Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Trung Quốc-bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới

Trung Quốc - bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới
Copy từ http://tuoitre.vn/the-gioi/551480/trung-quoc-bai-rac-thai-dien-tu-lon-nhat-the-gioi.html; đăng ngày 01/06/13 ; mục Thế giới .
TT - Sau châu Phi, Ấn Độ, đến lượt Trung Quốc trở thành bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới, theo cảnh báo của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Trẻ em ở Quý Tự đối mặt với chất độc mỗi ngày - Ảnh: GreenPeace
Trong một báo cáo mới đây, LHQ nhận định rằng “Trung Quốc ngày nay dường như đã trở thành bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới”. Người phát ngôn Mã Thiên Kiệt của Tổ chức GreenPeace (Hòa Bình Xanh) tại Bắc Kinh thông tin: “Theo dữ liệu của LHQ, khoảng 70% lượng rác thải điện tử toàn cầu đều có điểm dừng chân cuối cùng tại Trung Quốc”.
Cũng theo ông Mã, phần lớn rác thải điện tử này vào Trung Quốc từ những con đường bất hợp pháp bởi theo Công ước LHQ, các quốc gia phát triển không được phép chuyển các loại rác thải này vào những nước như Trung Quốc. Đáng chú ý là một phần rác thải này do chính Trung Quốc tái chế theo đơn đặt hàng từ các công ty điện tử lớn trên thế giới.
Cả thị trấn tháo dỡ rác điện tử
Theo phóng sự điều tra của CNN, trong một thập niên qua, thị trấn Quý Tự, thuộc tỉnh Quảng Đông - nằm trong khu vực sản xuất chính của Trung Quốc - đã trở thành trung tâm chuyên xử lý rác thải điện tử và hàng trăm ngàn người dân của thị trấn này đã trở thành các chuyên gia tháo dỡ linh kiện điện tử từ tivi, màn hình máy tính, máy tính để bàn, tủ lạnh, máy điều hòa không khí...
Trên khắp ngả đường ngổn ngang những mảnh nhựa, dây điện, dây cáp và các loại rác thải khác được phân loại tùy vào giá trị và khả năng bán lại chúng. Người lao động tại Quý Tự ngồi trên các vỉa hè bên ngoài các khu nhà xưởng để tháo gỡ từng bộ phận của các loại rác thải bằng búa và khoan.
Bên trong một công xưởng, theo ghi nhận của CNN, những người đàn ông cắt các bao chứa các con chip nhựa rồi đổ chúng vào trong các bể to chứa dung dịch. Những người công nhân này điềm nhiên dùng tay không trộn đều hỗn hợp này.
Một công nhân còn khoe: “Chúng tôi bán nhựa tái chế này cho Foxconn”. Người này cũng đề cập đến một công ty Đài Loan chuyên sản xuất các sản phẩm cho nhiều công ty điện tử như Apple, Dell và Hewlett-Packard.
CNN nhận định đây là một trong những hoạt động tái chế rác thải trái phép lớn nhất thế giới. Một công nhân làm việc trong một nhà xưởng của gia đình tại Quý Tự tỏ ra tự hào về nghề của mình: “Chiếc cốc nhựa bị lủng một lỗ thì người ta sẽ ném nó đi. Chúng tôi lấy và bán nó lại”.
Công việc độc hại và nguy hiểm
Công việc phân loại và tái chế rác thải điện tử tại thị trấn này là độc hại và rất nguy hiểm. Ông Mã Thiên Kiệt nhận định khi rác thải xử lý không đúng cách sẽ hủy hoại môi trường sống tại địa phương.
Theo báo cáo “Rác thải điện tử tại Trung Quốc” của LHQ công bố tháng 4-2013, thị trấn Quý Tự đang phải hứng chịu “thảm họa môi trường” như là một kết quả tất yếu. Hàng tấn chất gây ô nhiễm độc hại đã bị thải ra từ việc đốt các mạch điện, nhựa và dây đồng hay việc rửa chúng với axit hydrochloric để thu hồi các kim loại có giá trị như đồng và thép. Như vậy môi trường đất và nước phải hứng chịu các loại kim loại độc hại như chì, beryllium và cadmium. Không khí ô nhiễm khí thải hydrocarbon tại Quý Tự gây cảm giác nóng rát mắt và mũi nếu phải tiếp xúc lâu.
Theo một nghiên cứu của khoa y tế ĐH Sán Đầu (Trung Quốc), nhiều trẻ em sinh ra và lớn lên tại Quý Tự có nồng độ chì trong máu cao hơn mức trung bình cho phép, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như hệ thần kinh trung ương.
Những chú trâu gặm cỏ cũng bị bao vây bởi hàng núi rác thải với đủ các nhãn hiệu như Hewlett-Packard, IBM, Epson và Dell vốn đang ngập chìm trong các khu vực lầy lội bên ngoài thị trấn. Trên mặt đất tại Quý Tự ngổn ngang những màn hình phẳng từ tivi, máy tính xách tay hay máy tính để bàn và thủy ngân độc hại thường sử dụng trong các loại màn hình này rò rỉ ra bên ngoài không khí.
Không dám ăn gạo trồng trên đất ô nhiễm
Hầu hết các công nhân làm việc tại Quý Tự đều là những người nhập cư ít học từ những vùng nghèo của Trung Quốc. Đa số đều không chú ý đến điều kiện sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, một nhóm nông dân di cư từ tỉnh Quảng Tây lân cận sang thị trấn Quý Tự thừa nhận họ không dám uống nước giếng. Họ thậm chí đã cố gắng giặt quần áo và khăn bằng nước giếng nhưng kết quả là vải vóc ngả sang màu vàng.
Ông Chu, trưởng nhóm nông dân này, thú nhận: “Nghe thì có vẻ không hay ho gì, nhưng sự thật chúng tôi không dám ăn gạo chúng tôi đã trồng bởi lúa trồng ở đây hứng tất cả sự ô nhiễm”. Gạo của nhóm ông Chu khi bán ra không ghi nơi sản xuất là Quý Tự.
ANH THƯ
Nhà thờ
Trầm mặc nhà thờ phố núi Sapa.

Không có nhận xét nào: