Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Thực nghiệm hiện trường vụ "đầu độc" rừng thông ở Lâm Đồng

Thực nghiệm hiện trường vụ "đầu độc" rừng thông ở Lâm Đồng

Thứ Sáu, 31/05/2019, 16:10:10
NDĐT - Ngày 31-5-19, Công an tỉnh Lâm Đồng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an huyện Lâm Hà, tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án hủy hoại hơn 10 ha rừng thông ba lá tại khu vực trên.
Thực nghiệm hiện trường vụ
Rừng thông bị hạ độc đã chuyển màu héo úa.
Cơ quan chức năng dẫn giải ba đối tượng liên quan vụ hủy hoại rừng thông quy mô lớn tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), đến hiện trường để thực nghiệm hành vi hủy hoại, đầu độc rừng thông.
Đối tượng Diệm thực nghiệm hành vi hủy hoại rừng thông bằng cách khoan lỗ, đổ hóa chất.
Ba đối tượng đã bị khởi tố, dẫn giải đến hiện trường, gồm: Ngô Văn Diệm (SN 1984, quê Ninh Bình, tạm trú xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà; có hai tiền án, tiền sự trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích), Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, ngụ xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) và Dương Văn Hồng (SN 1967, ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà).
Theo cơ quan điều tra, Diệm là đối tượng được kẻ chủ mưu thuê phá rừng, có thỏa thuận ăn chia; sau đó thuê một số đối tượng (trong đó có Lợi, Hồng) tiến hành hủy hoại rừng.
Đối tượng Hồng thực nghiệm hành vi hủy hoại rừng thông.
Như Nhân Dân điện tử đã thông tin, vụ hủy hoại rừng thông tại tiểu khu 292 được phát hiện ngày 26-4. Theo thống kê, có 3.456 cây thông ba lá 17 năm tuổi, trên diện tích hơn 10,1 ha, bị các đối tượng khoan lỗ vào thân và đổ hóa chất, khiến cây thông héo úa, không thể phục hồi; lâm sản thiệt hại gần 239 m3; định giá thiệt hại gần 800 triệu đồng. Ngày 10-5, cơ quan chức năng địa phương đã ra quyết định khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản” để điều tra, làm rõ.
Dẫn giải các nghi can đến hiện trường.
Sáng cùng ngày, cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố bị can và khám xét nhà riêng đối tượng Bạch Đình Kế (SN 1982, ngụ Tân Hà, Lâm Hà), được cho là chủ mưu vụ hủy hoại rừng trên, hiện đang bỏ trốn.
Vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra mở rộng.
Hóa chất và dụng cụ các đối tượng dùng để hủy hoại rừng.
Bảo Văn

dvnien copy từ http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/40387302-thuc-nghiem-hien-truong-vu-dau-doc-rung-thong-o-lam-dong.html

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Gian lận thi cử năm 2018 là hành vi 'ăn cướp, vô liêm sỉ'


Đại biểu Quốc hội:

Gian lận thi cử năm 2018 là hành vi 'ăn cướp, vô liêm sỉ'


TPO - “Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử trong năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đã làm băng hoại nền tảng xã hội và nền giáo dục nước nhà”, ĐB Thái Trường Giang nhìn nhận.



ĐB Thái Trường Giang
ĐB Thái Trường Giang

Đề cập đến lĩnh vực giáo dục tại phiên thảo luận chiều 30/5, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng với những gì diễn ra trong thời gian gần đây, đôi khi còn nghi ngờ vai trò và chính sách hành động của ngành giáo dục.
Thứ nhất theo ông, chất lượng giáo dục không thực chất, vẫn chạy theo bệnh thành tích, không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng.
“Không phải bệnh thành tích thì là gì, khi mà một lớp học có 43 học sinh, có tới 22 học sinh giỏi? Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi, có rất nhiều nếu chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ, tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đấy bể”, ĐB cho hay.
Đặc biệt, đề cập đến tiêu cực trong thi cử, theo ông đây là giọt nước làm tràn ly, để xem lại thực chất của việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1”.
“Tiêu cực trong thi cử năm 2018, là giọt nước tràn ly buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học. Phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử trong năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đã làm băng hoại nền tảng xã hội và nền giáo dục nước nhà”, ĐB nhìn nhận.
Từ phân tích trên, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trúng thực chất những vấn đề tồn tại của ngành, có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.
Sai phạm mang lỗi hệ thống
Cũng tại phiên thảo luận sáng 30/5, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, việc thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn. Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, Hồ Chí Minh.
“Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, trong tương lai các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả.
Theo ông, trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều cải cách nhưng theo tôi phương pháp là chưa đúng. Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối.
“Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường”, GS. ngành y Nguyễn Lân Hiếu bình luận.

Vụ chết 2 năm vẫn ký nguồn gốc nhà đất

Vụ chết 2 năm vẫn ký nguồn gốc nhà đất
ĐBQH đề nghị làm rõ có 'bảo kê' không?
Copy từ "https://www.tienphong.vn/dia-oc/vu-chet-2-nam-van-ky-nguon-goc-nha-dat-dbqh-de-nghi-lam-ro-co-bao-ke-khong-1421797.tpo", tác giả: Ninh Phan- Trường Vi , đã đăng ngày 30/05/2019 07:35.
TPO - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nghi ngờ việc có sự 'bảo kê' trong vụ cấp sổ đỏ tại 27A Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) là “có cơ sở”, bởi yêu cầu chính đáng của người dân không được giải quyết đến nơi đến chốn, trong khi hồ sơ cấp sổ đỏ lại có dấu hiệu làm không đúng quy định.

Lo ngại giống vụ 146 Quán Thánh và có bảo kê?
Liên quan việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài về hệ thống thoát nước chung, các hộ dân ở đây đã gửi đơn trực tiếp tới đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật của nhiều cán bộ.
Trong đó, người dân tố cáo ông Phạm Văn Viên-Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, người trước đây là cán bộ địa chính của phường đã ký xác nhận trong Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) được lập ngày 22/2/2006 làm cơ sở đề nghị UBND quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành…
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có sự bảo kê hay không trong vụ cấp sổ đỏ tại 27A Đê La Thành đang được dư luận quan tâm.
Trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh vụ việc này, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá “sự việc này cũng lập lại tình trạng giống như trường hợp ở 146 Quán Thánh (quận Ba Đình), xây dựng trên công trình công cộng của người dân mà dư luận đã từng phản ánh. Đồng thời, cũng là vi phạm về việc cấp sổ đỏ và cấp giấy phép xây dựng. "Qua xem xét bước đầu hồ sơ mà người dân cung cấp, tố cáo thì 2 trường hợp này đều nằm trong vi phạm về quản lý hoạt động xây dựng cũng như quản lý đất đai. Đặc biệt, vụ việc đều liên quan đến nhiều hộ dân, rất bức xúc”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Theo Phó trưởng Ban dân nguyện, người dân nghi ngờ về việc có sự bảo kê. Ông cho rằng, nghi ngờ này “có cơ sở”, bởi yêu cầu chính đáng của họ không được giải quyết đến nơi đến chốn. Trong khi đó, vi phạm này có thể còn có nguồn gốc xâu xa hơn, chứ không chỉ là vi phạm thông thường.
“Từ diện tích được cấp cho đến vị trí được cấp, đến những vấn đề có liên quan đến đời sống dân cư đã không được những cán bộ, cơ quan chính quyền trực tiếp ở cơ sở xem xét thấu đáo, hợp lý hợp tình, đến nơi đến chốn, để giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Từ đánh giá trên, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, vấn đề này cơ quan cấp trên của TP Hà Nội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hệ thống quản lý của mình. Đồng thời, cần làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Một điểm đáng lưu ý khác mà người dân phản ánh, trong vụ việc này là sự việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cho quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài, qua các tài liệu, hồ sơ lưu lại cho thấy nhiều điểm mập mờ, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, sự việc này có nhiều vấn đề được đặt ra: Trước tiên, có thể do sự quan liêu của cán bộ địa phương. Thứ hai, theo ông Nhưỡng, điều đáng “sợ nhất là vấn đề giả mạo, làm sai lệch và hợp thức hóa hồ sơ cấp sổ đỏ không đúng quy định”.

Dù người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng hộ liền kề vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Ninh Phan.
“Người dân đặt ra câu hỏi, tại sao lại xảy ra sự việc như thế? Có thể là thiếu tinh thần trách nhiệm, còn không thì là cố ý làm trái. Trường hợp đúng như hồ sơ người dân phản ánh là vi phạm trắng trợn, không phải vi phạm thông thường mà là làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, đi trái các quy định của nhà nước và pháp luật”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Cần làm rõ nhiều khuất tất và không nên để dây dưa kéo dài
Cũng theo quan điểm của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, sự việc không chỉ dừng lại ở hai trường hợp 27A Đê La Thành và 146 Quán Thánh này, mà Hà Nội có thể “còn nhiều trường hợp tương tự kiểu như thế này, chỉ có điều nó chưa bung ra thôi”. Do vậy, phải chỉ đạo rà soát tất cả trên địa bàn, xem có vướng vào những trường hợp tương tự thế này không.
“Nếu một mặt dính cả vào vấn đề công cộng, mặt khác lại dính cả vào đời sống của bà con nhân dân thì sau này rất khó giải quyết. Đặc biệt khi đã cấp giấy phép, mà nhiệm kỳ này đi qua, thì nhiệm kỳ sau càng rắc rối, người tiếp quản sẽ gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Cho nên từ hai trường hợp ở Đê La Thành và Quán Thánh, phải rà soát trên khắp Hà Nội để có phương án xử lý kịp thời, không để dây dưa kéo dài”, ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng đề nghị chính quyền Thành phố Hà Nội cần phải có một văn bản chỉ đạo toàn thành phố, “đừng để quá tam ba bận”, phải rà soát toàn bộ, xem xét lại những vấn đề này. Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm, phải xử lý theo đúng quy định pháp luật: Nếu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì phải xử lý theo Luật Xây dựng; vi phạm trong đất đai thì phải xử lý theo Luật Đất đai; còn nếu vi phạm xâm phạm tài sản thì phải thực hiện quy định xử lý về mặt tài sản; nếu vi phạm về đường lối chính sách, vi phạm trong việc làm sai lệch hồ sơ tài liệu thì phải xử lý nghiêm.
“Tùy từng tính chất, từng mức độ và đối tượng vi phạm, phải phân loại ra để xử lý cho hợp lý, chứ không phải hòa cả làng, hoặc đưa vào cùng một rọ để xử lý”, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất lập năm 2006 trong hồ sơ mà gia đình ông Hùng được chính quyền sở tại xác nhận để làm cơ sở cho UBND quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành được bê nguyên từ Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) năm 1997.
Trước đấy, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cùng các phòng ban chuyên môn đã có buổi tiếp công dân là đại diện 12 hộ dân của 84 nhân khẩu cư trú ở Tổ 18 (cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Sau đó, đã chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội để chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết, trả lời công dân. Đồng thời đề nghị thông báo kết quả đến Ban Tiếp công dân Trung ương về phản ánh của các hộ dân về những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành.
Cụ thể, nguồn gốc đất mà gia đình ông Lê Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Nhạc (bố mẹ đẻ của ông Lê Hữu Hùng và các đồng sở hữu hiện nay-PV) tại số 27A Đê La Thành chỉ có diện tích là 86m2 đất, kê khai đóng thuế ổn định từ năm 1962 cho đến thời điểm được cấp sổ đỏ năm 2006. Còn phần đất tăng thêm so với diện tích kê khai ban đầu là 26,6m2 thuộc đất lưu không liền kề. Đây cũng là hệ thống cống thoát nước thải và nước mưa của khu dân cư có từ hàng chục năm trước của khu dân cư...
Ninh Phan- Trường Vi

Ngừng thu phí du khách lên đỉnh núi Sam


An Giang:

Yêu cầu chấp dứt việc thu phí du khách lên đỉnh núi Sam


TPO - UBND tỉnh An Giang yêu cầu Công ty TNHH MGA Việt Nam (gọi tắt Công ty MGA) chấm dứt việc lập “trạm thu phí” trên núi Sam ngay ngày mai. Đồng thời, doanh nghiệp muốn thu phí phải tự làm con đường khác lên núi chứ không được sử dụng con đường dân sinh hiện hữu và phương án thu phí cũng phải được sự đồng ý của UBND tỉnh này.
Yêu cầu chấp dứt việc thu phí du khách lên đỉnh núi Sam - ảnh 1"Trạm thu phí" gây bức xúc gần đường dẫn lên đỉnh núi Sam.
Sau sự việc du khách bức xúc về việc Công ty MGA tự đặt trạm “BOT” để thu phí gần đỉnh núi Sam mà Tiền Phong đã phản ánh. Ngày 29/5, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho UBND TP Châu Đốc yêu cầu Công ty MGA chấm dứt ngay việc thu phí bất hợp lí tại con đường dân sinh này ngay trong ngày mai (30/5) cho đến khi hoàn thiện các công trình liên quan đến dự án cáp treo lên đỉnh núi Sam.
“Việc Công ty MGA tự ý thu phí con đường dẫn lên đỉnh núi Sam như thế là không đúng với quy định hiện hành”- ông Thư khẳng định.
Đồng thời, theo vị phó Chủ tịch tỉnh, những công trình công cộng tồn tại từ xưa đến nay thì phải giữ nguyên, doanh nghiệp chỉ được thu phí khi nào có đầu tư vào trong phần dự án của họ. Nếu muốn thu thì phải tự làm con đường khác dẫn lên núi, còn phương án thu như thế nào phải được sự đồng ý của UBND tỉnh An Giang.
Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 28/5/19, một du khách tên Nguyễn Hữu Ái (ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mỗi năm lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam gia đình anh đều đến đây để hành hương, sau đó là tham quan.
Tuy nhiên, khi anh và người thân lên núi Sam thì bất ngờ bị một nhóm bảo vệ được cho là của Công ty MGA chặn lại thu phí với giá 10 ngàn đồng/người. Hơn nữa, những ai đã mua vé lên núi nhưng vô tình làm mất vé thì khi xuống núi sẽ phải đóng tiếp 10 ngàn đồng.
Bức xúc về việc bị chặn lại thu tiền bất hợp lí nên anh Ái đã phản ứng thì nhóm bảo vệ cho biết, do Công ty MGA đã đầu tư mở rộng con đường này ra đôi chút và lót gạch thẻ để mọi người đi lại được sạch sẽ hơn. Nếu ai có thắc mắc gì thì cứ xuống chân núi gặp ban giám đốc của Công ty MGA, còn họ chỉ làm theo sự phân công của cấp trên.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Chui vào ống cống trú mưa, hai cha con bị nước cuốn trôi


Chui vào ống cống trú mưa, hai cha con bị nước cuốn trôi


TPO - Khi trời mưa lớn, anh Vương Thanh Tùng cùng con gái Vương Thị Kim Anh chui vào một cống nước trong khu công nghiệp để trú mưa. Nguồn nước bất ngờ ập đến cuốn trôi cả 2 cha con.

Chui vào ống cống trú mưa, hai cha con bị nước cuốn trôi

Tối ngày 29/5/19, lãnh đạo UBND Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho hay, vào chiều tối cùng ngày Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Khu công nghiệp Vsip 2, đã phối hợp với lực lượng bảo vệ dùng lưới mắt cáo bịt miệng đường cống thoát nước, cứu vớt thành công hai cha con bị nước mưa cuốn trôi dưới trời mưa lớn.
Hai cha con chui vào ống cống trú mưa bị nước cuốn trôi - ảnh 1Lực lượng chức năng cứu hai cha con bị nước cuốn
Theo đó, vào khoảng 15h30 chiều cùng ngày, trời đổ cơn mưa lớn thì anh Trần Văn Tiến (bảo vệ KCN Vsip 2) đang trực tại chốt E6, nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ một cống nước nằm dọc đường Dân Chủ, phường Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một. Khi đến lại gần kiểm tra thì anh Tiến phát hiện anh Vương Thanh Tùng (37 tuổi) và con gái là Vương Thị Kim Anh (13 tuổi) đang chới với giữa dòng nước, tay vẫn đang bám chặt vào một bụi cỏ trên miệng cống.
Lúc bấy giờ, anh Tiến tri hô người mang lưới mắt cáo đến bịt miệng cống; đồng thời yêu cầu đồng đội thông báo đến lực lượng chức năng. Nhận được tin báo, đội Cảnh sát PCCC & CHCN Khu công nghiệp Vsip 2 đã đến tiếp cận hiện trường, hỗ trợ giải cứu đưa 2 cha con anh Tùng lên bờ an toàn.
Hai cha con chui vào ống cống trú mưa bị nước cuốn trôi - ảnh 2Hai cha con may mắn thoát chết
Theo nạn nhân, vào chiều cùng ngày, anh Tùng dẫn theo con gái đi câu cá, thấy trời mưa nên chạy vào đường cống trú. Tuy nhiên do mưa lớn, nên một lượng nước mưa lớn đổ dồn về đây đã khiến hai cha con anh chạy không kịp, bị nước cuốn.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Thi vào trường phổ thông năng khiếu: đề toán sai sót, thí sinh xôn xao


  • Thi vào trường phổ thông năng khiếu: đề toán sai sót, thí sinh xôn xao

    Copy từ "https://tuoitre.vn/thi-vao-truong-pho-thong-nang-khieu-de-toan-sai-sot-thi-sinh-xon-xao-20190527124129711.htm", tác giả: Hoàng Hương , đã đăng ngày 27/05/2019 13:15.

    TTO - Trưa 27-5-19, sau khi thi xong môn toán chuyên (trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM), nhiều thí sinh cho biết đề thi có sai sót.

    Thi vào trường phổ thông năng khiếu: đề toán sai sót, thí sinh xôn xao - Ảnh 1.
    Giám thị hướng dẫn thí sinh vào phòng thi tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trường PT Năng khiếu - Ảnh: Như Hùng
    Theo đó, em H.N. (học sinh ở Q. 3, TP.HCM) cho biết: "Sau khi giám thị phát đề thi và tụi em làm bài được khoảng 60' thì giám thị thông báo chỉnh sửa đề thi ở câu 2 b". 
    Tương tự, em T.V. (học sinh ở Q.1, TP.HCM) cũng phản ảnh: "Lúc đó em đã làm tới câu 3 rồi. Em định bỏ câu 2 b vì thấy kỳ kỳ, không làm được. May mà sau đó cán bộ coi thi thông báo sửa đề thi nên em làm lại". 
    Trao đổi với Tuổi Trẻ online, GS.TS Trần Linh Thước, hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM, xác nhận có sự việc trên xảy ra. 
    Thi vào trường phổ thông năng khiếu: đề toán sai sót, thí sinh xôn xao - Ảnh 2.
    Đề thi môn toán chuyên của Trường PT Năng khiếu, phần câu 2b đã được sửa lại - Ảnh: THU HÂN
    Theo ông Thước: "Ở câu 2 b, điều kiện đúng phải là m>2, chứ không phải m>1 như đề đã in. Sau 30 phút làm bài, có một thí sinh đã phát hiện vấn đề trên. Giám thị đã báo cáo với hội đồng thi xem xét và sau 30' nữa (tức là sau 60' làm bài - PV) thì hội đồng coi thi đã có sự điều chỉnh ở tất cả các phòng thi". 
    Một số thí sinh và phụ huynh đã gọi cho Tuổi Trẻ online, băn khoăn về việc sai sót trong đề thi như trên sẽ ảnh hưởng đến kết quả bài thi: "Bởi đề thi có 5 bài với thời gian làm bài 150' thì sau 60' sẽ có nhiều thí sinh đã làm xong bài 2.
    Sau đó, hội đồng coi thi sửa lại đề mà không cho thêm thời gian làm bài sẽ có tình trạng thí sinh phải mất thời gian làm lại bài 2. Con tôi cũng thế" - bà Nguyễn Hà, phụ huynh ở Q.5, phản ảnh.
    HOÀNG HƯƠNG
    TIN LIÊN QUAN










    Bình luận (7)

  • Lạy cả nón người ra đề thi. Năng khiếu đấy nhá.