Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Nhà văn "danh gia vọng tộc" Lê Văn Thảo: Sống như anh Hai Sài Gòn

Nhà văn "danh gia vọng tộc" Lê Văn Thảo: Sống như anh Hai Sài Gòn
Copy từ http://citinews.net/xa-hoi/nha-van--danh-gia-vong-toc--le-van-thao--song-nhu-anh-hai-sai-gon-LSUUPIY/, đăng ngày 15/06/13, mục Xã hội.
Với những người sơ giao với Lê Văn Thảo, họ chỉ biết rằng ông từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng ngoài chức vụ và các giải thưởng văn chương, tác phẩm của ông còn dựng thành phim được đông đảo người xem yêu thích.
Đọc văn của Lê Văn Thảo, thấy rõ ông là người nhiều mơ mộng, truyện của ông rất giàu chất thơ. Tập truyện mới nhất "Lên núi thả mây" (NXB Văn học và Nhã Nam) của Lê Văn Thảo cũng giàu chất thơ như vậy, dù vẻ bề ngoài của ông rất "khó tính".
Ông "quan văn" chịu chơi bậc nhất Nam Bộ
Tôi và một số nhà văn trẻ có nhiều dịp "lang thang" cùng nhà văn Lê Văn Thảo trên khắp nẻo đường Bắc-Trung-Nam. Lê Văn Thảo là người "hay đi", gần như ông đi "ngoài đường" nhiều hơn ở Sài Gòn. Gần gũi với ông, mới thấy ông rất dễ thương và chịu chơi kiểu "anh Hai Sài Gòn" thứ xịn. Trong các cuộc "lang thang" này, mọi chi phí đều từ tiền túi của Lê Văn Thảo, trong khi ông có quyền dùng tiền của Hội Nhà văn TPHCM dưới danh nghĩa "đi sáng tác".
Mới đây, tôi gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của ông thế nào, vì nghe anh em văn nghệ nói ông đang mắc bệnh nan y do tuổi già sinh ra. Giọng ông trong điện thoại vẫn vang lên đều đều như vốn vậy: "Mày có biết tao đang ở đâu không?". Thì ra ông dẫn bạn văn vong niên Trần Nhã Thụy và một vài người của Đài Truyền hình TPHCM đi ra quần đảo Nam Du ở tỉnh Kiên Giang để làm phim. Lúc tôi gọi điện thoại, Lê Văn Thảo nằm ở nhà khách một mình trên đảo, còn Trần Nhã Thụy đang cùng các bạn truyền hình đi leo núi. Tôi nói vui: "Ai chứ Trần Nhã Thụy đi tán gái chớ không leo núi đâu chú, cháu biết tính Thụy mà?". Lê Văn Thảo nói ngay: "Thì thằng Thụy nó vừa leo núi vừa tán gái. Ở ngoài đảo này có nhiều cô đẹp lắm à! Tao thấy còn muốn tán huống gì thằng Thụy!".
Thông qua rất nhiều lần giao tiếp trên những chuyến đi với Lê Văn Thảo và đọc tác phẩm của ông, tôi tin rằng ông là một trong số ít nhà văn Nam Bộ am tường mảnh đất này và viết rất hay về nó. Tôi từng đọc tác phẩm "Đêm Tháp Mười" của Lê Văn Thảo viết vào thời chiến tranh những năm 1960. Đọc tác phẩm này tôi thực sự kinh ngạc vì nó có một chi tiết rất "điện ảnh" giống như phim "Cánh đồng hoang" do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản. Phim "Cánh đồng hoang" xuất hiện sau ngày hòa bình, "Đêm Tháp Mười" có từ thời chiến tranh, không lẽ nào Lê Văn Thảo "mượn ý tưởng" của Nguyễn Quang Sáng? Đem thắc mắc này hỏi Lê Văn Thảo, ông chỉ cười: "Ông Sáng là đàn anh của tao, mãi mãi là đàn anh của tao. "Cánh đồng hoang" là phim còn "Đêm Tháp Mười" là truyện, giống nhau cũng có sao đâu!".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo đều lần lượt làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Trong mắt một kẻ hậu sinh "thích rượu" như tôi, Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo khác nhau ở một điểm cơ bản dựa trên "hệ quy chiếu… rượu". Đó là nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ đi uống rượu do các "fan" của ông mời. Còn Lê Văn Thảo đi đâu cũng đem theo cả đống rượu để mời những người ông yêu quý. Nguyễn Quang Sáng lớn hơn Lê Văn Thảo một vài tuổi, nhưng ông Sáng vẫn uống tốt, còn Lê Văn Thảo giờ chỉ uống rượu vang. Tuy uống rượu vang, nhưng đi đâu ông Thảo cũng mang theo một balô rượu loại chai 50ml bé như viên kẹo để mời bạn bè. Có chuyện vui thế này đã khiến nhà văn Lê Văn Thảo gọi tôi là "thằng ba xạo". Ấy là có lần đang ngồi uống "rượu chùa" của Lê Văn Thảo, một người bạn rủ tôi đi nhậu. Tôi nói đang uống rượu với "ba Thảo": "Tao uống hết 5 chai Chivas rồi!". Ông Thảo nói: "Thằng ba xạo. 5 chai chút xíu, mày nói vậy người khác nghe tưởng mày là bợm rượu".
Giữa năm 2010, Lê Văn Thảo chỉ dùng nửa số tiền ngân sách cấp cho Hội Nhà văn TPHCM, nửa còn lại ông để dành cho ban lãnh đạo hội nhiệm kỳ sau, vì cuối năm đó ông sẽ về hưu. Người rành mạch về tiền bạc, lại "chịu chơi" như Lê Văn Thảo thật rõ tính cách "anh Hai Sài Gòn" trong ông. Vậy mà có người trong Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ mới không biết, lại nghĩ oan ông Thảo đã xài hết tiền nên giờ họ không còn đồng nào để hoạt động. Sự thực thì nhà văn Lê Văn Thảo không bao giờ thiếu tiền. Ông có một khoản thừa kế cả ngàn lượng vàng, nhưng ông đều dành hết cho các người em của mình mà không đụng đến một xu nào.Tôi và một số nhà văn trẻ có nhiều dịp "lang thang" cùng nhà văn Lê Văn Thảo trên khắp nẻo đường Bắc-Trung-Nam. Lê Văn Thảo là người "hay đi", gần như ông đi "ngoài đường" nhiều hơn ở Sài Gòn. Gần gũi với ông, mới thấy ông rất dễ thương và chịu chơi kiểu "anh Hai Sài Gòn" thứ xịn. Trong các cuộc "lang thang" này, mọi chi phí đều từ tiền túi của Lê Văn Thảo, trong khi ông có quyền dùng tiền của Hội Nhà văn TPHCM dưới danh nghĩa "đi sáng tác".
Diễn viên quá cố Lê Vũ Cầu từng diễn trong phim "Ông cá hô" - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo.
Dòng họ Dương "kỳ lạ" trong lịch sử Việt Nam hiện đại
Lê Văn Thảo vốn học đại học khoa học tự nhiên tại Sài Gòn, năm 1962 ông rủ em ruột là đạo diễn Lê Văn Duy vào chiến khu. Mãi đến năm 1965 ông mới bắt đầu viết lách, lúc đó ông viết ký chiến trường. Lê Văn Thảo vào chiến khu, xuất phát từ việc cha của ông là nhà giáo Dương Văn Diêu đã tập kết ra Hà Nội trước đó. Cụ Dương Văn Diêu từng làm hiệu trưởng một trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhắc đến cụ Dương Văn Diêu, nhà văn Lê Văn Thảo rất tự hào, vì rằng nhà giáo Dương Văn Diêu đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh sau này đều thành đạt, có người trở thành nguyên thủ của quốc gia.
Có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao cha họ Dương mà con lại họ Lê? Đơn giản vì chàng thanh niên Dương Ngọc Huy và em trai khi vào chiến khu đổi tên thành Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy để giữ bí mật. Cũng xin nói thêm, dòng họ Dương của nhà văn Lê Văn Thảo có nhiều người rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Lê Văn Thảo gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng "Việt cộng" Dương Văn Nhật là bác. Vì ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhật và cha của Lê Văn Thảo - cụ Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột.
Dòng họ Dương của Lê Văn Thảo quả là rất "kỳ lạ", vì dù ở phía "bên này" hay "bên kia" chiến tuyến đều làm quan to, đều góp phần vào vòng quay của lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong lĩnh vực nghệ thuật, gia đình Lê Văn Thảo có ba anh em ruột đều làm "quan văn nghệ", gồm: Lê Văn Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM), Lê Văn Duy (nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM).
Trong năm 2010, tôi có dịp cùng nhà văn Lê Văn Thảo, Đoàn Thạch Biền, Thái Bá Lợi, Nguyễn Hoàng Thu, Nguyễn Thanh, Trung Trung Đỉnh… làm một chuyến "lang thang" Tây Bắc. Đến bất cứ tỉnh nào trong tất cả các cuộc giao tiếp, nhà văn Thái Bá Lợi đều giới thiệu: "Đây là nhà văn Lê Văn Thảo, một người rất đặc biệt, tiếng Campuchia gọi là "xăm-đét" dịch ra tiếng Việt nghĩa là Hoàng thân - Lê Văn Thảo".
Thái Bá Lợi giới thiệu như vậy, vì trước đó trong một hội thảo văn học ba nước Đông Dương, các nhà văn Campuchia xuất thân trong hoàng tộc có mặt rất nhiều. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - giới thiệu các nhà văn trong hoàng tộc Campuchia là "xăm-đét" liên tục. Thái Bá Lợi nói với Hữu Thỉnh: "Đoàn Việt Nam cũng có "xăm-đét" sao Thỉnh không giới thiệu?". Hữu Thỉnh hỏi "Ai là hoàng thân?". Thái Bá Lợi chỉ vào Lê Văn Thảo: "Ông Thảo gọi Tổng thống Dương Văn Minh là bác, vậy cháu cùng họ với "Quốc trưởng" có phải là hoàng thân không?".
Các tác phẩm của Lê Văn Thảo.
Người tận tay chôn cất và giữ gìn nhật ký của nhà thơ, anh hùng Lê Anh Xuân
Trong làng văn miền Nam và thậm chí là cả nước, có thể nói Lê Văn Thảo là "ma xó" vì gần như chuyện "thâm cung bí sử" gì ông cũng biết, mặc dù ông không bao giờ viết báo hay viết sách kiểu để "buôn chuyện" như một số người vẫn làm hiện nay. Lê Văn Thảo chỉ viết khi nhân vật đó có tình thân thật sự với ông chứ không muốn tạo dựng "giai thoại" cho mình hay cho nhân vật đó. Trường hợp mối thâm tình của ông và nhà thơ Lê Anh Xuân là một điển hình cần ghi ra đây.
Năm 2011, NXB Văn hóa Văn nghệ in cuốn nhật ký của tác giả "Dáng đứng Việt Nam" vào dịp kỷ niệm ngày nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh. Cuốn nhật ký sẽ khó tồn tại trên cõi đời này nếu nó không được trân trọng giữ gìn. Muốn giữ gìn những giá trị thuộc về tinh thần như "Nhật ký Lê Anh Xuân", thì người cầm được nó phải hiểu các giá trị viết trong đó.
Người tìm thấy "Nhật ký Lê Anh Xuân" không ai khác là nhà văn Lê Văn Thảo, chính ông là người giữ gìn cuốn nhật ký này khi tác giả "Dáng đứng Việt Nam" hy sinh. Những dòng cuối cùng trong "Nhật ký Lê Anh Xuân" do Lê Văn Thảo viết để ghi nhớ ngày và địa điểm chôn cất người bạn chiến đấu, đồng nghiệp cầm bút của mình.
Nếu cuốn nhật ký đó không được một nhà văn như Lê Văn Thảo tìm thấy, mà được một người ít quan tâm đến các giá trị thuộc về tinh thần nhặt được, thì trong điều kiện chiến trường Mậu Thân ác liệt như thế, liệu có gìn giữ nguyên vẹn? Thiết nghĩ câu hỏi này cũng chính là câu trả lời. Hơn thế, Lê Văn Thảo gìn giữ nhật ký của Lê Anh Xuân cẩn thận vì đó còn là kỷ vật cuối cùng của một người bạn thân.
Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, nhà văn Lê Văn Thảo vào Sài Gòn trong khi nhiều văn nghệ sĩ khác vẫn còn ở trong an toàn khu đợi tin chiến sự. Lê Văn Thảo được chọn vào thành vì ông lớn lên ở Sài Gòn, nên đường ngang ngõ dọc trong nội thành ông rất quen thuộc. Nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh vì rất muốn vào nội thành trực tiếp chứng kiến cảnh chiến trường, thay vì ngồi nơi an toàn rồi tưởng tượng khi sáng tác. Do kinh nghiệm chiến trường không nhiều, tác giả "Dáng đứng Việt Nam" đã hy sinh khi đang trú trong hầm bí mật sau đợt càn quét của quân địch. Nhà văn Lê Văn Thảo cùng các đồng đội khác đã trực tiếp chôn cất thi hài bạn mình.
Khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, lại chính Lê Văn Thảo đi tìm mộ phần của Lê Anh Xuân. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc tìm mộ của Lê Anh Xuân phải mất khá nhiều thời gian. Lê Văn Thảo đã đi gần nát vùng đất khi xưa đã chôn cất Lê Anh Xuân mới tìm ra nơi an táng bạn mình. Nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng cùng với nhạc sĩ Hoàng Việt và nhà văn Nguyễn Thi. Hiện, mộ phần Lê Anh Xuân được cải táng trong Nghĩa trang TPHCM.
Ảnh trang trí
Lê Văn Thảo gọi Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tướng "Việt cộng" Dương Văn Nhật là bác. Vì ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhật và cha của Lê Văn Thảo - cụ Dương Văn Diêu là anh em chú bác ruột. Lê Văn Thảo có một khoản thừa kế cả ngàn lượng vàng từ ngôi biệt thự của cụ Dương Văn Diêu để lại, nhưng ông đều nhường hết cho các em của mình mà không đụng đến một xu nào.
(LĐĐS) - Số 9 - Thứ bảy 15/06/2013 20:08

Không có nhận xét nào: