Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Howard Limbert muốn “trả nợ” cho Kẻ Bàng

Howard Limbert muốn “trả nợ” cho Kẻ Bàng
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/178124/Howard-Limbert-muon-“tra-no”-cho-Ke-Bang.html ; đăng ngày 31/05/13 ; mục Lối sống .
SGTT.VN - Năm 1990, những người dân Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lạ lẫm với những ông Tây ít nói, trên vai nặng trĩu balô lầm lũi vào rừng. 23 năm sau, người dân Sơn Trạch nhìn thấy họ, tay bắt mặt mừng. Đó là những người thân quen, như là công dân danh dự của làng, đoàn thám hiểm hang động Anh. Howard Limbert và vợ cùng các thành viên được cư dân địa phương đón tiếp thân mật.
Howard Limbert cùng người dẫn đường Hồ Khanh. Ông muốn giúp đỡ thật nhiều người dân địa phương có cuộc sống tốt hơn bằng các kỹ năng huấn luyện chuyên nghiệp.
Lần này, ông trở lại không chỉ vì hang động, mà vì những dự định nhân văn của mình là mong muốn người dân có cuộc sống bền vững.
Người Anh thầm lặng
Đội thám hiểm hang động hoàng gia Anh đã có 23 năm tìm kiếm hang động tại tỉnh Quảng Bình. Họ là nơi tập hợp của những người theo đuổi nhiều ngành nghề, nhưng chung mục đích khám phá. Họ dấn thân bằng tất cả sức lực, đưa lại cho Việt Nam sự nổi bật toàn cầu hang động bằng tiền túi tiết kiệm được từ 15 thành viên. Bóng dáng của họ như Robin Hood huyền thoại sang khám phá giữa khu rừng nhiệt đới Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 23 năm qua, ông Howard Limbert đánh giá đó là một quyết định đúng đắn khi ông chọn Kẻ Bàng là nơi để cả đội cùng trải nghiệm tìm kiếm hang động giữa rừng rậm nhiệt đới miền Trung của Việt Nam. “Chúng tôi không nghi ngờ việc chọn nhầm địa điểm khám phá. Quảng Bình, Việt Nam là nơi lý tưởng để chúng tôi gắn bó bởi chưa có đội tìm kiếm nào ở lại đây lâu như chúng tôi và vùng đất này rất hiếu khách, ở đó, tôi tìm được các nguồn cảm hứng cho công việc, những người dân bản địa nhiệt tình và hang động là tuyệt vời”, Howard Limbert tâm sự.
Đoàn thám hiểm của Vương quốc Anh đã làm việc với trường đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó, có công văn gửi cho UBND tỉnh Quảng Bình và ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tất cả đều thông qua bộ Ngoại giao. Về mặt hành chính, họ được chào đón nồng nhiệt, nhưng kinh phí, họ hoàn toàn tự túc. Howard Limbert cho biết mỗi hai năm một lần, nhóm của ông với 12 – 15 người trở lại Kẻ Bàng để tìm kiếm hang động, hoàn toàn từ nguồn tài chính đóng góp của các cá nhân. Để có tiền mua vé máy bay từ Anh sang Việt Nam, họ phải làm việc cật lực, làm thêm ngoài giờ, tiết kiệm các khoản chi tiêu để mua trang bị kỹ thuật như: đèn thám hiểm hang động, máy chụp hình, trang bị hệ thống định vị vệ tinh, dây bảo hiểm loại tốt, máy ảnh, hạt nổ sáng trong hang động. Riêng ông Howard Limbert có được thêm khoản tiết kiệm từ căn hộ cho thuê.
Tính ra 23 năm tìm kiếm hang động, tổng chi phí đội tìm kiếm lừng danh này đã chi đến hàng triệu bảng Anh để có được những bức hình đẹp nhất, tiếp cận những hang động rực rỡ. Có khi tiền tiết kiệm chưa đủ, họ lại phải vay mượn, hoặc tăng thời gian làm thêm nhằm đủ nguồn lực. “Chúng tôi vì đam mê, nhưng chúng tôi cũng muốn giúp một điều gì đó cho Việt Nam, mà cụ thể là Quảng Bình”, ông Howard Limbert nói.
Dạy tiếng Anh cho người bản địa
Với nhiều người dân ở Sơn Trạch, đoàn thám hiểm hang động Anh được xem như người thân trong gia đình, bởi lẽ, hệ thống hang động ở Phong Nha đã được họ tiếp sức đưa ra toàn thế giới. Từ đó, du khách đến với địa phương này ngày mỗi đông. Căn nhà của nhiều người dân từ mái lá đã trở thành nhà xây khang trang, cũng nhờ rất nhiều từ hoạt động thám hiểm hang động đã đưa lại dịch vụ buôn bán cho du khách đến tham quan.
Theo lịch trình, cứ hai năm một lần, họ trở lại khám phá thêm hang động, nhưng năm nay, ông bà Howard Limbert sang sớm hơn dự tính một năm với dự án nhân văn. Ông nói: “Chúng tôi được người dân địa phương quen biết rất trọng thị, họ mời cơm chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện họ thoát nghèo nhờ chúng tôi gián tiếp tìm kiếm ra hang động. Chúng tôi chứng kiến điều đó từ những hình ảnh thực tế vào năm 1990, thực sự họ là người dân rất nghèo, nhưng nay đã thay da đổi thịt, đã có nhiều khách sạn, nhà hàng mọc lên. Chúng tôi cần làm một cái gì đó để tri ân người dân địa phương giúp đỡ chúng tôi. Thật ra, chúng tôi tìm kiếm được hang động là nhờ vào trí nhớ phi thường của người dân từng đi rừng. Khi chúng tôi đến, họ rất nghèo, bây giờ, họ đã có nhà cửa vững chắc, đó là sự nỗ lực rất lớn của người dân. Bây giờ du khách đến với Kẻ Bàng rất nhiều, trong đó người nước ngoài tăng rất lớn, tôi nghĩ cần trang bị cho bà con ở đây vốn liếng tiếng Anh để họ nói được với du khách nước ngoài. Chúng tôi mong họ biết sơ đẳng cũng là được rồi”.
Bà Deb, ngoài đam mê khám phá hang động còn cùng chồng dạy tiếng Anh cho người bản địa.
500x375 - giaoducduhoc.nld.com.vn
Một cửa hang.
Từ suy nghĩ đó, ông Howard Limbert quyết định trở lại sớm hơn để cùng vợ mở lớp dạy tiếng Anh cho người dân thôn Phong Nha. Bà Deb nói: “Tôi và chồng tôi mở hai lớp, thay phiên nhau dạy các tối trong tuần tại nhà anh Hồ Khanh. Ai thích cứ đến học thoải mái, chúng tôi truyền đạt cách biết nội dung từ vựng tiếng Anh, sau đó sắp xếp từ ngữ theo câu cho có nghĩa, và quan trọng là đơn giản dễ hiểu. Người dân cần tiếng Anh về ăn uống, chợ búa, đi lại, và các địa danh, những tính từ giản thuần. Truyền đạt được những điều đó, chúng tôi sẽ tạo cảm hứng tiếp về tiếng Anh với những cấp độ khác, và bước đầu, người dân đến học đã có hơn 100 người”. Họ đã mở lớp Anh văn cho nông dân Phong Nha hơn ba tháng và được người dân đánh giá cao bằng những lời ơn nghĩa nặng lòng.
Ông Howard Limbert nói: “Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện giúp bà con với mong muốn dân cư phát triển hơn về cuộc sống. Ngoài tiếng Anh, chúng tôi cũng đang giúp đỡ huấn luyện cho địa phương một đội về kỹ năng thám sát hang động với dây bảo hiểm phải tốt, kỹ năng thuần thục trong leo núi, đi lại hang động nhằm tạo khả năng đặc biệt cho người dân để đón đầu tương lai du khách muốn tham quan mạo hiểm sẽ tăng”.
Hiện ông đang giúp đào tạo hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm cho khoảng mười người địa phương. Thời gian sẽ diễn ra ít nhất hai năm. Ông, bà cũng muốn cống hiến nhiều hơn nữa công sức của mình cho đội ngũ kế cận. Họ đã có kế hoạch truyền lại những kỹ năng thám hiểm hang động cho con cháu, hoặc người yêu chuộng thám hiểm ở Anh, nhưng họ cũng muốn truyền đạt nhiều hơn việc này ở Việt Nam mà cụ thể là Quảng Bình. Và trong quá trình đó, đội của ông Howard Limbert vẫn chú ý đặc biệt hơn về khám phá hang động trong tương lai.
“Năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, bởi tiềm năng còn rất lớn. Có thể có một hang động rất lớn mà người dân vừa có thông tin cho chúng tôi, nó mở ra một hệ thống hang động mới, hệ thống nước Moọc. Chúng tôi muốn gắn bó với mảnh đất này, nơi của những nụ cười thân thiện, nơi của những yêu thương và cảm hứng, nơi của quê hương kỳ quan của tự nhiên hết sức kỳ lạ”, ông Howard Limbert nói.
Quốc Nam - Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp

Không có nhận xét nào: