và đã được người phụ nữ tốt bụng kia đưa về nhà tá túc. “Tôi muốn mở một xe bán hàng nho nhỏ để sinh nhai chứ không thể dựa dẫm vào cô ấy mãi” - bà Cúc nói.
Và tự cứu lấy mình
Không may mắn như bà Thái Kim Cúc, chị Nguyễn Thị Sơn, chị Nguyễn Thị Thảo (ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, Hóc Môn, bài “Hãy cứu lấy chị và cháu tôi” đăng ngày 5-5-2013) đã phải ôm cả hai đứa con đi trốn để tránh những trận đòn thù từ người chồng. Đến nay, những người hàng xóm của chị cũng không biết chị đã đi đâu. Trả lời Tuổi Trẻ về vụ việc, ông trưởng ấp Chánh 2 chỉ có thể thông tin: mấy mẹ con chuyển đi đâu không rõ, chồng cũ cũng đã bỏ đi. Bây giờ nhà bỏ hoang!
Hóa ra chị Thảo về quê để ổn định tinh thần cho hai con rồi đưa chúng lên lại Hóc Môn để đi làm, bởi chị không thể bỏ công việc chính có thu nhập để nuôi sống mấy mẹ con. Chị Thảo phải bỏ nhà cao cửa rộng của chính mình rồi thuê trọ, bữa ăn phải bớt đi miếng thịt, miếng cá để đảm bảo cuộc sống của mấy mẹ con đỡ bị đe dọa và bạo hành, cuộc sống chẳng còn gì cay cực hơn!
Những câu chuyện mà báo Tuổi Trẻ đã nêu dù chỉ là một phần nhỏ của những lời kêu cứu (phần lớn đã được cơ quan chức năng giải quyết) cũng phản ánh sự thất vọng của người dân. Người dân nộp thuế để duy trì bộ máy chính quyền, nhưng khi họ cần sự trợ giúp thì các cơ quan công quyền chưa thật sự vào cuộc cho đúng vai trò, chức năng của mình.
HOÀNG ĐIỆP

Không có nhận xét nào: